Điều tra

Rừng Cúc Phương bị "xẻ thịt": Chạm mặt lâm tặc

14/05/2015, 15:12

Không lác đác như ở thung Ngo và thung Đài Sen, tình trạng gỗ quý bị chặt hạ trong thung Sưa

121
Những hộp gỗ đã xẻ sẵn để ngổn ngang trong thung Eo Cây Nhai - Cúc Phương

Sau ba ngày đêm dẫn chúng tôi “tham quan” thung Ngo và thung Đài Sen, ông V. lập tức trở ra bìa rừng để về nhà vì có việc đột xuất. Tuy nhiên, khi biết chúng tôi muốn được đi vào khu vực thung Sưa và thung Eo Cây Nhai ở địa phận xã Thành Yên (huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa), ông hứa sẽ tìm “đối tác” khác đưa chúng tôi vào rừng. Đó là B.V.N, người làng Sánh, xã Thành Yên.

Vào “điểm nóng” phá rừng

Chúng tôi đến thẳng nhà N., ngủ qua một đêm trước khi đi vào rừng. Hơn 6h, chúng tôi dậy ăn sáng, chuẩn bị tư trang và bắt đầu hành trình. “Trên đường đi, ai hỏi các chú cứ bảo theo anh vào rừng bắt ốc đá, hái nấm là xong”, N. dặn.

Đường vào thung Sưa tuy không dài bằng thung Ngo, thung Đài Sen, nhưng phải leo dốc liên tục, chúng tôi phải gắng hết sức mới bám theo được N. để không bị mất dấu. Sau gần hai tiếng, cuối cùng chúng tôi cũng đến được thung Sưa. Tại đây, những dấu vết đầu tiên của lâm tặc dần xuất hiện. Ngay sát lối đi, một gốc cây trai cổ thụ bị đốn hạ từ khá lâu nằm ngổn ngang trên vách đá. Cạnh đó là những miếng gỗ, hộp gỗ được cắt xẻ vuông vức bị lâm tặc bỏ lại, đã chuyển sang màu đen thẫm do phơi mưa nắng lâu ngày. N. quay sang chúng tôi dặn dò: “Các chú chuẩn bị sẵn đồ nghề mà chụp nhé, từ đây sẽ có nhiều cây đấy. Chụp nhanh chóng còn đi chứ đủng đỉnh không đi hết được đâu”.

Đúng như lời nói của N., chỉ trong một đoạn đường rừng hơn trăm mét, chúng tôi đã thống kê được gần chục cây gỗ cổ thụ bị đốn hạ, chủ yếu là cây trai và vàng tâm. N. dẫn chúng tôi đến một vách núi có hai cây gỗ cổ thụ vừa bị đốn hạ cách đây không lâu. “Hai cây này vừa bị chặt khoảng nửa tháng trước thôi, lá cây vẫn còn xanh kia kìa”, N. tỏ ra am hiểu.

Tôi gắng sức bò lên tận nơi, cố lấy vòng tay ướm thử cây trai cổ thụ nhưng cũng chỉ hết một nửa thân cây. Cách đó vài mét, một cây vàng tâm cổ thụ bị cưa sát gốc nằm vắt ngang qua những mỏm đá tai mèo nhọn hoắt. Tại khu vực hai cây gỗ bị đốn hạ, chúng tôi còn tìm thấy hai vỏ can nhựa đựng xăng để vận hành cưa máy do lâm tặc bỏ lại.

“Công trường” xẻ gỗ giữa rừng sâu

Thấy chúng tôi lúi húi chụp ảnh, đo đường kính thân cây và đo đường vân gỗ của cây một cách thuần thục như những sinh viên lâm nghiệp thực thụ, N. tỏ ra tin tưởng rồi nói: “Để anh dẫn đến chỗ này, có nhiều cây bị chặt gần nhau lắm, các chú tha hồ mà so sánh”.

N. cho biết, thung Sưa là nơi tập trung rất nhiều cây gỗ quý, trong đó phần lớn là gỗ trai và vàng tâm. Đây đều là những loại gỗ có giá trị ngoài thị trường nên lâm tặc rất thích. Tất cả những cây gỗ lâm tặc lựa chọn để đốn hạ đều phải là những cây cổ thụ có tuổi đời hàng trăm năm và đường kính thân cây lớn đến hàng mét.

Địa điểm N. nhắc đến là thung Eo Cây Nhai, nằm ngay phía trong thung Sưa, cách chỗ chúng tôi đang đứng một vách núi cao. Vừa trèo qua vách núi này, chúng tôi đã nghe thấy tiếng người nói chuyện rì rầm phía trước. N. ra hiệu rồi dặn dò: “Dưới đó đang có người lấy gỗ, các chú cứ im lặng để anh nói chuyện nhé. Nếu có ai hỏi thì bảo em họ anh ở dưới thành phố về nghỉ lễ 30/4 muốn đi vào rừng chơi”.

Chúng tôi từ từ tiến lại nơi phát ra tiếng động. Hai người đàn ông đang loay hoay lựa gỗ giữa một đống những hộp gỗ trai đã xẻ sẵn để ngổn ngang trên những tảng đá lớn. Xung quanh đó có đến 4-5 cây trai cổ thụ đã bị cưa sát gốc. Từng mảng lớn mùn cưa vương vãi xung quanh, trông không khác gì một công trường gỗ giữa rừng. Một bếp ăn dã chiến được đặt ngay cạnh đám mùn gỗ đã tắt lửa, chỉ còn lại đống tro tàn.

Vừa thấy bóng chúng tôi, hai người đàn ông này lập tức ném về những vị khách không mời ánh mắt dò xét. N. bảo chúng tôi đứng cách đó một đoạn rồi bình thản tiến về phía trước. Họ nói chuyện gì đó với nhau bằng tiếng Mường. Chỉ khi N. cùng hai người đàn ông kia quay mặt về phía chúng tôi cười, chúng tôi mới thở phào yên tâm vì mọi chuyện đã ổn.

Trong số những cây gỗ bị đốn hạ tại đây, có một số cây đã chặt từ lâu nhưng vết xẻ trên thân cây lại rất mới. Điều này chứng tỏ, đám lâm tặc đã nhiều lần ra vào nơi này. Mỗi lần chúng xuất hiện, ngoài việc tìm cây mới để đốn hạ, chúng vẫn không quên “tận thu” số gỗ đã bị bỏ lại trước đó.

(Còn tiếp)

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.