Cần gần 54 triệu m3 cát
Báo cáo tại buổi làm việc, đại diện Bộ GTVT cho biết, tại khu vực ĐBSCL đang triển khai bốn dự án trọng điểm về giao thông với tổng chiều dài 355km, tổng mức đầu tư hơn 82,8 nghìn tỷ đồng. Các dự án đang cần khoảng 6,6 triệu m3 đá các loại, 4,7 triệu m3 đất đắp và khoảng 53,68 triệu m3 cát đắp.
Về vật liệu cát, đến thời điểm hiện tại, nguồn cát sông đảm bảo chất lượng cung cấp cho các dự án chủ yếu tại các tỉnh có sông Tiền và sông Hậu đi qua. Trong đó, trữ lượng lớn tập trung tại tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Sóc Trăng.
Đối với dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, tổng nhu cầu cát cho dự án khoảng 18,1 triệu m3, trong đó năm 2023 cần 9,1 triệu m3, năm 2024 cần 9 triệu m3.
Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng Tổng nhu cầu cát đắp nền cho dự án khoảng 28,91 triệu m3, trong đó năm 2023 cần 6,8 triệu m3, năm 2024 cần 13,16 triệu m3, năm 2025 cần 8,95 triệu m3.
Dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu được chia làm hai dự án thành phần. Dự án thành phần 1 qua Đồng Tháp, dài 16km; dự án thành phần 2 qua Tiền Giang, dài 11,43 km. Tổng nhu cầu cát của hai dự án khoảng 3,58 triệu m3.
Với án cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh, tổng nhu cầu cát đắp khoảng 3,1 triệu m3, tỉnh Đồng Tháp đã cân đối đủ nguồn cát.
Báo cáo với Phó thủ tướng, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên cho biết, hiện nay đang cấp 121 giấy phép khai thác cát. Riêng giấy phép khai thác cát san lấp là 63 triệu m3, cát xây dựng 17 triệu m3. Trong 60/121 giấy phép này có tổng trữ lượng khoảng 80 triệu m3.
Thời gian vừa qua, các tỉnh cũng đã cấp 30 giấy phép thăm dò với trữ lượng dự kiến đạt 39 triệu m3 cát san lấp và 3 triệu m3 cát xây dựng.
"Như thế đã có một khoảng 120 triệu m3 cát, trong đó có 20 triệu m3 là cát xây dựng và 100 triệu m3 cát san lấp, có thể cung cấp đủ cho các tiến độ dự án cao tốc đang triển khai", ông Kiên nhận định.
Băn khoăn giao mỏ cát cho nhà thầu
Báo cáo với Phó thủ tướng, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa cho biết: Từ trước nay, các địa phương khai thác cát thực hiện theo Luật Khoáng sản. Nay có cơ chế giao mỏ cho nhà thầu khai thác, địa phương có nhiều băn khoăn, đặc biệt trong việc kiểm soát.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, hiện nay, tỉnh đang gặp vướng mắc về cơ chế giao mỏ.
"Nhà thầu thi công cần ngồi lại với địa phương để tính toán, thống nhất giới thiệu những doanh nghiệp khai thác có kinh nghiệm, đảm bảo việc khai thác không ảnh hưởng đến môi trường", ông Bình nói và cho biết, dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đi qua qua tỉnh cần 9,3 triệu m3. Tỉnh đảm bảo cung ứng số cát này. Tuy nhiên, sau khi Thanh tra Chính phủ có kết luận, địa phương đã thu hồi 6 mỏ cát (do có những tiêu cực liên quan - PV).
"An Giang đã có tờ trình gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét hướng dẫn để địa phương cấp lại 6 mỏ cát này phục vụ cho các tuyến cao tốc trọng điểm", ông Bình nói.
Theo ông Bình, đối với hạ lưu nhánh sông Hậu, sau khi lấy cát thì không bồi lắng được bao nhiêu. Do vậy, An Giang đề nghị Phó thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan thành lập tổ liên ngành cùng với các địa phương đánh giá tác động môi trường.
"Đặc điểm của vùng sông Hậu là cát nằm dưới độ phủ của lớp phù sa khoảng 3m. Khi khai thác phải vét hết lớp bùn này mới tới lớp cát. Do đó, thay vì khai thác tới -17m thì cho khai thác xuống -23m để phục vụ công trình trọng điểm, nếu như không làm ảnh hưởng đến môi trường, không làm sạt lở", ông Bình kiến nghị.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng khẳng định "rất sốt ruột về vật liệu làm đường cao tốc". Bộ trưởng nhấn mạnh đây là một trong những nguyên nhân chính làm chậm tiến độ các dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1.
Ở giai đoạn 2, Chính phủ đặc biệt quan tâm và đã có những chỉ đạo rất quyết liệt để bố trí vật liệu làm cao tốc.
Theo Bộ trưởng, hiện toàn bộ dự án giai đoạn 2 ở tất cả các địa phương ngoài ĐBSCL cơ bản không thiếu vật liệu trong năm 2023 và đầu năm 2024. Nếu có, chỉ thiếu giai đoạn sau. Về cơ chế đặc thù, các địa phương được áp dụng như nhau, thậm chí khu vực miền Tây còn có cơ chế mạnh hơn như nâng công suất khai thác cát thêm 50%, các vùng miền khác không có.
Chia sẻ với các địa phương như An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long - 3 địa phương có trách nhiệm cung ứng cát cho các dự án, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cũng đánh giá cao sự nỗ lực của các địa phương này.
Từ đây, Bộ trưởng đề nghị các địa phương cố gắng cung ứng cát đủ 1 triệu m3 trong tháng 9; 2,2 triệu m3 trong tháng 10 và phần còn lại cho cuối năm 2023. Cố gắng để cấp phép khai thác cát cho các giai đoạn tiếp theo.
Về việc các địa phương băn khoăn khi giao mỏ cho các nhà thầu, Bộ trưởng cho biết việc này đã thực hiện trong suốt giai đoạn 1 rồi và trong quá trình triển khai không có một vấn đề gì.
"Khi các địa phương giao mỏ cát cho nhà thầu thì tỉnh có thể mời nhà thầu lên làm việc, mua cát theo giá niêm yết của địa phương, theo quy định. Như thế mới giải quyết được", bộ trưởng gợi ý.
Nhà thầu chịu trách nhiệm chính khi nhận mỏ cát
Chia sẻ với trăn trở của lãnh đạo các tỉnh, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng cần xây dựng hệ thống quan trắc, đánh giá tác động môi trường tổng thể làm cơ sở cấp phép khai thác mỏ cát.
Phó thủ tướng gợi mở: nhà thầu nhận mỏ có thể hợp tác với doanh nghiệp có uy tín, kinh nghiệm khai thác và chịu trách nhiệm toàn diện đối với việc sử dụng nguồn vật liệu được khai thác đúng mục đích.
Đồng thời xem xét phương án sử dụng nguồn vật liệu san lấp từ các dự án nạo vét, khơi thông luồng lạch phục vụ cho dự án cao tốc trên cơ sở đánh giá tác động môi trường kỹ càng. Lập tổ giám sát liên ngành, không để thất thoát ra ngoài…
Phó thủ tướng cũng yêu cầu các sở, ngành phải làm tốt hơn nữa vai trò tham mưu cho lãnh đạo địa phương khi vận dụng cơ chế đặc thù trong cấp phép, gia hạn, nâng công suất khai thác mỏ.
"Trữ lượng các mỏ không thiếu nhưng các địa phương, nhà thầu đang thiếu sự phối hợp, chưa hiểu cặn kẽ, đầy đủ quy định pháp lý, chưa đủ năng lực đánh giá tác động môi trường đối với những mỏ lớn để đưa ra phương án khai thác phù hợp, bảo vệ môi trường, chống sạt lở", Phó thủ tướng nhận định.
Ông yêu cầu trong tháng 9/2023, các địa phương phải hoàn thành thủ tục, đưa những mỏ mới vào hoạt động; gia hạn, nâng công suất các mỏ hiện có hoặc đã hết hạn nhưng trữ lượng vẫn còn.
Bên cạnh đó, tất cả mỏ khai thác vật liệu phục vụ dự án cao tốc trọng điểm quốc gia phải hoàn thiện thủ tục theo cơ chế đặc thù trong năm 2023 theo đúng Nghị quyết của Quốc hội.
Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường, tỉnh An Giang có ngay báo cáo về hoạt động quản lý, khai thác, sử dụng vật liệu san lấp trên địa bàn. Trong đó xác định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý, vi phạm doanh nghiệp để xử lý, nhưng không làm cản trở việc đưa nguồn vật liệu san lấp phục vụ các dự án cao tốc.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận