Lực lượng liên ngành tỉnh Thừa Thiên Huế kiểm tra, xử lý xe chở khách trá hình
Xe trá hình tuyến Huế - Đà Nẵng vẫn hoạt động rầm rộ
Ngày 6/1, ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Trưởng Ban ATGT tỉnh chủ trì cuộc họp với các Sở ngành, địa phương và các đơn vị liên quan để nghe báo cáo đề xuất giải pháp xử lý hoạt động xe dù, xe ứng dụng công nghệ kinh doanh vận tải (KDVT) khách trái phép tuyến Huế - Đà Nẵng.
Theo báo cáo của Ban ATGT tỉnh, thời gian qua, tình trạng ô tô trá hình vận chuyển hành khách tuyến Huế - Đà Nẵng và ngược lại diễn biến rất phức tạp, có chiều hướng gia tăng về số lượng phương tiện, tần suất chạy xe gây bức xúc trong dư luận.
Tháng 6/2020, lực lượng liên ngành tỉnh đã triển khai kế hoạch tăng cường kiểm tra, lập biên bản vi phạm 74 lượt phương tiện với 76 lỗi vi phạm, xử phạt gần 196 triệu đồng, tước quyền sử dụng GPLX từ 1-3 tháng 57 trường hợp. Hiện nay, lực lược liên ngành đang tiếp tục triển khai, tính đến ngày 31/12 đã xử lý 18 trường hợp với 20 lỗi vi phạm, xử phạt hơn 90 triệu đồng.
Tuy nhiên, tình trạng xe ké, đặt chỗ qua mạng, xe núp bóng các loại hình KDVT khác (chủ yếu xe dưới 9 chỗ ngồi) hoạt động như xe tuyến cố định trái quy định pháp luật gây ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, tiềm ẩn nguy cơ gây mất ATGT, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động vận tải hành khách của các đơn vị vận tải tuyến Huế - Đà Nẵng.
Xe trá hình sử dụng nhiều thủ đoạn để đối phó, để xử lý được một trường hợp rất mất thời gian
Đáng chú ý, ngoài sử dụng xe cá nhân (không phải BKS đăng ký xe kinh doanh vận tải), các xe hoạt động chở khách trá hình thời gian qua thường đăng ký vào HTX để xin cấp phù hiệu xe hợp đồng và cũng được HTX cấp các hợp đồng khống có đóng dấu trước rồi giao cho chủ phương tiện để tự ghi tên hành khách đi xe sau khi đã đón được và nhờ hành khách đi xe đứng tên để đối phó. Khi tổ liên ngành kiểm tra xử lý thì trình bày là chở bạn bè hoặc người thân đi chơi, công việc…
Các xe này còn bố trí nhiều đối tượng theo dõi hoạt động của lực lượng liên ngành để thông tin cho các lái xe “né” chốt, tổ chức trung chuyển khách qua điểm kiểm tra của đoàn liên ngành bằng xe taxi, chờ tổ liên ngành nghỉ làm việc là hoạt động rầm rộ. Mặc dù tổ liên ngành đã bố trí ngoài giờ làm việc theo lịch nhưng chỉ xử lý một số ít trường hợp vì số lượng xe quá nhiều, để xử lý được một trường hợp rất mất thời gian.
Đặc biệt, theo lực lượng chức năng, hiện nay tình hình dịch Covid-19 đang có nguy cơ lây lan trở lại ở một số địa phương, các phương tiện KDVT trái pháp luật trên tuyến Huế - Đà Nẵng và ngược lại tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch Covid-19 do các phương tiện này không được quản lý, giám sát hành trình, không có đăng ký với cơ quan chức năng.
Các đối tượng "chim lợn" luôn theo sát lực lượng liên ngành để báo tin cho lái xe né chốt
Theo Sở GTVT Thừa Thiên Huế, cùng với tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm xe trá hình, cần đẩy mạnh tuyên truyền để cán bộ, công chức, viên chức, người lao động nói riêng và người dân trên địa bàn tỉnh không tham gia, sử dụng dịch vụ xe dù, xe ké, xe đặt chỗ qua mạng hoạt động trái quy định pháp luật khi đi công tác, học tập, du lịch từ Huế đi Đà Nẵng và ngược lại… Đồng thời, rà soát các quy định của pháp luật để kiến nghị tăng chế tài xử phạt đủ sức răn đe, góp phần hạn chế tình trạng xe dù, xe ké, xe dịch vụ vận tải bất hợp pháp.
Các đơn vị KDVT hành khách bằng xe ô tô, Công ty CP Bến xe Huế cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền đội ngũ lái xe, nhân viên phục vụ trên xe, nhân viên bến xe nâng cao chất lượng phục vụ hành khách; trang bị xe trung chuyển để phục vụ tốt hơn nhu cầu đi lại thuận tiện của người dân...
Đồng bộ giải pháp, quyết liệt xử lý xe trá hình
Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ yêu cầu việc xử lý tình trạng xe dù, xe ké, xe dịch vụ qua mạng, xe núp bóng các loại hình vận tải khác hoạt động đón, trả khách trái quy định pháp luật cần phải có giải pháp căn cơ và phải được triển khai thường xuyên, liên tục.
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phát biểu tại buổi làm việc
Các cơ quan chức năng cần rà soát lại hoạt động của các HTX, doanh nghiệp KDVT, xử lý nghiêm các đơn vị không thực hiện đúng theo giấy phép đăng ký kinh doanh. Vận động các xe kinh doanh vận tải sớm chuyển đổi biển vàng để thuận tiện trong việc quản lý hoạt động.
"Tiếp tục tăng cường TTKS bằng các biện pháp nghiệp vụ, phối hợp các lực lượng để phát hiện, ngăn chặn ngay từ khi xuất phát và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các phương tiện chở khách như: xe dù, xe ké, xe dịch vụ qua mạng, xe núp bóng các loại hình vận tải khác hoạt động đón, trả khách trái quy định pháp luật.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền các quy định của pháp luật về kinh doanh và điều kiện KDVT bằng xe ô tô, có giải pháp ngăn chặn các địa chỉ quảng cáo liên quan đến xe dù, xe ké, xe dịch vụ qua mạng trên website; cung cấp thông tin cho các lực lượng chức năng khi phát hiện trên hệ thống đô thị thông minh; phát huy hệ thống Hue-S trong phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm", ông Phan Ngọc Thọ nói.
Cũng theo ông Thọ, cần phải nhìn nhận được thực tế là chất lượng dịch vụ của các HTX vận tải, đơn vị KDVT chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân, có sự chênh lệch giữa cung và cầu, cung chưa đáp ứng được cầu về chất lượng, phục vụ, giá cả, thời gian... Do đó, việc nâng cao chất lượng phục vụ hành khách trên tuyến Huế - Đà Nẵng hiện nay phải được đặt lên hàng đầu.
Đồng thời, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu năm 2021, Sở GTVT phải lấy chủ đề “Văn hóa giao thông” làm mục tiêu xuyên suốt trong quá trình chỉ đạo, điều hành để tình hình ATGT trên địa bàn được đảm bảo, doanh nghiệp KDVT hợp pháp được hưởng những bảo hộ chính đáng của nhà nước, người dân được phục vụ tốt hơn và an toàn hơn khi tham gia giao thông.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận