Khám phá

Sâm Bố Chính khoe sắc miền giếng cổ, hứa hẹn tạo nên tour du lịch độc đáo

30/05/2019, 14:21

Sâm Bố Chính cùng với hệ thống giếng cổ Gio An đang được kỳ vọng sẽ tạo nên một trong những tour du lịch độc đáo trên vùng “đất lửa” Quảng Trị.

img
Sâm Bố Chính đang độ cho ra củ, khoe sắc hồng đằm thắm trên miền giếng cổ Gio An

Gio An là vùng đất trù phú nằm ở phía Tây huyện Gio Linh (Quảng Trị), với đặc sản nổi tiếng là rau liệt siêu sạch trồng trên suối đá, chỉ sống bằng nước sạch từ hệ thống dẫn thủy chảy ra không ngừng nghỉ từ các giếng cổ từ ngàn năm nay.

Từ QL1 phía Bắc thị trấn Gio Linh theo Tỉnh lộ 575 lên hướng đường Hồ Chí Minh chưa đầy 10km, Gio An còn sở hữu những vườn cây hồ tiêu trĩu quả, được mạnh danh là đặc sản “vàng đen” nổi tiếng của tỉnh Quảng Trị. Giếng cổ Gio An đang trở thành một địa chỉ du lịch Quảng Trị hấp dẫn thu hút khách du lịch trong, ngoài nước đến khám phá.

Theo các nhà nghiên cứu, giếng cổ ở Gio An do người Chăm xưa sáng tạo nên và được người Việt tiếp thu và giữ gìn cho đến ngày nay. Hệ thống giếng cổ ở Gio An có 3 loại gồm: giếng Máng, giếng Ao và giếng Bi. Nét độc đáo của giếng cổ ở Gio An là người xưa đã tận dụng những mạch nước ngầm ở các độ dốc khác nhau và xếp đá ngăn dòng, lập bể hứng nước phục vụ sinh hoạt, tưới tiêu sản xuất.

img
Những thửa rau liệt siêu sạch chỉ sống bằng nguồn nước tự chảy ra từ giếng cổ ngàn năm nay ở Gio An

Có 14 giếng tiêu biểu ở Gio An đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia vào năm 2011 như: Giếng Dưới, Giếng Búng, Giếng Côi, Giếng Tép, Giếng Ông, Giếng Bà, Giếng Gai (thôn Hảo Sơn), Giếng Trạng, Giếng Đào (thôn An Nha), Giếng Gái 1, Giếng Gái 2, Giếng Nậy (thôn An Hướng), Giếng Máng (thôn Long Sơn) và Giếng Pheo (thôn Tân Văn).

Đặc biệt, về miền giếng cổ Gio An hiện nay, du khách còn không khỏi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp hoa sâm Bố Chính đang độ cho ra củ, đua nhau khoe sắc hồng dịu dàng đằm thắm. Sâm Bố Chính do một nhóm hộ ở xã Gio An liên kết với Chi cục trồng trọt và bảo thực vật - Sở NN&PTNT Quảng Trị và Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Tuệ Lâm trồng trên diện tích 30.000m2, với tổng số vốn thực hiện 1,3 tỷ đồng.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Nguyễn Đức Chính cũng vừa có chuyến kiểm tra, chỉ đạo chọn một số giếng cổ tiêu biểu ở Gio An để xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng bổ trợ và tăng cường công tác quảng bá, giới thiệu để thúc đẩy phát triển du lịch; lập hồ sơ để thực hiện các bước đề nghị UNESCO công nhận hệ thống giếng cổ là di sản văn hóa thế giới. Tiến hành đánh giá mô hình trồng sâm Bố Chính để nhân rộng, tạo ra các sản phẩm hàng hóa đa dạng từ loại sâm giàu tính dược liệu này, đồng thời liên kết mô hình trồng sâm với hệ thống giếng cổ Gio An để trở thành tour du lịch kết hợp tham quan cảnh quan, nghỉ dưỡng…

img
Giếng Đào...
img
Giếng Trạng ở thôn An Nha
img
Giếng máng khác ở thôn Long Sơn
img
Các giếng máng thường nằm ở vị trí lưng chừng dốc khá cao, gồm một bể lắng ở trên cùng, nước được dẫn ra bằng máng dài chảy xuống bể chứa phía dưới để người dân sinh hoạt hàng ngày
img
Phía ngoài giếng máng thường có một bể nhỏ cho gia súc và mương dẫn thủy phục vụ cho sản xuất nông nghiệp
img
Giếng bi với hình trụ tròn khum giống tang trống, được chế tác bằng đá bazan nguyên khối, đường kính chừng 0,5m
img
Mỗi giếng có khoảng từ 3- 4 bi, sâu hơn 1m. Khi nước trong giếng đầy sẽ chảy ra lỗ giếng vào hệ thống dẫn thủy
img
Giếng Ao được người Chăm xưa đào sâu ngang với mạch nước ngầm rồi đặt đá xung quanh theo hình vành khăn, không có bể lắng lẫn máng dẫn nước như giếng máng
img
Nước ngầm từ giếng ao chảy ra bể chứa, rồi theo hệ thống mương chảy vào các thửa ruộng
img
Một giếng ao khác ở Gio An. Giếng cổ đây có cấu trúc gồm nhiều thành phần, nguyên liệu để xây dựng chủ yếu là đá mồ côi được sắp xếp một cách công phu
img
Nước các giếng cổ trong vắt, có vị ngọt và cũng là nơi những đứa trẻ nơi đây đang thỏa sức tắm mát giải nhiệt ngày hè
img
Phía trên các giếng cổ thường có những cây cổ thụ tỏa rợp bóng mát
img
Giếng ao chỉ có một bể chứa nên người xưa đặt một tảng đá lớn sát họng nước ngầm để tạo dòng nước chảy hai bên, ngăn nước chảy ngược vào trong
img
Trước họng nước ngầm giếng ao cũng đặt dãy đá đặt làm ranh giới quy ước
img
Phía trong dãy đá trước họng nước ngầm này chỉ để lấy nước sử dụng cho ăn uống
img
Rau liệt là loài rau chỉ sống bằng thứ nước sạch từ giếng cổ và đây cũng là loại cây thoát nghèo, góp thêm sắc màu no ấm cho nhiều hộ dân Gio An
img
Sâm Bố Chính đang được kỳ vọng là... cây làm giàu cho người dân miền giếng cổ Gio An và tạo nên một trong những tour du lịch độc đáo

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.