Bổ sung yêu cầu kỹ thuật đối với rơ-moóc, sơ-mi rơ-moóc nhà ở lưu động
Điểm đáng chú ý tại dự thảo Quy chuẩn là việc bổ sung quy định về yêu cầu kỹ thuật đối với rơ-moóc, sơ-mi rơ-moóc nhà ở lưu động. Theo đó, ngoài các yêu cầu chung trong quy chuẩn này, rơ-moóc, sơ-mi rơ-moóc nhà ở lưu động phải thỏa mãn các yêu cầu kỹ thuật riêng khác.
Cụ thể: Không được chở người khi di chuyển, khu vực sinh hoạt chỉ được sử dụng khi xe đang đỗ. Các đồ vật, phụ kiện, thiết bị nội thất trên xe không có các cạnh sắc nhọn, được định vị, lắp đặt chắc chắn, chịu được rung động, va chạm trong quá trình di chuyển.
Về yêu cầu trang bị tối thiểu trong khu vực sinh hoạt bao gồm: Không gian ngủ; Khu vực bếp nấu ăn; Khu vực vệ sinh; Bàn, ghế; Kho/tủ chứa đồ.
Trong đó, không gian ngủ phải được bố trí trong khu vực sinh hoạt. Chiều rộng tối thiểu cho một chỗ ngủ không nhỏ hơn 480mm. Chỗ ngủ có thể được chuyển đổi từ ghế ngồi nếu đảm bảo yêu cầu về kích thước tối thiểu sau khi chuyển đổi.
Đối với khu vực bếp nấu ăn, phải được bố trí lắp đặt bên trong hoặc bên ngoài xe tùy theo thiết kế của xe. Nếu bố trí trong xe thì phải ở nơi thoáng khí, tách biệt với không gian ngủ và có hệ thống thông gió ra bên ngoài. Thiết bị bếp phải lắp đặt chắc chắn chịu được rung động trong quá trình di chuyển.
Ở khu vực vệ sinh, các thiết bị vệ sinh được lắp đặt cố định trong khu vực vệ sinh. Chất thải, nước thải phải được thu hết vào các thùng chứa. Trên xe phải có ít nhất 3 loại thùng chứa, gồm: Thùng chứa chất thải cho bồn cầu và bồn tiểu; Thùng chứa các loại nước thải còn lại khác từ khu vực vệ sinh và khu vực bếp nấu ăn; Thùng chứa nước sạch được bố trí tách biệt với khu thùng chứa chất thải.
Các thùng chứa chất thải này phải được lắp đặt chắc chắn, có lỗ thông hơi, có hệ thống van đóng, mở và hệ thống ghép nối phù hợp với nơi cấp nước sạch, nơi xả thải.
Ngoài ra, dự thảo quy chuẩn cũng quy định vị trí lắp đặt bàn phải cố định. Bàn có thể tháo rời hoặc gấp lại được. Khi di chuyển bàn và ghế phải được định vị chắc chắn vào sàn xe và/hoặc thành bên.
Đối với cửa lên xuống, phải trang bị ít nhất một cửa lên xuống ở phía bên phải hoặc phía sau xe. Kích thước tối thiểu (rộng x cao) là 650 x 1.200mm. Chiều cao bậc lên xuống lớn nhất không vượt quá 400mm, chiều sâu bậc không nhỏ hơn 300mm.
Hệ thống điện phục vụ sinh hoạt phải được thiết kế độc lập với hệ thống điện chung của xe. Hệ thống này phải được trang bị các thiết bị bảo vệ an toàn điện như cầu chì, aptomat... trước khi kết nối với máy phát điện và/hoặc thiết bị lưu trữ điện độc lập.
Hệ thống điện phục vụ sinh hoạt phải được tính toán, thiết kế phù hợp với tiêu chuẩn chung của hệ thống điện lưới Quốc gia để có thể kết nối nếu cần thiết.
Ngoài ra, có thể lắp đặt các tấm pin điện mặt trời để cung cấp năng lượng cho khu vực sinh hoạt. Khi đó, hệ thống điện này phải tuân thủ theo các tiêu chuẩn hệ thống điện mặt trời.
Yêu cầu đối với thiết bị chữa cháy trên xe, dự thảo quy định phải trang bị ít nhất một bình chữa cháy và được lắp đặt chắc chắn trong không gian sinh hoạt ở vị trí dễ nhìn thấy, dễ tiếp cận.
Ngoài ra, dự thảo quy chuẩn còn quy định chi tiết về yêu cầu đối với hệ thống khí hóa lỏng (LPG) phục vụ sinh hoạt để đảm bảo an toàn cho phương tiện cũng như người sử dụng.
Sửa nhiều quy định về yêu cầu kỹ thuật phương tiện
Tại dự thảo Quy chuẩn còn bổ sung thuật ngữ của một số loại phương tiện mới nhưng chưa được định nghĩa trong các tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành, bao gồm: Rơ-moóc mô-đun; Rơ-moóc, sơ-mi rơ-moóc nhà ở lưu động; Rơ-moóc lều trại lưu động; Rơ-moóc kiểu dolly.
Ngoài ra, dự thảo còn quy định chi tiết chiều dài của từng loại phương tiện; Yêu cầu về kích thước của thùng hàng; Bổ sung quy định đối với rào chắn bảo vệ hai bên xe. Theo đó, khoảng cách từ mặt ngoài rào chắn đến mặt bên của xe (không chứa rào chắn) không lớn hơn 30mm.
Đối với loại phương tiện sơ-mi rơ-moóc tải (tự đổ), dự thảo Quy chuẩn nêu rõ thành thùng phía sau không được mở cánh hai bên nhằm đảm bảo an toàn khi vận hành.
Đối với các xe không thử phanh được trên thiết bị, dự thảo bổ sung chỉ tiêu thử hiệu quả phanh trên đường.
Theo các chuyên gia, việc bổ sung, sửa đổi Quy chuẩn này sẽ góp phần đảm bảo chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với rơ-moóc và sơ-mi rơ-moóc, nhất là đối với các phương tiện mới hiện chưa được quy định, từ đó, góp phần đảm bảo an toàn giao thông.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận