Rất nhiều chủ xe thế chấp ngân hàng than bị các trung tâm đăng kiểm làm khó thủ tục khi đăng kiểm định kỳ. Trong khi đó, trung tâm đăng kiểm bày tỏ, không thể du di vì sợ vi phạm quy định của ngân hàng và ngành đăng kiểm.
Cả chủ xe và trung tâm đăng kiểm đều than khổ
Chia sẻ với PV Báo Giao thông, chủ xe Nguyễn Hữu Bích (huyện Hoài Đức, Hà Nội) có xe tải BKS 29K-537… kể, đầu tháng 2/2019, khi đưa xe đi đăng kiểm tại một trung tâm đăng kiểm tại Hà Nội bị buộc phải quay về liên hệ với ngân hàng chỉ để xin lại giấy thế chấp và bản đăng ký xe có chứng thực.
“Tôi đưa giấy tờ khác để chứng minh mình là chủ xe và mong được đăng kiểm luôn, nhưng họ vẫn không nhận đăng kiểm. Nghĩ họ cư xử máy móc, tôi đưa xe đến trung tâm đăng kiểm khác cách đó gần chục cây số. Nhưng trung tâm này cũng không nhận và cũng cho rằng phải có giấy đăng ký xe có chứng thực, giấy biên nhận thế chấp của ngân hàng theo đúng mẫu”, lái xe này cho biết phải liên hệ với ngân hàng và xin lại giấy mất hai hôm mới xong giấy tờ, đăng kiểm xe.
Cũng gặp cảnh tương tựu, anh Dũng mua xe BKS 30P-472… trả góp để chở khách cũng bị Trung tâm đăng kiểm 29-03S đòi hỏi bản thế chấp ngân hàng. “Lần trước đi đăng kiểm, bản sao giấy đăng ký xe, giấy thế chấp chỉ có dấu đỏ của ngân hàng cho vay vẫn được đăng kiểm. Lần này, họ đòi giấy đăng ký phải có dấu chứng thực của phường, xã hoặc công chứng mới công nhận. Đành phải gọi điện cho nhân viên ngân hàng, hôm sau mới có được giấy tờ. May mà không bị công an phạt vì xe đã quá hạn đăng kiểm 1 ngày”, anh Dũng giãi bày.
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với Báo Giao thông, lãnh đạo một số trung tâm đăng kiểm tại Hà Nội xác nhận tình trạng trên xảy ra rất nhiều thời gian qua. Các trường hợp xe đang thế chấp không được tiếp nhận đăng kiểm do giấy tờ ngân hàng cho vay cấp cho chủ xe không đúng theo mẫu được Cục Đăng kiểm VN hướng dẫn.
“Lượng xe đến đăng kiểm dịp cuối năm 2018 và đầu năm 2019 rất đông. Khách hàng hay thắc mắc nhất là việc phải làm lại thủ tục đối với xe thế chấp ngân hàng thương mại. Theo hướng dẫn của Cục Đăng kiểm VN, xe thế chấp ngân hàng phải có giấy đăng ký có chứng thực của cơ quan có thẩm quyền và giấy biên nhận thế chấp. Tuy nhiên, đa số các trường hợp trên chỉ cung cấp được bản đăng ký có đóng dấu treo của ngân hàng cho vay, không phải cơ quan có thẩm quyền chứng thực”, ông Nguyễn Minh Hải, Giám đốc Trung tâm đăng kiểm 29-03S cho biết.
Lái xe cần nắm vững quy định để đỡ tốn công sức
Ông Dương Trung Lâm, Giám đốc Trung tâm đăng kiểm 99-02D Bắc Giang cho biết, cùng hệ thống ngân hàng thương mại cho vay, nhận thế chấp xe nhưng có tình trạng mỗi chi nhánh hoặc tổ chức tín dụng huyện, xã lại cấp một mẫu giấy biên nhận thế chấp khác nhau. Cũng có tình trạng bản sao giấy đăng ký xe cũng do ngân hàng đóng dấu, ghi tên nên trung tâm đăng kiểm không dám tiếp nhận xe. Hầu hết các trường hợp xe quay về liên hệ với ngân hàng phải mất 1-2 ngày sau mới hoàn thành thủ tục, trở lại đăng kiểm.
Ông Ngô Hồng Hệ, Trưởng phòng Kiểm định xe cơ giới, Cục Đăng kiểm VN cho biết, các trung tâm đăng kiểm có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc theo hướng dẫn để đảm bảo thống nhất quản lý, theo chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước VN và Cục Đăng kiểm VN.
“Xe thế chấp liên quan đến quyền tài sản giữa bên thế chấp và nhận thế chấp. Ngày 31/8/2017, Ngân hàng Nhà nước có Văn bản số 7000, hướng dẫn các tổ chức tín dụng có trách nhiệm cấp cho bên thế chấp xe ô tô bản sao đăng ký xe có chứng thực và bản gốc giấy biên nhận thế chấp có nội dung theo mẫu hướng dẫn tại văn bản trên. Ngày 20/12/2017, Cục Đăng kiểm VN cũng có văn bản hướng dẫn các trung tâm đăng kiểm, khi tiếp nhận hồ sơ đăng kiểm xe thế chấp phải có đủ 2 loại giấy tờ trên”, ông Ngô Hồng Hệ nói.
Để tránh phiền phức và mất thời gian, lãnh đạo các trung tâm đăng kiểm khuyến cáo, với loại xe thế chấp ngân hàng theo hướng dẫn của Cục Đăng kiểm VN, khi đến đăng kiểm, lái xe và chủ xe cần xuất trình đủ 2 loại giấy tờ: Bản sao chứng thực giấy đăng ký xe ô tô và giấy biên nhận thế chấp của tổ chức tín dụng nhận thế chấp.
Giấy biên nhận thế chấp phải có tối thiểu các nội dung: Tên gọi (giấy biên nhận thế chấp), số giấy biên nhận; Tên, địa chỉ của tổ chức tín dụng thế chấp; Tên của bên thế chấp, số chứng minh thư nhân dân (hoặc căn cước) của bên thế chấp là cá nhân hoặc giấy chứng nhận đầu tư, số quyết định thành lập (đối với pháp nhân), số giấy chứng nhận đăng ký xe, loại xe, số khung, số máy, biển kiểm soát xe; Thời hạn hiệu lực của giấy biên nhận thế chấp; Lần, số cấp lại Giấy biên nhận thế chấp (nếu cấp lại). Giấy biên nhận thế chấp phải có đủ chữ ký, ghi rõ họ tên của cán bộ có thẩm quyền và đóng dấu của tổ chức tín dụng nhận thế chấp.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận