Quản lý

Rõ trách nhiệm, chế tài tổng điều tra phương tiện thủy

18/10/2017, 08:22

Sẽ không có gì đáng nói nếu không có chuyện, sau 10 năm, số liệu mà các cơ quan quản lý nắm được...

2

Cuộc tổng điều tra sẽ cho thấy bức tranh thực tế của GTVT đường thủy hiện nay

Dự kiến việc tổng điều tra phương tiện, thuyền viên đường thủy sẽ được thực hiện trong một tháng trên phạm vi toàn quốc. Ban chỉ đạo tổng điều tra có nhiều biện pháp thanh, kiểm tra và phúc tra để cụ thể hóa trách nhiệm của lực lượng trực tiếp tổng điều tra.

Bổ sung đơn vị kinh doanh vận tải thủy vào đối tượng điều tra

Theo Cục Đường thủy nội địa (ĐTNĐ) Việt Nam, năm 2007 lần đầu tiên ngành đường thủy thực hiện cuộc tổng điều tra toàn quốc về phương tiện và thuyền viên, người lái thủy. Kết quả cho thấy, có hơn 806.000 tàu, thuyền các loại. Sẽ không có gì đáng nói nếu không có chuyện, sau 10 năm, số liệu mà các cơ quan quản lý nắm được lại rất khác nhau, thậm chí vô lý. Cụ thể, số phương tiện đã được cấp đăng ký mới đạt hơn 53% con số trên. Số lượng phương tiện đã được cấp chứng nhận đăng kiểm thường xuyên cao hơn số liệu đã được cấp đăng ký hành chính.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến thực tế này, theo ông Hoàng Minh Thái, Trưởng phòng Quản lý phương tiện, thuyền viên (Cục ĐTNĐ Việt Nam) do nhiều Sở GTVT không nghiêm túc thực hiện việc thống kê, báo cáo Bộ GTVT số liệu phương tiện, thuyền viên vào ngày 25 hàng tháng theo quy định.

Để có được bức tranh thực tế về phương tiện, thuyền viên, Cục ĐTNĐ Việt Nam vừa trình Bộ GTVT phương án tổng điều tra toàn quốc về phương tiện thủy, thuyền viên, người lái phương tiện thủy và đơn vị kinh doanh vận tải đường thủy trên toàn quốc. So với năm 2007, cuộc tổng điều tra lần này bổ sung đối tượng là các đơn vị kinh doanh vận tải thủy để có được số liệu thật, phục vụ công tác quản lý.

Theo phương án được đề xuất, sẽ có Ban chỉ đạo Tổng điều tra Trung ương (do một Thứ trưởng Bộ GTVT làm Trưởng ban) và Ban chỉ đạo cấp tỉnh, huyện. Thời gian tổng điều tra thực tế sẽ diễn ra trong 1 tháng (khoảng tháng 4/2018) và do các Tổ điều tra phối hợp với người đứng đầu cấp thôn, tổ dân phố thực hiện tại từng địa bàn phường, xã hoặc liên xã. Các điều tra viên, tổ trưởng điều tra do Ban chỉ đạo cấp huyện trực tiếp tuyển chọn. “Nội dung của các phiếu điều tra tương đối phức tạp và chuyên sâu về lĩnh vực đường thủy nên cần điều tra viên, tổ trưởng điều tra là người có kinh nghiệm trong điều tra thống kê và am hiểu thực tế địa bàn. Tổ trưởng ưu tiên là cán bộ cấp xã để thuận lợi cho công tác phối hợp, chỉ đạo, kiểm tra và đôn đốc triển khai”, nội dung phương án nêu.

Truy cứu trách nhiệm hình sự nếu vi phạm pháp luật thống kê

Kinh nghiệm từ cuộc điều tra cách đây 10 năm cho thấy, do đặc thù địa bàn sông nước và nội dung các phiếu điều tra tương đối phức tạp nên dễ xảy ra hiện tượng kê khai không đúng hoặc bỏ sót đối tượng điều tra. Vì vậy, cần có biện pháp để hạn chế thấp nhất việc thông tin sai từ chính lực lượng trực tiếp điều tra, thống kê.

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật, cuộc tổng điều tra này có ý nghĩa quan trọng đối với công tác quản lý ĐTNĐ, nhằm thiết lập cơ sở dữ liệu toàn quốc về phương tiện thủy, thuyền viên, người lái và đơn vị kinh doanh vận tải thủy, phục vụ quản lý theo quy định của Luật Giao thông ĐTNĐ, đồng thời phục vụ việc đổi mới mô hình đào tạo thuyền viên; hoàn thiện cơ chế, chính sách về giao thông đường thủy và bảo đảm TTATGT đường thủy. Từ đây, Thứ trưởng yêu cầu Cục ĐTNĐ Việt Nam khẩn trương hoàn thiện phương án tổng điều tra phù hợp với mục tiêu quản lý, sử dụng mức phí thấp nhất và đạt hiệu quả tối đa; phát huy tối đa vai trò hệ thống đơn vị quản lý đường thủy trực thuộc Cục ĐTNĐ Việt Nam và Sở GTVT các địa phương.

Ban chỉ đạo Trung ương và địa phương có trách nhiệm tập huấn và giám sát, kiểm tra, thanh tra việc lập bảng điều tra của các đơn vị điều tra, điều tra viên. Hình thức giám sát, kiểm tra gồm: Kiểm tra chéo, cấp trên giám sát, kiểm tra cấp dưới; kiểm tra độc lập và đột xuất, ngẫu nhiên; kiểm tra trọng điểm và tổng kiểm tra trước khi nghiệm thu.

Theo phương án tổng điều tra, Cục ĐTNĐ Việt Nam thực hiện phúc tra một số địa bàn, theo phương pháp phỏng vấn trực tiếp, cá nhân, kết hợp với quan sát thực tế để ghi nhận thực trạng công tác điều tra. Những tập thể, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật thống kê trong cuộc tổng điều tra sẽ bị kỷ luật theo quy định. Trường hợp vi phạm nghiêm trọng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Sỹ Văn Khánh, nguyên Phó cục trưởng Cục ĐTNĐ Việt Nam cho biết, thực tế cuộc tổng điều tra cách đây 10 năm cũng xảy ra các trường hợp thống kê không hết, nhất là nơi vùng sâu, xa các phương tiện hoạt động vãng lai.

“Cần tập huấn, hướng dẫn tốt cho lực lượng trực tiếp thực hiện việc điều tra, thống kê. Việc có các biện pháp để gắn trách nhiệm cho các bộ phận, cá nhân trong cuộc tổng điều tra là cần thiết. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, có thể lấy số liệu thống kê qua hồ sơ đầu mối là doanh nghiệp, hợp tác xã hoặc đã được ghi nhận trên hệ thống của cơ quan quản lý địa phương. Không nhất thiết tất cả các trường hợp đều phải điền vào phiếu điều tra riêng”, ông Khánh nói.

Cũng theo ông Khánh, sau điều tra, cần quản lý được số liệu phương tiện của tổ chức, doanh nghiệp khi giải bản hoặc chuyển nhượng để kiểm soát được sự biến động của phương tiện.

Đồng quan điểm, ông Đỗ Trung Học, Trưởng phòng Tàu sông (Cục Đăng kiểm VN) cho rằng, trong quy chế điều tra cần nêu rõ vai trò trách nhiệm, chế tài đối với từng cấp, cá nhân trong thực hiện nhiệm vụ tổng điều tra. Đồng thời, có sự kiểm tra xác suất, ngẫu nhiên đối với một số cơ sở điều tra để đảm bảo số liệu điều tra phản ánh đúng thực tế.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.