Người dân thôn Hảo Sơn đang chăm sóc những thửa ruộng rau liệt sắp vào vụ thu hoạch |
Vùng đất bazan Gio An (huyện Gio Linh, Quảng Trị) sở hữu hệ thống hơn 30 giếng cổ vô cùng độc đáo cùng thứ rau đặc sản “siêu sạch” từ nguồn nước giếng quanh năm chảy mát.
Độc đáo giếng cổ được công nhận di tích Quốc gia
Từ QL1 phía Bắc thị trấn Gio Linh (huyện Gio Linh, Quảng Trị) rẽ lên tỉnh lộ 575 chưa đầy 10km, hệ thống giếng cổ hiện ra trước mắt ở các triền đồi vùng đất đỏ bazan xã Gio An như thôn: Hảo Sơn, Long Sơn, An Nha, Tân Văn, Thanh Khê và An Hướng. Nét độc đáo của giếng cổ ở Gio An là người xưa đã tận dụng những mạch nước ngầm ở các độ dốc khác nhau và xếp đá ngăn dòng, lập bể hứng nước phục vụ sinh hoạt, tưới tiêu sản xuất. Có 14 giếng tiêu biểu ở đây đã được Bộ VH, TT&DL công nhận là di tích quốc gia vào năm 2011.
Hệ thống giếng bi truyền thống thường thấy ở làng quê Việt với nguồn nước ngầm trong vắt chảy không ngừng nghỉ quanh làng Tân Văn có các giếng nổi bật như: Giếng Pheo, giếng Boọng, giếng Đàng. Các bi giếng hình trụ tròn, khum khum giống tang trống, được chế tác từ đá bazan nguyên khối, đường kính khoảng 0,5 m. Mỗi giếng có khoảng 3-4 bi, sâu hơn 1m và bi trên cùng của thành giếng được khoét đáy lỗ ngang với hệ thống mương dẫn dòng xếp đá. Bên cạnh đó, giếng máng và giếng ao trở thành đặc trưng thường thấy của miền giếng cổ Gio An này. Giếng máng có một bể lắng ở trên cùng. Nước từ bể lắng chảy ra các máng (bằng đá, hoặc bằng gỗ) xuống bể chứa rộng khoảng 20-40m2 để người dân sinh hoạt, phía ngoài có bể nhỏ cho trâu bò, súc vật, cuối cùng là mương dẫn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp. Giếng ao được đào sâu ngang mạch nước ngầm rồi kè đá xung quanh, mạch nước ngầm thấp hơn, thậm chí gần bằng với mặt đáy của bể chứa.
Điều dễ thấy, các giếng máng thường nằm ở vị trí lưng chừng dốc khá cao. Từ đường chính xuống các giếng máng thường được kè lát đá, ngay dưới các giếng máng này là những cánh đồng kiểu bậc thang đẹp mắt. Trong khi đó, nước từ giếng ao chảy theo hệ thống mương kè đá dẫn dòng cũng chảy ra những thửa ruộng rau từ cao đến thấp rồi thoát ra phía dưới thung lũng.
Ông Nguyễn Văn Song, Bí thư Đảng ủy xã Gio An cho biết, nước ở giếng cổ đông ấm, hè mát, không chỉ phục vụ cho 15 ha cây đặc sản rau liệt (xà lách xoong), mà nguồn nước ngầm tự chảy quý giá này còn theo hệ thống mương dẫn nuôi sống 75,22ha ruộng lúa bậc thang. “Trước đây, dân ít dùng nước này nhưng sau sự cố môi trường biển vừa rồi, rất nhiều người ngược lên giếng cổ Gio An sử dụng nước nơi đây. Nhiều dân phượt cũng lên Gio An khám phá giếng cổ”, ông Song nói.
Thưởng thức đặc sản rau sạch tại ruộng
Giếng ao ở thôn Hảo Sơn (Gio An) |
Bên hệ thống giếng cổ, nhiều thửa ruộng rau liệt trồng sớm xanh mướt đang sắp vào vụ thu hoạch. Rau liệt là loài rau chỉ sống bằng thứ nước sạch từ mạch giếng cổ và đây cũng là loại cây thoát nghèo, góp thêm sắc màu no ấm cho nhiều hộ dân Gio An. Ông Hồ Văn Bé (60 tuổi, thôn An Nha) cho biết, mùa vụ chính trồng cây rau liệt là từ tháng 9, 10 âm lịch đến tháng giêng, tháng 2. Sau đó, những thửa có nguồn nước tốt chỉ có thể thu hoạch lai rai và để lại làm giống. “Cây rau này cũng chỉ phát triển tốt vào những tháng trời lạnh, thường có mưa phùn và sương vào buổi sớm, đến mùa hè là tàn. Muốn canh tác được giống rau này, các khu ruộng phải không có bùn và khu ruộng nào càng nhiều đá, nước chảy đều đặn thì rau lại càng tươi tốt”, ông Bé chia sẻ.
Chị Nguyễn Thị Liên (40 tuổi, xã Gio An) cho biết, rau liệt chỉ sống tốt bằng thứ nước sạch từ mạch giếng cổ đổ ra mà không chịu được sự tác động của các thuốc bảo vệ hay phân bón, hóa chất. Có lẽ vì thế mà mỗi khi nhắc đến Gio An, người ta thường hay gắn kèm hai “đặc sản” là giếng cổ và rau liệt; đồng thời, rau liệt ở Gio An được mệnh danh là cây rau siêu sạch, thậm chí có thể ăn sống ngay tại ruộng mà không cần rửa qua nước như những loại rau khác.
Theo ông Nguyễn Văn Song, chẳng ai nhớ chính xác loài rau này có từ lúc nào nhưng theo người dân kể lại, khi Pháp đô hộ, họ ăn rau này, cắt vứt gốc ở khu vực giếng cổ rồi rau cứ thế bén rễ, sinh trưởng tốt. Thấy họ ăn, dân mình ăn theo rồi trồng cây. Dần dần, loại rau này trở thành đặc sản có một không hai ở tỉnh Quảng Trị. Trung bình mỗi mét vuông trồng rau liệt có thể thu khoảng 50-70 bó/vụ, với giá bán từ 4.000-7.000 đồng/bó... Mỗi mùa, người dân sẽ thu hoạch khoảng 8 đợt, mỗi lần cách nhau 10- 15 ngày. Tính sơ sơ mỗi vụ, một sào rau sẽ mang lại nguồn thu từ mười mấy triệu đồng trở lên, lại không tốn nhiều công chăm sóc và tiền đầu tư.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận