Đại biểu tiếp tục "truy" Bộ trưởng về "sạn" SGK
Chiều nay (11/11), Quốc hội tiếp tục chương trình làm việc với phiên chất vấn và trả lời Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Kim Sơn.
Tiếp tục chủ đề sáng nay về sách giáo khoa (SGK), đại biểu Nguyễn Thị Xuân (đoàn Đắk Lắk) tranh luận, và cho biết, “nhiều cử tri bày tỏ quan tâm, lo lắng về 5 bộ SGK cấp 1".
Đại biểu Nguyễn Thị Xuân (đoàn Đắk Lắk)
Theo bà Xuân, cử tri chưa thấy thỏa mãn và được thuyết phục về các câu trả lời về SGK trong phiên chất vấn của Bộ trưởng Sơn sáng nay.
"Dù bộ sách này là sản phẩm của nhiệm kỳ trước, nhưng Bộ trưởng với tư cách là tư lệnh ngành hiện nay thì cần lắng nghe, tiếp nhận và xử lý vấn đề khi SGK còn sạn. Bởi chúng ta không có quyền để các cháu học sinh lớp 1 với tâm hồn, tư duy còn non nớt trở thành thực nghiệm của bộ SGK này", đại biểu Xuân bày tỏ.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Xuân, cử tri cũng không đồng thuận khi Bộ trưởng GD&ĐT cho rằng vấn đề đúng sai thế nào thuộc trách nhiệm của Hội đồng thẩm định. Bởi Hội đồng thẩm định chỉ là giúp việc còn trách nhiệm cuối cùng là của Bộ và đứng đầu là Bộ trưởng.
"Bộ trưởng không thể đứng ngoài cuộc", bà Xuân phát biểu.
Hơn nữa, bà Xuân cho rằng đây không chỉ là "hạt sạn, hạt sỏi" như Bộ trưởng giải trình mà theo nhiều cử tri, trong đó có cả giới chuyên môn, thì 5 bộ sách này về chất lượng, hình thức, nội dung còn nhiều bất cập.
"Quá trình quản lý SGK và tài liệu tham khảo chưa tốt. Việc sử dụng một lần SGK và tài liệu tham khảo gây lãng phí xã hội rất lớn, khó khăn cho dân nghèo có con đi học", bà Xuân nói và đề nghị Bộ trưởng nghiên cứu theo hướng khác mới hơn để khắc phục vấn đề này, có giải pháp căn cơ hơn để đổi mới toàn diện giáo dục.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Nguyễn Kim Sơn
"Sạn" sách giáo khoa làm "nóng" nghị trường Quốc hội
Tại phiên chất vấn của Quốc hội sáng 11/11, đại biểu Nguyễn Thị Huế (Bắc Kạn) đề nghị Bộ trưởng GD&ĐT đưa ra ý kiến, cũng như giải pháp khắc phục những nội dung thiếu tính khoa học, tính giáo dục trong SGK Tiếng Việt, Khoa học Tự nhiên viết theo chương trình giáo dục phổ thông mới của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.
Đại biểu Trần Công Phàn (Bình Dương) và Nguyễn Thị Hồng Hạnh (TP.HCM) băn khoăn và đề nghị Bộ trưởng nêu giải pháp nâng cao chất lượng đối với SGK
Trả lời các ý kiến trên, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, khi có các ý kiến về SGK, Hội đồng chuyên môn đã trao đổi với các đơn vị, kịp thời điều chỉnh, sửa chữa nội dung trước khi đến tay học sinh".
Về lâu dài Bộ đang điều chỉnh về quy trình, điều kiện để đảm bảo SGK có chất lượng ngày càng cao hơn", ông Sơn nhấn mạnh.
Tranh luận về câu trả lời trên của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) cho rằng, phần trả lời này chưa thuyết phục.
Theo bà, SGK sai, có "sạn" thì học sinh đã mua, đã học. Vì thế dư luận đang trông chờ sự giải quyết dứt điểm, kịp thời, minh bạch của Bộ. Theo bà, cần có sự trả lời trước công luận càng sớm càng tốt. Tập thể tác giả và Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phải có trách nhiệm lắng nghe, giải trình trước công luận và đưa ra hướng khắc phục.
Bộ GD&ĐT là cơ quan có thẩm quyền phê duyệt sách giáo khoa, trách nhiệm trước hết là của Hội đồng thẩm định do Bộ thành lập. Trách nhiệm thứ hai thuộc về cơ quan tham mưu của Bộ. Thứ ba, là trách nhiệm của lãnh đạo Bộ GD&ĐT khi SGK có "sạn".
"Dù việc phê duyệt SGK là của nhiệm kỳ trước nhưng trách nhiệm quản lý nhà nước là xuyên suốt. Lãnh đạo Bộ cần chỉ đạo Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam và tập thể tác giả SGK nói trên giải trình trước công luận. Nếu có sai sót thì lãnh đạo Bộ phải chỉ đạo sửa chữa, khắc phục, xử lý theo thẩm quyền", đại biểu Thúy nêu quan điểm.
Tiếp nhận ý kiến tranh luận của đại biểu Kim Thuý, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn hứa sẽ có những chỉ đạo cụ thể trong thời gian tới.
Hiện nay, Bộ GD&ĐT đang sửa đổi thông tư 33 về biên soạn, thẩm định xuất bản SGK. Trong đó, Bộ chủ trương không đợi tác giả, nhà xuất bản mang bản mẫu đến mới thẩm định mà Bộ sẽ giám sát, đồng hành cùng các nhóm tác giả ngay từ đầu.
"Mặc dù xã hội hóa nhưng cần giám sát toàn bộ quá trình và đồng hành của nhà quản lý chứ không phó thác cho các nhà xuất bản và các nhóm tác giả", Tư lệnh ngành giáo dục nhấn mạnh.
Cùng với đó, Bộ cũng nâng cao yêu cầu, tiêu chuẩn của các thầy cô, nhà khoa học tham gia biên soạn sách. Tổ chức, cá nhân cần đăng ký trước để biết trước kế hoạch và tiêu chuẩn các thành viên trong hội đồng biên soạn.
Những người biên soạn thì không tham gia hội đồng thẩm định. Để gia tăng trách nhiệm, những người tham gia hội đồng thẩm định sẽ được ghi tên vào sách giáo khoa và cùng chịu trách nhiệm.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà
Vừa thừa, vừa thiếu giáo viên
Cũng tại chiều nay, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Bà Phạm Thị Thanh Trà cho biết, theo thống kê, cả nước hiện thiếu hơn 94.000 nghìn giáo viên; giáo viên thừa là hơn 10.000; biên chế đã giao mà chưa tuyển dụng là hơn 7.000. Giáo viên vừa thiếu, vừa thừa, trong đó có chưa tuyển dụng.
Chúng ta đang tập trung quyết liệt tinh giảm biên chế, sáp nhập các cơ quan hành chính, trong đó có GD&ĐT, đặc biệt là đại học. Từ năm 2021-2025, chúng ta tiếp tục thực hiện mục tiêu này nên các địa phương cần rà soát mạng lưới trường lớp, giảm những trường cần giảm.
Bà Trà đề nghị Bộ Tài chính thay thế Nghị định 59 đã hết hiệu lực để các cơ sở giáo dục thực hiện xã hội hóa. Bà cũng đề nghị Bộ GD&ĐT rà soát định mức số học sinh, giáo viên trên một lớp, phù hợp từng vùng miền để cơ cấu lại đội ngũ giáo viên, tham mưu cho Chính phủ về tự chủ đại học.
Biện pháp giải quyết trước mắt theo tinh thần có học sinh thì phải có giáo viên, bổ sung giáo viên theo lộ trình nhưng gắn với xã hội hóa, tự chủ, đảm bảo cơ cấu hợp lý. Bà Trà đề nghị các địa phương thực hiện hợp đồng giáo viên thay cho người nghỉ thai sản hoặc các vấn đề khác theo số lượng được giao.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận