Hàng hóa được tập kết lên toa xe trong khu vực ga Giáp Bát để lập tàu HN3 chạy lúc 21h ngày 14/12 - Ảnh: Khánh Linh |
Gần hai tháng sau khi tung ra sản phẩm mới tàu hàng “tốc hành”, đường sắt đang dần lấy lại thị phần vận tải hàng hóa rơi vào tay đường thủy, đường bộ do nhiều năm chậm đổi mới, chất lượng dịch vụ kém…
Rút ngắn hành trình, giá không tăng
18h ngày 13/12, có mặt tại ga Giáp Bát, PV Báo Giao thông tận mắt chứng kiến công nhân đang hối hả chất hàng lên các toa tàu. Từ xa, anh Đinh Quang Hải Quân, đại diện doanh nghiệp Hà Nam (TP HCM) “hò hét” công nhân nhanh tay xếp hàng lên tàu. “Đủ các loại mặt hàng tiêu dùng, bánh kẹo, đồ dùng gia đình như tivi, điều hòa… nên phải xếp thủ công, phải đốc thúc anh em khẩn trương mới kịp, anh Quân nói và cho biết thêm: Như tàu H3 này, 22h45 tàu chạy, cả 18 toa toàn hàng như thế nên phải xếp dần từ sáng.
“Hôm nay là 13, tàu chạy đến Sóng Thần lúc 4h45 sáng 16/12 là chúng tôi kịp dỡ hàng, giao cho khách trong ngày, tiết kiệm được khá nhiều chi phí thuê kho bãi”, anh Quân cho biết thêm.
Chỉ tính riêng sản lượng tàu H7/H8 do Công ty Vận tải đường sắt Hà Nội quản lý sau một tháng đã chạy được 80 đoàn, vận chuyển gần 35 nghìn tấn hàng hóa, doanh thu 32 tỷ đồng. Phía Công ty Vận tải đường sắt Sài Gòn cũng cho biết, với giá cho thuê nguyên đoàn tàu H3/H4 hai chiều khoảng 400 triệu đồng, tần suất 5 đôi/tuần, sau một tháng, doanh thu của đôi tàu này lên đến gần 10 tỷ đồng. |
Ông Nguyễn Trung Đông, Tổng giám đốc Công ty CP Vận tải và thương mại Hỏa xa Hà Nội chia sẻ, làm dịch vụ vận chuyển hàng lẻ, chủ yếu là hàng bách hóa nên có rất nhiều chủ hàng. Mình là “thượng đế” của đường sắt, nhưng ngược lại, cũng phải phục vụ khách hàng, “thượng đế” của mình. Nên bây giờ, đường sắt đổi mới, tàu đi nhanh, giờ hợp lý, chúng tôi chẳng mong gì hơn.
“Làm vận tải, quan trọng là phải giao hàng, giải phóng được hàng nhanh để tạo được uy tín với chủ hàng, tránh được chi phí lưu toa (tiền thuê toa xe do đọng hàng, chưa dỡ để trả toa xe cho đường sắt). Từ ngày có tàu hàng tốc hành, sướng nhất là hành trình rút ngắn nhưng giá không đổi”, ông Đông nói.
Đầu tháng 10/2016, Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội bắt đầu khai trương đôi tàu hàng nhanh chất lượng cao 51 giờ mang mác hiệu H7/H8 giữa Giáp Bát - Sóng Thần với tần suất 3 đôi/tuần. Chưa đầy một tháng sau, đơn vị này đã nâng tần suất lên 5 đôi/tuần vì nhu cầu khách hàng tăng cao. Cùng đó, đầu tháng 11, Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội và Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn cùng phối hợp tổ chức chạy đôi tàu H3/H4, với hành trình rút ngắn khoảng 1 giờ nữa.
Nói thêm về những đôi tàu này, ông Nguyễn Phú Cường, Chủ tịch HĐQT Công ty Vận tải đường sắt Hà Nội cho biết, đây là những đoàn tàu chuyên tuyến (chạy suốt, cho khách hàng thuê nguyên đoàn tàu) có hành trình cố định, chạy suốt từ Giáp Bát đến Sóng Thần và ngược lại. Trên hành trình, tàu không dừng đỗ, xếp, dỡ hàng, không cắt nối toa xe dọc đường nên thời gian chạy tàu chỉ còn 49-52 giờ rút ngắn 10 giờ hành trình so với trước đây.
Đáng nói hơn, đường sắt vẫn giữ nguyên mức giá thuê như đối với các tàu hàng chuyên tuyến hành trình thường, dù để rút ngắn được hành trình sẽ phức tạp hơn về kĩ thuật và đội chi phí. “Nhưng để chiều lòng khách và thu hút thêm khách hàng, chi phí này ngành Đường sắt sẽ gánh”, ông Cường nói.
Tàu hàng mác HN3 qua đèo Hải Vân - Ảnh: Ngô Vinh |
Chiều khách hàng như thượng đế
Hành trình rút ngắn, giờ tàu hợp lý là yếu tố tiên quyết để khách hàng đến với đường sắt. Bên cạnh đó, cung cách phục vụ, chất lượng dịch vụ của đường sắt đã được cải thiện nhiều so với trước.
Ông Nguyễn Phú Cường chia sẻ: “Chúng tôi quán triệt phương châm “Khách hàng không phải đi đâu cả, chúng tôi mới là người phải di chuyển. Với những thủ tục như lập vận đơn, khai các biểu mẫu… chúng tôi đang hướng tới việc sẽ giao đến tận nơi để khách hàng ký, khách hàng chỉ việc theo dõi hành trình hàng đi theo tàu”.
Thực tế, theo ông Tô Thành Tú, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ và vận tải Minh Thành Phát, không chỉ với khách hàng thuê nguyên đoàn tàu chuyên tuyến mà ngay cả hàng lẻ tàu thường, chất lượng cũng đã được cải thiện hơn trước rất nhiều. “Trước kia, việc xin cấp toa hay liên hệ nhà ga dồn dịch toa xe vào vị trí để dỡ hàng rất khó khăn, nay dễ hơn nhiều. Chúng tôi chỉ cần thông báo với các đơn vị vận tải đường sắt, họ sẽ thực hiện”, ông Tú nói.
Vấn đề khách hàng còn băn khoăn nhất khi lựa chọn vận tải đường sắt là tổng chi phí vẫn còn cao. Ông Huỳnh Kim Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ vận tải Hoa Lâm - chuyên vận tải đa phương thức phân tích: “Mức giá cước tính trên 1 tấn hàng hóa của đường sắt khá thấp, nhưng khi tính cả chi phí hai đầu như xếp dỡ, vận tải đường ngắn…, tổng giá thành vận tải một tấn hàng hóa lại đội lên khá nhiều, cao hơn hẳn so với đường biển. “Đường sắt có thể nghiên cứu lại cơ chế giá cước, kết nối các phương thức vận tải, như vậy sẽ hút thêm được nhiều khách và cạnh tranh sòng phẳng với loại hình vận tải khác”, ông Dũng nói thêm.
Xem thêm video:
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận