Đó là câu hỏi được Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai đưa ra khi phát biểu tại hội nghị toàn quốc ngành Nội chính và hoạt động Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng tiêu cực cấp tỉnh vừa diễn ra.
Câu hỏi này thực sự khiến chúng ta suy nghĩ. Bởi nhìn lại cuộc chiến chống tham nhũng từ đầu nhiệm kỳ đến nay, những kết quả đạt được là rất đáng khích lệ.
Rất nhiều đại án lớn về tham nhũng, kinh tế đã được điều tra, truy tố, xét xử; rất nhiều quan chức cấp cao đã bị xử lý hình sự. Số tiền thu hồi từ các vụ án tham nhũng lên tới hơn 20.000 tỷ đồng…
Tuy nhiên, vì sao chúng ta đã đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phòng chống tham nhũng, tiêu cực nhưng vẫn còn vi phạm? (Trong 83 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý có vi phạm, có 59 cán bộ vi phạm ở các nhiệm kỳ trước đây, 24 cán bộ vi phạm trong nhiệm kỳ này).
Khá nhiều các quy định về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ; Trong hoạt động thanh tra, kiểm toán; Trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án… được ban hành; Những quy định về nêu gương, nhất là người đứng đầu cũng đã được phổ biến, quán triệt…
Nói cách khác, các quy định đã khá đầy đủ và chặt chẽ, nhưng vì sao vẫn xảy ra nhiều vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp; Có những vụ việc liên quan nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, liên quan cả Trung ương và cán bộ địa phương?
Vì cán bộ chưa biết sợ hay lòng tham không đáy? Tôi nghĩ, có lẽ do cả hai, song lòng tham chắc nhiều hơn.
Thực tế cho thấy vụ việc nào cũng đều có sự móc nối giữa cán bộ Nhà nước với thành phần thoái hóa, biến chất ở bên ngoài xã hội, làm thiệt hại, thất thoát lớn tài sản của nhà nước, nhân dân.
Những cán bộ giữ cương vị cao lẽ nào không hiểu biết các quy định của pháp luật, quy định của Đảng, mà khi ra tòa thản nhiên nói rằng nhận hàng triệu đô la bởi nghĩ chuyện "việc đã xong, họ cảm ơn là bình thường"?
Làm sao họ có thể nói rằng nhận vali đựng hàng trăm ngàn đô la rồi bây giờ "không nhớ để chỗ nào"?
Họ thừa biết các quy định, những điều cấm, nhưng họ vẫn làm. Có thể họ cũng sợ, nhưng vì lòng tham quá lớn nên nghĩ rằng việc khuất tất mình làm sẽ trót lọt.
Còn nhớ, trước đây, khi thảo luận về chống tham nhũng, một đại biểu Quốc hội đã đề xuất mở cuộc vận động cao điểm về tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, công chức tiết chế lòng tham: "Hãy dùng con mắt lương tâm của mình xem mình làm giàu bất hợp pháp đến mức nào, gây thiệt hại gì cho dân, cho nước".
Tuy nhiên, đề xuất đó vấp phải nhiều ý kiến trái chiều. Bởi lẽ, với những kẻ tham nhũng tiêu cực mà đi vận động họ dùng "con mắt lương tâm" là điều không thể.
Nếu kẻ tham nhũng có "con mắt lương tâm", có lẽ thời gian qua Đảng đã không phải xử lý nhiều cán bộ của mình đến thế. Chính lòng tham vô đáy đã khiến họ gục ngã.
Việc cần làm, phải làm và làm quyết liệt thật sự là tiếp tục đẩy mạnh cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực hơn nữa.
Chưa khi nào cuộc chiến này lại nhận được sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân đến vậy. Càng ngày, cuộc chiến càng chứng minh không có vùng cấm, không có ngoại lệ là sự thật.
Con người ai cũng có lòng tham, nhưng không phải ai, lúc nào và ở đâu cũng thể hiện lòng tham ấy.
Bởi những người có liêm sỉ, có đạo đức, hiểu được lẽ phải, đạo lý, có "con mắt lương tâm", sẽ luôn chiến thắng được bản thân.
Còn ngược lại, những kẻ thiếu đạo đức, thiếu giáo dục ắt sẽ thể hiện lòng tham vô đáy bất cứ khi nào có thể. Bởi vậy mà không thể kêu gọi, vận động ai đó "tiết chế lòng tham" được.
Điều cần hơn hết, quan trọng hơn hết là phải tạo ra những "vòng kim cô" để không một ai có thể tham, không một ai dám tham, dù có điều kiện, cơ hội.
Nói cách khác, cần vạch ra những "ranh giới đỏ" để cán bộ không bước qua, mà muốn bước qua đều phải nghĩ lại, và khi nghĩ thôi cũng đã biết sợ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận