Âm nhạc

Rap lộ mặt tối khi bước ra “ánh sáng”

12/10/2021, 06:28

Nhiều bản rap khiến dư luận bất bình bởi những câu từ tục tĩu, phản cảm. Nhiều sản phẩm phải xóa/ẩn trên MXH, rapper hứng không ít chỉ trích.

Vẫn tồn tại mặt tối

Suốt một thời gian dài, rap ở Việt Nam là cái gai trong mắt dư luận. Nó chủ yếu được chia sẻ trong cộng đồng underground (thế giới ngầm).

Thế nhưng, khi internet phát triển, rap dần được biết đến rộng rãi hơn. Hàng loạt rapper trở nên nổi tiếng như Suboi, LK, Tiến Đạt, Lil Shady…

img

Đen Vâu cũng có lúc gây tranh cãi chỉ vì từ đếch trong "Anh đếch cần gì nhiều ngoài em"

Nhiều bản rap là hit như “Mượn rượu tỏ tình” (BigDaddy - Emily), “Hai triệu năm” (Đen Vâu)... thu hút hàng chục triệu đến trăm triệu lượt xem trên YouTube. Để rồi, 2020 được coi là “năm của rap” khi thể loại âm nhạc này đường hoàng lên sóng truyền hình với hai gameshow “Rap Việt” và “King Of Rap”.

Công chúng đòi hỏi rap phải theo hướng như mình mong muốn, nhưng lại chưa công nhận bản sắc thực sự của rap. Nhiều bản rap được chơi chữ khéo léo, mang tính văn học, thơ. Do đó, chỉ vì một vài cá nhân, không thể đánh giá cả một cộng đồng rap là tục tĩu, thiếu văn hóa.
Rapper Tobby Quốc Trung


Người ta đắm chìm trong rap, với những bản rap về tình yêu, tình bạn, tình cha con...

Các bài hát, quảng cáo cũng sử dụng rap để theo xu hướng. Thế nhưng, “ánh sáng” đó của rap dường như khiến nhiều người quên rằng, rap vẫn tồn tại “mặt tối” riêng.

Hôm 5/10, hastag #muachoconchieccongtay” (Mua cho con chiếc còng tay) nằm trong phần gợi ý xu hướng nội dung nổi bật của Tiktok thu hút hơn 700.000 lượt xem.

Hastag này gắn liền với bản nhạc trong bài “Censored” của rapper Chị Cả. Bài rap này được viết từ năm 2018 nhưng đến giờ mới trở nên phổ biến.

Bản rap bị chỉ trích khi nói về quan hệ loạn luân bố chồng, con dâu. Nhóm “Rap nhà làm” cũng có bản rap “Thích Ca Mâu Chí” với từ ngữ xúc phạm Phật giáo bị lên án dữ dội. MV “Cypher nhà làm” do Low G, Teddie J, Chí, ResQ phát hành gây bức xúc khi nói về việc tán tỉnh, quan hệ tình dục. “Mẩy thật mẩy” của BigDaddy viết về chủ đề phẫu thuật thẩm mỹ nhưng có những ca từ nhạy cảm, dung tục khi ám chỉ vòng 1 và vòng 3 của phụ nữ…

Hầu hết, các bản rap này sau đó đều bị gỡ hoặc ẩn trên YouTube. Thế nhưng, điều này gây ít nhiều băn khoăn. Như lời của nhạc sĩ Dương Khắc Linh, nghệ thuật là cách thể hiện nội tâm của nghệ sĩ. Nghệ sĩ có thể phô diễn sự sáng tạo với bất kỳ hình thức, ngôn ngữ nào. Ở phương Tây, rap thậm chí còn dung tục hơn.

Bởi, “xuất thân” của rap là từ đường phố, những khu ổ chuột của người da đen. Rap như tiếng nói phản kháng lại sự bất công của xã hội. Nó trần trụi, chân thực, cá tính.

Rap dám chạm tới những chủ đề gai góc như tiền bạc, ma túy, bạo lực, tình dục… Tại Việt Nam, khán giả đại chúng quen bề nổi của rap là những bản rap “mĩ miều” trên truyền hình đã được kiểm duyệt kỹ càng. Nhưng thực tế, các bản rap như “Censored” không khó để tìm thấy trong giới underground.

Ngay những rapper đã bước lên hàng chính thống vẫn có lúc nằm ở lằn ranh hai mảng sáng - tối của rap. “Huyền thoại rap Việt” LK từng bị dư luận tấn công vì bản rap “Thu dẩm” bị coi là tục tĩu. Đen Vâu - chàng rapper đình đám cũng có lúc bị đưa ra mổ xẻ chỉ vì chữ “đếch”. Hay “Nhà thơ Xuân Diệu” BinZ cũng không tránh khỏi gạch đá khi bản hit “Bigcityboi” có những câu từ nhạy cảm.

Tự do, cá tính nhưng phải có giới hạn

img

Rapper Chị Cả bị chỉ trích vì bài rap "Censored" với chủ đề mối quan hệ loạn luân

Quả thực, rap Việt đang có những bước chuyển mình mới nhưng nhìn chung, rap vẫn bị coi là chưa có lối đi riêng. Các rapper vẫn giằng co giữa bản năng bên trong và hình ảnh bên ngoài.

Xuất thân từ giới underground và đang hoạt động chính thống, nhạc sĩ Nguyễn Đình Vũ hiểu sự phóng khoáng của giới underground. Anh nhận định, những bài rap có câu từ có phần nhạy cảm không sai nhưng sai thời điểm.

Bởi hiện nay, với tốc độ phát triển của internet, một bài bất kỳ đăng lên mạng đã không còn là lưu hành nội bộ mà đã là đưa ra cộng đồng. Lời lẽ dung tục có thể phù hợp với nước ngoài nhưng không phù hợp với văn hóa Việt.

Chưa kể trên mạng, độ tuổi khán giả trải rộng từ trẻ em tới người lớn tuổi. Đặc biệt, rap được thế hệ genZ ưa chuộng và trẻ em tiếp cận ngày càng nhiều nên rapper cần hạn chế viết câu từ nhạy cảm, gây hiểu lầm.

Tác giả của “Khát vọng thượng lưu” khẳng định, không thể đổ lỗi rằng cứ underground là có những câu từ như vậy bởi điều này thuộc về ý thức của rapper.

Những năm 2008, rap chỉ lưu hành nội bộ trong giới, để mọi người học hỏi, giao lưu lành mạnh. “Hiện nay, khi rap có thể “hái” ra tiền, nhiều người bất chấp tìm cách “câu view”, tìm chất liệu thu hút lượt xem. Họ không hình dung, điều đó có thể ảnh hưởng tới suy nghĩ của trẻ em”, anh nhìn nhận.

Theo rapper Tobby Quốc Trung, rap xuất phát từ nơi xa lạ với phong tục, tập quán Việt Nam nên bản sắc có chút khác biệt. Anh cho rằng, so với nghệ sĩ ở những thể loại âm nhạc khác, rapper gần như chưa có sự công nhận hay đãi ngộ nào từ Nhà nước. Chưa có chế tài, quy định cụ thể cho rap và rapper.

Do đó, nhiều rapper vẫn nghĩ rap là tự do, thể hiện cá tính chứ không nghĩ mình đang làm nghệ thuật. Họ chưa hình dung được các sản phẩm của mình ảnh hưởng thế nào tới người nghe.

Nhận định này không phải vô lý khi trả lời phỏng vấn Báo Giao thông, NSND Nguyễn Quang Vinh, Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn thẳng thắn quan điểm: “Các sản phẩm lan truyền trên mạng không phải biểu diễn nghệ thuật, người thể hiện cũng không phải nghệ sĩ chuyên nghiệp”.

Tuy nhiên, với những bản rap gây tranh cãi vừa qua, Tobby Quốc Trung cho rằng đây như “cú nổ” để dư luận hiểu rằng, rap đang thực sự tồn tại ở Việt Nam như một loạt hình nghệ thuật. Khi rap đã phát triển đến mức như vậy, các rapper cũng cần thay đổi để hoàn thiện hơn.

Nhưng rapper này thừa nhận, giới rap luôn muốn giữ văn hóa, bản chất của rap. Dù vậy, anh cho rằng, các bài rap có chủ đề nhạy cảm chỉ nên ở trong “bóng tối” - nơi hoàn toàn thuộc về giới underground.

Còn khi rapper muốn đi xa, kiếm tiền từ rap, bắt buộc phải có sự thay đổi, chắt lọc trong ca từ, tinh tế trong chơi chữ. Câu chữ của rap có thể hơi bỗ bã nhưng nếu biết cách sử dụng, đưa vào hoàn cảnh thích hợp sẽ phát huy được sự hay ho.

Và, cái sai của các rapper là quên rằng mình đang sống ở Việt Nam và kiếm tiền của khán giả Việt. Bởi, không chỉ rap mà bất cứ văn hóa nào, khi đã du nhập và vay mượn, cần thay đổi để phù hợp với văn hóa, thuần phong mỹ tục và pháp luật ở nơi nó tồn tại.

Cục Nghệ thuật biểu diễn đã gửi văn bản đề nghị Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét, xử lý những rapper phát hành sản phẩm vi phạm đạo đức, văn hóa trên mạng xã hội thời gian qua. Cục đề nghị áp dụng Nghị định 38/2021 về xử phạt trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo với những rapper, người sáng tạo nội dung vi phạm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.