Đơn giản hóa thủ tục hành chính
Điểm đáng chú ý tại dự thảo Thông tư là sửa đổi quy định liên quan đến trình tự thủ tục và thời gian cấp Giấy chứng nhận đối với xe sản xuất lắp ráp. Theo đó, dự thảo làm rõ thời gian tiếp nhận hồ sơ trên hệ thống trực tuyến; Đồng thời, giảm thời gian kiểm tra nội dung hồ sơ từ 10 ngày xuống 7 ngày làm việc.
Cùng với đó, bổ sung quy định về việc thông báo kết quả sau khi thực hiện đánh giá việc đảm bảo chất lượng của sản phẩm tại cơ sở sản xuất (COP) và xử lý đối với trường hợp kết quả đánh giá COP không đạt yêu cầu.
Cụ thể, nếu nội dung hồ sơ không hợp lệ thì thông báo để cơ sở sản xuất bổ sung, hoàn thiện theo quy định. Trường hợp chưa có kết quả đánh giá COP thì cơ quan quản lý chất lượng thống nhất với cơ sở sản xuất về thời gian, địa điểm thực hiện; Nội dung và phương thức đánh giá thực hiện theo quy định; Kết quả sau khi kết thúc việc đánh giá COP sẽ được thông báo cho doanh nghiệp.
Trường hợp có nội dung chưa phù hợp cần bổ sung, sửa đổi và khắc phục, doanh nghiệp có trách nhiệm bổ sung, khắc phục và hoàn thiện trong thời hạn 0 tháng kể từ ngày thông báo. Khi doanh nghiệp bổ sung, hoàn thiện hoặc khắc phục, cơ quan quản lý chất lượng tiến hành kiểm tra, đánh giá lại theo quy định. Quá thời hạn nêu trên mà doanh nghiệp không thực hiện bổ sung, sửa đổi và khắc phục thì dừng thực hiện kiểm tra đánh giá hồ sơ hoặc đánh giá COP; Để tiếp tục thực hiện, doanh nghiệp phải thực hiện nộp lại hồ sơ từ đầu.
Thêm nhiều chế tài xử lý vi phạm của cơ sở sản xuất
Dự thảo Thông tư cũng bổ sung nhiều chế tài xử lý trong trường hợp các cơ sở sản xuất có các vi phạm, làm rõ quy định ngăn các cơ sở sản xuất tiếp tục kiểm tra xuất xưởng, cấp phiếu xuất xưởng của các loại sản phẩm đang vi phạm, đang có lỗi... để đưa ra thị trường.
Theo đó, Cục Đăng kiểm Việt Nam (ĐKVN) có thể tiến hành kiểm tra đột xuất, trường hợp kết quả kiểm tra cho thấy cơ sở sản xuất vi phạm quy định: Xe không còn thỏa mãn các quy định hiện hành hoặc xe có sự thay đổi không phù hợp với hồ sơ đăng ký chứng nhận, Giấy chứng nhận đã cấp mà cơ sở sản xuất không thực hiện việc chứng nhận bổ sung; Cơ sở sản xuất sử dụng Phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng cho xe chưa được cấp Giấy chứng nhận; vi phạm quy định liên quan đến sở hữu trí tuệ theo thông báo của cơ quan có thẩm quyền;
Cơ sở sản xuất không thực hiện việc triệu hồi đối với xe bị lỗi kỹ thuật; Cơ sở sản xuất giải thể, phá sản theo quy định của pháp luật hoặc cơ sở sản xuất giả mạo các tài liệu, khai báo không đúng các thông tin liên quan ảnh hưởng đến chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của sản phẩm trong hồ sơ đăng ký chứng nhận của kiểu loại sản phẩm; Kiểu loại sản phẩm bị tạm dừng xuất xưởng quá 6 tháng do vi phạm mà cơ sở sản xuất vẫn không khắc phục được lỗi vi phạm, sẽ bị thu hồi Giấy chứng nhận.
Trường hợp vi phạm chưa tới mức bị thu hồi Giấy chứng nhận thì thực hiện yêu cầu tạm dừng xuất xưởng xe.
Trong trường hợp, xe bị nghi vấn về tình trạng số khung hoặc số động cơ, dự thảo bổ sung quy định Cục ĐKVN sẽ trưng cầu giám định tại cơ quan giám định chuyên ngành để xử lý.
Cụ thể: Xe có số khung, số động cơ bị tẩy xóa, đục sửa, đóng lại thì Cục ĐKVN dừng các thủ tục kiểm tra, chứng nhận chất lượng ATKT & BVMT xe chở người bốn bánh có gắn động cơ nhập khẩu; Lập biên bản ghi nhận về tình trạng xe vi phạm quy định tại Nghị định 69/2018. Trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày có kết luận vi phạm, Cục ĐKVN ra thông báo vi phạm Nghị định 69/2018 để người nhập khẩu và cơ quan hải quan (nơi làm thủ tục nhập khẩu) giải quyết theo quy định.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận