Ghi nhận của PV Báo Giao thông, Dự án Tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên (Dự án nâng cấp QL19) đang trong giai đoạn "tăng tốc".
Tuy nhiên, công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) tại các tỉnh Bình Định và Gia Lai vẫn chưa hoàn thành khiến việc triển khai dự án của Chủ đầu tư (Ban QLDA 2, Bộ GTVT), nhà thầu gặp khó.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Gia Lai tính đến nay, công tác GPMB đã thu hồi và bàn giao cho đơn vị thi công 125,9/126,6km (đạt 99,4%), còn lại 0,7km tuyến tránh đang thực hiện GPMB (thành phố Pleiku 50m, Đak Pơ 0,3km, thị xã An Khê 0,35km).
UBND tỉnh Gia Lai đã chỉ đạo phải hoàn thành công tác GPMB toàn bộ dự án trước ngày 31/3/2023 như đã cam kết. Tuy nhiên, đến nay khâu GPMB vẫn chưa... xong.
Hộ dân Mai Thanh Nhựt trả lời PV liên quan đến việc GPMB dự án nâng cấp tuyến QL19
Điển hình tại tuyến tránh thị xã An Khê (đoạn qua huyện Đak Pơ) mới bàn giao mặt bằng 1,9/2,1km (đạt 90,5%).
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Huỳnh Văn Hơn - Phó chủ tịch UBND huyện Đak Pơ, Chủ tịch Hội đồng bồi thường huyện cho biết: Đoạn tuyến tránh này có 93 hộ gia đình, cá nhân thuộc diện đền bù, GPMB. Đến nay, UBND huyện đã phê duyệt 10 phương án bồi thường cho 93/93 hộ dân, hiện đã chi trả 90/93 trường hợp, còn lại 3 hộ chưa nhận tiền. Trong đó, hộ ông Đặng Văn Thái - bà Lê Thị Thanh Thúy cơ bản thống nhất phương án bồi thường, Hội đồng bồi thường huyện sẽ mời hộ này lên chi trả tiền.
“Riêng trường hợp của hộ ông Nhựt và ông Thuyết có ý kiến về giá bồi thường đất trồng cây lâu năm thấp, Hội đồng bồi thường của huyện đã giải thích, tuyên truyền, vận động, gửi văn bản trả lời tất cả những đề nghị, thắc mắc của hộ gia đình; đồng thời thông báo kết quả áp giá trị bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất nhưng đến nay gia đình này vẫn chưa thống nhất.
GPMB để thi công tuyến QL19 tránh TX An Khê tại thôn An Sơn, xã Cư An
Ghi nhận thực tế, 2 hộ dân vướng GPMB này có vị trí ở điểm đầu tuyến QL19 đoạn tránh TX An Kê đoạn qua thôn An Sơn, xã Cư An (Đak Pơ). Các hộ dân cho rằng, việc chưa đồng thuận phương án đền bù của huyện Đak Pơ vì cán bộ "tính sai và không đảm bảo đúng quyền lợi".
Trao đổi với PV, lãnh đạo UBND huyện Đăk Pơ cho biết, huyện thực hiện đúng các chế độ chính sách về GPMB dự án, đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho các hộ dân bị ảnh hưởng. Các trường hợp đòi hỏi quá đáng, yêu sách còn lại, nếu không đồng ý nhận đền bù, huyện tiến hành cưỡng chế GPMB theo quy định, để đảm bảo tiến độ GPMB và thi công dự án.
Theo ông Nguyễn Ngọc Tân - Giám đốc Dự án nâng cấp QL19 cho biết, trong quá trình triển khai dự án đã chuẩn bị 350 tỷ đồng để chuẩn bị cho công tác GPMB. Hiện nay, đã sử dụng 200 tỷ đồng để thực hiện GPMB trên suốt chiều dài tuyến QL19.
Tuy nhiên, tại tỉnh Bình Định hiện nay vẫn vướng mặt bằng tại cầu Ba La (Tây Sơn, Bình Định). Về phương án hỗ trợ đền bù, Ban QLDA 2 đã thống nhất phương án đền bù với chính quyền địa phương, tuy nhiên vẫn chưa có kết quả cuối cùng khi đàm phán với người dân.
Còn tại Gia Lai, hiện nay, toàn tỉnh Gia Lai còn vướng ở nhiều địa phương, cụ thể: Thị xã An Khê 2 hộ dân đã duyệt phương án nhưng dân chưa nhận tiền; Đăk Pơ có 2 hộ chưa bàn giao; Chư Prông hiện còn 7 hộ dân vướng rãnh đất (trước đây việc đo đạc địa chính đo cấp sổ chứng nhận quyền sử dụng đất vào phần đất hành lang ATGT); còn tại thành phố Pleiku hiện nay vướng 2 hộ dân và 1 tổ chức.
Đáng chú ý, đối với 2 hộ dân và Công ty SND tại TP Pleiku mặc dù là đất nông nghiệp, tuy nhiên, các hộ cá nhân và công ty này lại đòi hỏi phải có tái định cư. "Việc tái định cư khi thu hồi đất nông nghiệp là trái quy định. Hơn nữa, chính quyền địa phương khi liên hệ với Công ty SND này không hợp tác, dẫn tới kéo dài việc GPMB.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận