Tài chính

Rủi ro mua trái phiếu Con Cưng?

04/07/2019, 06:37

Phương án huy động vốn của Con Cưng làm nhà đầu tư nghi ngại bởi doanh nghiệp này cũng không có tài sản bảo đảm trong khi thông tin rất tù mù.

img
Nhiều nhà đầu tư e dè với phương án phát hành cả trăm tỷ trái phiếu của Con Cưng do thông tin còn tù mù, doanh nghiệp lại không có tài sản bảo đảm

Con Cưng - doanh nghiệp từng xuất hiện ầm ĩ trên truyền thông hồi tháng 7- 8/2018 vừa chào bán cả trăm tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp.

Thông tin tù mù, không tài sản đảm bảo

Trung tuần tháng 6, Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) - đơn vị đã đầu tư vào Công ty CP Đầu tư Con Cưng - gửi thư chào bán trái phiếu của doanh nghiệp này tới một số nhà đầu tư.

Theo đó, Con Cưng chào bán trái phiếu riêng lẻ kỳ hạn 12 tháng, tổng giá trị phát hành 100 tỷ đồng, lãi suất cố định 11%/năm, kỳ trả lãi 6 tháng 1 lần. Sau đó ít ngày, một số thông tin lại cho biết tổng lượng phát giảm xuống chỉ còn 50 tỷ đồng.

Trong bản giới thiệu dài 16 trang của Con Cưng chủ yếu tập trung các thông tin vĩ mô, triển vọng ngành. Thông tin liên quan tới doanh nghiệp rất ít ỏi, chỉ gồm kết quả kinh doanh, khả năng sinh lời, hệ số nợ. Theo đó, giai đoạn 2016-2018 doanh thu thuần của Con Cưng tăng trưởng bình quân 72%/ năm: Năm 2016 hơn 500 tỷ đồng, 2017 hơn 800 tỷ đồng và 2018 hơn 1.500 tỷ đồng. Chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu doanh thu (58%) là hàng tiêu dùng nhanh (tã, sữa, sản phẩm chăm sóc cá nhân). Phần còn lại đến từ ngành hàng thời trang, đồ chơi, dụng cụ trẻ em. Bên cạnh đó là thông tin ngắn gọn về tài sản, vốn chủ sở hữu và thu nhập (trước lãi, trước thuế và trước khấu hao).

Một môi giới chào mời, khuyên nhà đầu tư nên đăng ký mua sớm kẻo… hết hàng. Tuy nhiên, các chỉ tiêu tài chính quan trọng của Con Cưng như vốn điều lệ, tỷ lệ vốn vay, chi phí kinh doanh, lợi nhuận trước thuế… khi nhà đầu tư muốn tìm hiểu đều không có. Quan trọng hơn, những thông tin trên đều được cung cấp từ một phía khiến nhà đầu tư không có cơ sở tin tưởng, bởi Con Cưng chưa phải doanh nghiệp đại chúng, chưa niêm yết, không công khai báo cáo tài chính (được báo cáo kiểm toán)… Trên website của công ty, nhà đầu tư chỉ tìm thấy vài dòng giới thiệu sơ sài như đến hết 2018 có 400 siêu thị và mục tiêu tới cuối 2012 nâng lên 1.000 siêu thị. Cũng vì mục tiêu này mà hiện Con Cưng đang rất cần tiền để bổ sung vốn lưu động.

Một điểm đáng lưu ý khác, ngoài không có ngân hàng bảo lãnh, trái phiếu của Con Cưng cũng không có tài sản đảm bảo. Nếu mua trái phiếu của Con Cưng, ngoài lãi suất 11% nhà đầu tư sẽ được gì? Trong trường hợp nhà đầu tư cần tiền gấp có thể bán lại trái phiếu này cho ai hay phải đợi tới kỳ đáo hạn mới rút được vốn? Nếu doanh nghiệp làm ăn kém hiệu quả, tình hình tài chính đi xuống, nhà đầu tư có nhận đủ tiền lãi hay không? Giả sử nếu doanh nghiệp phá sản, nhà đầu tư có đòi được tiền?

Rất nhiều băn khoăn như trên của nhà đầu tư chưa được làm rõ. Nhà đầu tư bỏ tiền mua trái phiếu của doanh nghiệp tức là cho doanh nghiệp vay vốn có cam kết trong một khoảng thời gian. Và khi đã cho vay vốn, bên cho vay (dù không xét duyệt chặt chẽ như ngân hàng) cũng phải có đủ thông tin để thẩm định dự án, kiểm tra năng lực tài chính doanh nghiệp. Nếu không, ai dám bỏ tiền mua trái phiếu? Thậm chí có ý kiến cho rằng, với một khoản vốn huy động không quá nhiều, vậy tại sao cổ đông lớn như Quỹ đầu tư Tăng trưởng Việt Nam Daiwa - SSIAM II (do SSIAM đồng quản lý với Daiwa Corporate Investment đầu tư vào hệ thống của Con Cưng) không rót thêm vốn?

Trái phiếu doanh nghiệp: nở rộ nhưng ít kết trái

Không minh bạch, khó phát hành thành công
Theo ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI), một trong những nguyên nhân doanh nghiệp phát hành trái phiếu không thành công là không minh bạch thông tin. Do đó, cần tăng cường bắt buộc doanh nghiệp phải áp dụng các chuẩn mực tài chính quốc tế để nhà đầu tư có cơ sở tin cậy. Nên thúc đẩy hoạt động xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp và ngân hàng để nhà đầu tư trái phiếu định mức được rủi ro. Tuy nhiên, hiện nay thị trường công ty định mức tín nhiệm của Việt Nam gần như chưa có dấu hiệu hoạt động.


Anh Nguyễn Huy T. (trú tại Hà Nội) - một nhà đầu tư lâu năm vừa rút 2/3 số tiền đổ vào chứng khoán do thị trường vẫn trồi sụt. Khi đề cập tới việc rót vốn vào doanh nghiệp đang chào bán trái phiếu như Con Cưng, anh T từ chối với lý do rủi ro quá lớn.

“Nhà đầu tư cá nhân có vốn nhỏ như tôi không đủ tiền mua trái phiếu của những đơn vị phát hành lô lớn như ngân hàng hay các tập đoàn có tên tuổi. Còn những doanh nghiệp nhỏ thì không có uy tín, tài sản đảm bảo không chắc chắn. Đặc biệt là những doanh nghiệp chưa niêm yết, không công khai thông tin, không kiểm toán tình hình tài chính thế nào? Ham chút lãi suất mà bỏ tiền vào đó, đến lúc rút không được mất cả chì lẫn chài”, anh T. nói.

Lo ngại của anh T. cũng là lo ngại của nhiều nhà đầu tư về thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Cách đây chục năm, chỉ lác đác một số ngân hàng hay các tập đoàn lớn có uy tín phát hành trái phiếu thành công. Mấy năm gần đây, thị trường này đã sôi động. Một số doanh nghiệp niêm yết uy tín, tài chính lành mạnh, lợi nhuận tăng trưởng tốt đã đi đầu trong xu hướng chuyển vốn vay từ ngân hàng hay phát hành cổ phiếu sang kênh trái phiếu với chi phí đi vay thấp hơn.

Song ở một nhóm khác, nhiều doanh nghiệp, kể cả niêm yết và chưa niêm yết, khi phát hành trái phiếu thường rơi vào tình huống không còn hạn mức vay vốn ngân hàng; hoặc lãi suất ngân hàng vượt quá khả năng chịu đựng do bị đánh giá rủi ro; hoặc không có tài sản đảm bảo để đủ điều kiện được vay vốn ngân hàng… Những trường hợp này mang trái phiếu đi bán lại thông tin không đầy đủ như Con Cưng, nhà đầu tư như anh T. e dè là điều dễ hiểu.

Trước đây, không chỉ các đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) mà rất nhiều đợt phát hành trái phiếu của doanh nghiệp cũng được ngân hàng bảo lãnh (bao tiêu nếu cổ phiếu, trái phiếu phát hành bị ế, hay mua lại trái phiếu khi nhà đầu tư bán ra trước hạn). Nhưng điều này ảnh hưởng tới kế hoạch của ngân hàng bởi theo TS. Cấn Văn Lực, khi trái phiếu ế, ngân hàng bảo lãnh sẽ trở thành bên cho vay hoặc nhà đầu tư. Khi đó, mục tiêu tư vấn không còn đúng bản chất. Ngân hàng phải rót vốn vào khiến kế hoạch tín dụng bị xáo trộn, còn cơ quan quản lý cũng khó theo dõi, đánh giá hoạt động của ngân hàng.

Bên cạnh đó, theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng, việc đầu tư của các ngân hàng phải xin phép Ngân hàng Nhà nước (liên quan tới đầu tư ngoài ngành), mỗi danh mục đầu tư không vượt quá 11% vốn tự có, tổng vốn đầu tư phải dưới 30% vốn tự có…

Thậm chí, gần đây Cơ quan thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng khi mua trái phiếu doanh nghiệp phải giải trình. Do đó, ngân hàng thường chỉ đóng vai trò tư vấn. Thế nên, theo ông Lực, doanh nghiệp muốn phát hành thành công trái phiếu, nếu không phải ông lớn như Vietcombank hay Vinhomes… thì hãy minh bạch thông tin như Đất Xanh và nhiều doanh nghiệp đang niêm yết khác.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.