2.500 tác phẩm gấu trúc
Trong buổi trưng bày đầu tiên tại Sân bay Quốc tế Hong Kong, đông đảo du khách đã thích thú ghé thăm, chiêm ngưỡng và chụp ảnh cùng những chú gấu trúc nhỏ nhắn, đáng yêu.
Không chỉ tại sân bay Hong Kong, đến cuối tuần này, 2.500 tác phẩm điêu khắc gấu trúc sẽ tiếp tục được chuyển đến Đại lộ Danh vọng Tiêm Sa Chủy (Tsim Sha Tsui), địa điểm nổi tiếng hàng đầu với khách du lịch ở Hong Kong, sau đó tiếp tục được trưng bày tại 3 địa điểm khác trong tháng 12/2024.
Tượng gấu trúc ngộ nghĩnh, đáng yêu chào đón du khách tại Sân bay Quốc tế Hong Kong (Trung Quốc) những ngày qua. (Ảnh: AP)
Những tác phẩm điêu khắc gấu trúc trên nằm trong chuỗi sự kiện PANDA GO! FEST HK, là triển lãm lớn nhất Hong Kong từng tổ chức với chủ đề gấu trúc.
Theo hãng tin AP, những tác phẩm này có thiết kế lấy cảm hứng từ 6 chú gấu trúc đang được chăm sóc tại Công viên Đại dương (Ocean Park) của Hong Kong, bao gồm cặp gấu trúc Ying Ying, Le Le đến Hong Kong vào năm 2007 và cặp gấu trúc con song sinh của Ying Ying và Le Le.
Ngoài ra còn có cặp gấu trúc An An và Ke Ke mới được chuyển đến Hong Kong từ tháng 9, mới ra mắt công chúng hôm 2/12 vừa qua và sẽ tiếp tục giao lưu với du khách, người dân vào cuối tuần này.
Dự kiến hầu hết tác phẩm điêu khắc đặc biệt này sẽ được đấu giá trực tuyến cho mục đích từ thiện sau triển lãm. Số tiền thu được sẽ được quyên góp cho Công viên Đại dương Hong Kong để hỗ trợ bảo tồn gấu trúc.
Công cụ thúc đẩy du lịch
Theo hãng tin AP, gấu trúc đang được Hong Kong (Trung Quốc) sử dụng như một công cụ thúc đẩy kinh tế, trong bối cảnh trung tâm tài chính của Trung Quốc đang nỗ lực lấy lại vị thế một trong những điểm đến du lịch hàng đầu châu Á.
Một số chuyên gia trong ngành du lịch Hong Kong bày tỏ thái độ lạc quan về tác động của 6 chú gấu trúc trong việc đẩy mạnh phát triển du lịch, thu hút du khách, cho dù công tác chăm sóc, nuôi dưỡng gấu trúc đặc biệt tốn kém.
Các quan chức Hong Kong cũng đã kêu gọi, khuyến khích doanh nghiệp tận dụng tiềm năng từ những chú gấu trúc để nắm bắt cơ hội, tham gia sâu rộng vào cái gọi là "nền kinh tế gấu trúc" của Hong Kong.
Thực tế, gấu trúc được coi là linh vật quốc gia không chính thức của Trung Quốc. Gấu trúc cũng được khai thác trong chiến lược ngoại giao văn hóa, nâng cao sức mạnh mềm của Bắc Kinh với nhiều chương trình trao đổi, gửi gấu trúc đến nhiều sở thú trên khắp thế giới.
Cặp gấu trúc đầu tiên đến Hong Kong là An An và Jia Jia vào năm 1999. Tuy nhiên, Jia Jia đã qua đời ở tuổi 38 vào năm 2016, là con gấu trúc già nhất thế giới từng sống trong điều kiện nuôi nhốt. Năm 2022, gấu trúc An An cũng qua đời ở tuổi 35, tương đương với 105 tuổi đời của con người (theo Reuters).
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận