Hàng không

Sân bay Điện Biên sẽ được phân kỳ đầu tư thế nào?

02/03/2021, 10:08

ACV đang chuẩn bị các thủ tục để sớm đầu tư nâng cấp, mở rộng Cảng hàng không Điện Biên, có tính toán việc phân kỳ đầu tư với sân bay này.

img

Việc đầu tư khu bay mới sẽ giúp Cảng hàng không Điện Biên khai thác được thêm nhiều đường bay trực tiếp với các đầu tàu kinh tế lớn (Trong ảnh: Hành khách xuống sân bay Điện Biên)

Không khả thi về tài chính

Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Quốc Phương vừa có văn bản đề nghị TCT Cảng hàng không VN (ACV) hoàn thiện bổ sung dự án mở rộng, nâng cấp cảng hàng không (CHK) Điện Biên. Trong đó, vấn đề quan trọng nhất cần làm rõ là hiệu quả tài chính của dự án.

Cụ thể, theo ông Phương, báo cáo nghiên cứu khả thi, hiệu quả tài chính của dự án chỉ đạt 3,12%. Thời gian thu hồi vốn đầu tư lớn, đến 50 năm. Dự án không có hiệu quả về mặt tài chính, không phù hợp với yêu cầu quy định; Sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp về việc đầu tư bảo đảm bảo toàn và phát triển vốn…

Tìm hiểu của PV Báo Giao thông, đây cũng là vấn đề Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại DN từng đề cập khi xem xét việc đầu tư của ACV vào sân bay này. Trao đổi với PV, Chủ tịch ACV Lại Xuân Thanh cho hay: “Dự án không đạt hiệu quả đầu tư về tài chính nếu tính riêng CHK Điện Biên. Tuy nhiên, thực tế trong 21 CHK do ACV đang quản lý, khai thác, chỉ có 7 CHK hoạt động có lãi”.

Cũng theo ông Thanh, việc đưa CHK Điện Biên vào đánh giá riêng hiệu quả tài chính, hiệu quả đầu tư là không phù hợp vì đặc thù ngành hàng không là điểm nối điểm theo vùng và văn hóa nên hiệu quả kinh doanh phụ thuộc vào các điểm đến, đi và mang lợi ích kinh tế cho nhau.

“Hơn nữa, mỗi CHK có vai trò khác nhau trong việc phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, vì vậy Nhà nước đã giao cho ACV quản lý, khai thác, đầu tư phát triển hệ thống 21 CHK để ACV cân đối lợi nhuận và có trách nhiệm cân đối đầu tư phát triển các CHK”, ông Thanh chia sẻ.

Liên quan đến dự án này, Bộ GTVT cũng cho rằng, dù chưa đem lại hiệu quả tài chính cho ACV, nhưng việc đầu tư khu bay mới sẽ giúp CHK Điện Biên khai thác được thêm nhiều đường bay trực tiếp với các đầu tàu kinh tế lớn như: Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng bằng các tàu bay phản lực như A320/A321. Việc này sẽ góp phần thúc đẩy du lịch, phát triển kinh tế - xã hội và an ninh - quốc phòng của tỉnh Điện Biên nói riêng và vùng Tây Bắc nói chung.

Phân kỳ đầu tư thế nào?

Cũng liên quan đến việc đầu tư sân bay Điện Biên, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại DN Nguyễn Hoàng Anh cũng bày tỏ lo ngại khi theo Quyết định số 236 của Thủ tướng Chính phủ quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, CHK Điện Biên được quy hoạch sân bay cấp 3C (theo ICAO) dùng chung cho dân dụng và quân sự. Đến năm 2020, công suất thiết kế đạt 0,3 triệu hành khách/năm và đến năm 2030 đạt 2 triệu hành khách/năm.

Tuy nhiên, tại Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án (Pre-FS), các mô hình dự báo đều có kết quả đến năm 2025, sản lượng hành khách dưới 500 nghìn khách/năm; đến năm 2030, sản lượng hành khách dưới 1 triệu khách/năm.

Tìm hiểu của PV Báo Giao thông, mới đây ACV đề xuất đầu tư nâng cấp, mở rộng sân bay Điện Biên đạt quy mô sân bay cấp 3C, với một đường cất/hạ cánh dài 2.400m với tổng mức đầu tư hơn 1.603 tỷ đồng.


“Cần làm rõ lý do khác biệt về sản lượng hành khách đến năm 2030 nêu tại báo cáo Pre-FS và các quy hoạch CHK Điện Biên đã được phê duyệt; Đồng thời, yêu cầu ACV tính toán thận trọng để thực hiện phân kỳ đầu tư dự án đến năm 2030 đảm bảo hiệu quả”, ông Hoàng Anh nêu.

Trao đổi với Báo Giao thông, lãnh đạo ACV cho hay, con số 2 triệu khách đến năm 2030 theo quy hoạch CHK Điện Biên là phù hợp. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi mạnh về quy mô, cấu trúc, tốc độ tăng trưởng của thị trường vận tải hàng không Việt Nam. Điều này dẫn đến việc dự báo sản lượng hành khách đến năm 2030 theo báo cáo Pre-FS thay đổi.

“Việc dự báo lại sản lượng hành khách đến năm 2030 theo báo cáo Pre-FS là phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội hiện tại”, lãnh đạo ACV nói và khẳng định: Sản lượng hành khách khi thực hiện đầu tư xây dựng đều phải tính toán, dự báo lại để phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội hiện tại. Trong trường hợp sản lượng dự báo để phục vụ đầu tư lớn hơn quy hoạch được duyệt, cần phải điều chỉnh quy hoạch.

Lãnh đạo ACV cũng khẳng định đã tính toán việc phân kỳ đầu tư với sân bay này. Cụ thể, trước mắt ACV sẽ đầu tư ngay khu bay, xây dựng đường cất/hạ cánh mới kích thước 2.400m x 45m, sân quay 2 đầu, kết cấu bê tông xi măng, đảm bảo khai thác máy bay A320/A321 hoặc tương đương. Sân đỗ máy bay sẽ được xây dựng đảm bảo một vị trí đỗ ATR72 và hai vị trí đỗ A320/A321.

Tại khu hàng không dân dụng, để đảm bảo hiệu quả vốn chủ sở hữu, tiết kiệm chi phí đầu tư nhưng vẫn đáp ứng nhu cầu hoạt động khai thác, chất lượng dịch vụ, ACV đề xuất trước mắt chưa xây mới nhà ga theo quy hoạch mà chỉ cải tạo, mở rộng, tận dụng nhà ga hiện hữu đáp ứng công suất 500 nghìn khách/năm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.