Bởi nếu lạm dụng có thể gây ảnh hưởng tới sức khỏe cũng như tiêu tốn tiền của.
Lo “bạc tóc” khi nhận kết quả
Các chỉ số chất chỉ điểm ung thư qua xét nghiệm máu (tầm soát ung thư)
Trong đợt khám sức khỏe đầu năm, anh Nguyễn Thanh Chương (42 tuổi, trú tại Cầu Giấy, Hà Nội) được cơ quan tài trợ thêm gói xét nghiệm máu tầm soát ung thư sớm.
Mỗi xét nghiệm có một giá trị riêng và việc tầm soát bệnh ung thư không chỉ dùng xét nghiệm máu mà còn cần phải áp dụng thăm khám, chụp chiếu đánh giá.
PGS. TS. BS. Phạm Cẩm Phương, Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai
Anh Chương cho biết: “Tôi đến bạc tóc vì lo lắng khi nhận kết quả chỉ số CEA tăng cao với chẩn đoán theo dõi ung thư đại tràng. Với kết quả đó, tôi được tư vấn nội soi đại trực tràng, đánh giá xem có tổn thương ung thư không. Kết quả nội soi vẫn không thấy bất thường”.
Chưa yên tâm, anh Chương lại tiếp tục tìm đến bác sĩ chuyên khoa ung bướu thăm khám. Tại đây, anh được khẳng định “chỉ viêm loét dạ dày lành tính, không có dấu hiệu của ung thư”. “Nhận được kết quả cuối cùng đó, cả tôi và gia đình mới nhẹ người”, anh Chương cho hay.
Theo TS. BS. Phạm Nguyên Quý, Khoa Nội khoa ung thư, Bệnh viện Trung ương Kyoto Miniren, Đại học Kyoto, Nhật Bản, hiện nay không có xét nghiệm máu để tầm soát sớm ung thư nào được công nhận vì thiếu bằng chứng khoa học về lợi ích.
BS. Quý lý giải, trên thực tế nếu bệnh nhân thực sự ung thư đại trực tràng thì chỉ khi tế bào ung thư “ăn thủng” đại tràng, tiết ra một số chất liên quan như CEA, CA19-9 với nồng độ đủ cao mới phát hiện qua xét nghiệm máu.
Nếu dựa vào CEA tầm soát ung thư, nhiều người sẽ chủ quan vì nhiều kết quả âm tính giả, bởi đã có nhiều ca nhập viện vì tắc ruột trong khi chỉ số CEA hoàn toàn âm tính.
“Không ít người xét nghiệm máu ra CEA dương tính, bác sĩ thường chỉ định thêm hàng loạt xét nghiệm để đánh giá nguyên nhân tăng CEA nhưng kết quả cuối cùng không chỉ ra ung thư. Điều này gây tốn kém, thậm chí tăng nguy cơ gặp biến chứng y khoa do chẩn đoán và can thiệp quá mức không cần thiết”, BS. Quý thông tin.
Tầm soát sai chỉ gây lãng phí
Các bác sĩ khuyến cáo người dân không nên lạm dụng tầm soát sớm ung thư bằng xét nghiệm máu các chỉ số chất chỉ thị ung thư (Ảnh minh họa)
BS. Phương cho rằng, các xét nghiệm máu, cụ thể là các chất chỉ điểm khối u trong máu thường chỉ được đánh giá để theo dõi hiệu quả điều trị, đánh giá đáp ứng điều trị, theo dõi phát hiện tái phát, di căn ở bệnh nhân ung thư.
Về vấn đề này, nhiều nhà chuyên môn cũng cho rằng, việc truy tìm chỉ số ung thư thường được sử dụng trong các trường hợp theo dõi điều trị ung thư hoặc bổ sung thêm thông tin khi bệnh nhân có nguy cơ bị ung thư cao, không thực hiện trên người khỏe mạnh để tầm soát ung thư.
Hầu như không có một xét nghiệm máu đơn độc nào có giá trị trong tầm soát ung thư cho mọi đối tượng. Ung thư giai đoạn rất sớm với bướu còn nhỏ hầu hết không tạo ra đủ lượng trong máu để có thể phát hiện được khi làm xét nghiệm.
Trong cơ thể người đã có ung thư nhỏ mà hầu hết dấu hiệu sinh học bướu không tăng. Như vậy đã bỏ sót ung thư khi làm xét nghiệm máu, nghĩa là khả năng phát hiện bệnh thấp (trong y học gọi là độ nhạy thấp, âm tính giả cao).
Hoặc, các chất chỉ thị ung thư có thể tăng trong các bệnh lành tính, không phải ung thư, đồng nghĩa là độ đặc hiệu thấp, dương tính giả cao.
“Đơn cử chỉ số CA125 có thể tăng cao ở ung thư buồng trứng, tử cung, tụy, vú, đại trực tràng nhưng cũng có thể tăng lên khi bị xơ gan, suy thận, bệnh viêm ruột và thay đổi theo chu kỳ kinh nguyệt.
Hay với chỉ số CEA có thể tăng ở ung thư phổi, ung thư dạ dày, ung thư đại trực tràng, ung thư tụy, ung thư buồng trứng, ung thư tuyến giáp và một số loại khác.
Tuy nhiên, với người mắc các bệnh lành tính như viêm đường ruột, tiểu đường, xơ gan, loét dạ dày, thậm chí hút thuốc lá cũng có thể tăng chỉ số này”, BS. Quý cho hay.
Theo BS. Quý, từ nhiều năm trước, hiệp hội ung thư ở các nước đều đã ra khuyến cáo chất chỉ thị ung thư không thích hợp cho việc phát hiện sớm ung thư ở người không có triệu chứng.
Chỉ nên đo chỉ số này nếu kết quả thăm khám và khảo sát hình ảnh gợi ý nhiều về căn bệnh này.
“Quan tâm tới tầm soát ung thư là tốt, tuy nhiên, tầm soát sai phương pháp, sai đối tượng sẽ gây tác hại rất lớn và lãng phí”, BS. Quý khuyến cáo.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận