Tài chính

Sacombank và Techcombank đồng loạt “siết” tín dụng vào bất động sản

30/03/2022, 06:30

Trước mắt, hai ngân hàng Sacombank và Techcombank sẽ tạm dừng giải ngân vốn vào lĩnh vực bất động sản.

Sacombank: Dừng đến 30/6

Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank) vừa có thông báo tới Giám đốc khu vực, Giám đốc chi nhánh và Trưởng phòng giao dịch về việc kiểm soát tăng trưởng tín dụng năm 2022.

img

Sacombank dừng cho vay bất động sản đến 30/6. Ảnh minh hoạ

Cụ thể, văn bản do Tổng Giám đốc Sacombank Nguyễn Đức Thạch Diễm ký cho biết, thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về kiểm soát tăng trưởng tín dụng, Tổng Giám đốc Sacombank yêu cầu tập trung tín dụng vào một số lĩnh vực.

Đó là các lĩnh vực: Sản xuất, ưu tiên nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao và các ngành thương mại, dịch vụ có giá trị gia tăng gia tăng cao như xất khẩu, dịch vụ, logictics…

Văn bản của Sacombank nhấn mạnh: “Không cấp tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản ngoại trừ cho vay cán bộ nhân viên và người thân mua/ xây/ sửa bất động sản để ở”.

Được biết, nội dung văn bản này yêu cầu Giám đốc khu vực, Giám đốc chi nhánh và Trưởng phòng giao dịch của Sacombank điều hành tín dụng đến ngày 30/6 tới.

Lý giải về quyết định này, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm thông tin với báo chí, hiện tỷ lệ tăng trưởng cho vay bất động sản đối với khách hàng cá nhân tại Sacombank đã cao. Do đó, trong giai đoạn này, Sacombank không muốn cho vay bất động sản nữa mà tập trung cho vay đối với các lĩnh vực sản xuất kinh doanh.

“Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với chỉ đạo của NHNN. Tuy nhiên, đối với các hợp đồng tín dụng mà ngân hàng đã phê duyệt chúng tôi vẫn thực hiện giải ngân như bình thường”, bà Diễm thông tin.

Mặt khác, theo Tổng Giám đốc Sacombank, hạn mức tín dụng mà NHNN giao cho các ngân hàng không còn nhiều. Trong khi đó, chưa kết thúc quý 1/2022 nhưng “room” tín dụng của ngân hàng đã gần cạn nên việc kiểm soát chặt tín dụng là điều cần thiết.

Techcombank: Lùi giải ngân sang 1/4

img

Vay vốn đổ vào bất động sản sẽ khó trong ngắn hạn. Ảnh minh hoạ

Không chỉ Sacombank, Techcombank cũng mới thông báo từ Bộ phận Phát triển giải pháp cho vay thế chấp với các đơn vị kinh doanh của ngân hàng này về việc kiểm soát hạn mức giải ngân đối với các khoản vay mua bất động sản đã có giấy chứng nhận và thứ cấp mua bất động sản (chưa hoặc đã có giấy chứng nhận).

Trong thông báo của Techcombank cũng nêu rõ: “Tạm dừng giải ngân các khoản vay mua bất động sản đã có giấy chứng nhận và vay thứ cấp mua bất động sản (gồm chưa/đã có giấy chứng nhận) kể từ ngày 25/3/2022”.

Với các khoản vay tạm dừng giải ngân nêu trên, đơn vị kinh doanh trao đổi và đàm phán với khách hàng để rời lịch giải ngân các khoản vay này sang ngày 1/4/2022.

“Với các hồ sơ đơn vị kinh doanh đánh giá thực sự ảnh hưởng đến tiến độ thanh toán, cam kết của khách hàng, đơn vị kinh doanh gửi tổng hợp cho bộ phận Giải pháp phát triển vùng/ miền để tổng hợp. Căn cứ vào số liệu thực tế, Bộ phận Phát triển giải pháp Cho vay sẽ phản hồi cụ thể nếu còn hạn mức giải ngân”, thông tin từ Techcombank cho biết.

Vốn cho bất động sản sẽ nhỏ giọt

Tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng chỉ tăng tốc kể từ cuối năm 2021 và đầu năm 2022. Bởi trước đó, tăng trưởng tín dụng cả năm 2021 chỉ đạt 13,53%.

Riêng tín dụng bất động sản, tại cuộc họp về tổng kết năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 mới đây, đại diện NHNN đã đánh giá, trong 3 năm gần đây, hoạt động cho vay đối với lĩnh vực bất động sản giảm về tỷ trọng so với tín dụng của toàn hệ thống.

Theo đó, tín dụng đổ vào bất động sản giảm từ trên 26% năm 2018 xuống khoảng 12% năm 2020, thấp hơn tăng trưởng chung của nền kinh tế.

Đến cuối năm 2021, tăng trưởng tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản duy trì khoảng 12%.

Trong cơ cấu tín dụng bất động sản, cho vay mua bất động sản để sử dụng chiếm 68%, còn lại là kinh doanh bất động sản.

Năm 2022, NHNN dự kiến tăng trưởng tín dụng sẽ khoảng 14% và sẽ có điều chỉnh phù hợp với thực tế. Dòng vốn cũng tiếp tục được định hướng ưu tiên cho sản xuất kinh doanh, lĩnh vực khó khăn do dịch như du lịch, vận tải, lưu trú.

Ngược lại, NHNN sẽ tiếp tục kiểm soát chặt cho vay vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp.

Tuy nhiên, đại diện NHNN cũng khẳng định, kiểm soát chặt không có nghĩa là dòng tiền không vào bất động sản nữa mà chỉ hạn chế vào những phân khúc đầu cơ, rủi ro của những dự án lớn. Còn bất động sản phục vụ cho nhu cầu để ở của người dân, cho nhà ở xã hội các ngân hàng vẫn cho vay.

Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI (SSI Research) trong báo cáo mới đây đã dự tính hạn mức tín dụng ban đầu cấp cho năm 2022 dao động khoảng 7-15% và cao hơn hạn mức năm 2021 ở hầu hết các ngân hàng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.