Lấy sân bay Long Thành làm động lực
Đây là chủ đề trọng tâm của hội thảo "Cơ hội và thách thức đối với Đồng Nai sau khi sân bay Long Thành đi vào hoạt động" do tỉnh Đồng Nai tổ chức vào ngày 30/8.
Tại hội thảo, ông Nguyễn Hữu Nguyên, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đồng Nai cho biết, 8 tháng đầu năm, thu hút đầu tư trong nước trên địa bàn tỉnh đạt hơn 42.100 tỷ đồng, gấp gần 5 lần so với cùng kỳ 2023. Thu hút đầu tư nước ngoài đạt khoảng 1,089 tỷ USD, tăng 34%.
Tuy nhiên, chất lượng thu hút đầu tư vẫn chưa đạt được kỳ vọng, động lực chính vẫn từ các ngành công nghiệp thâm dụng lao động.
"Vì thế, tỉnh cần thay đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu. Trong đó, sân bay Long Thành được xác định là động lực tăng trưởng mới, bền vững để thúc đẩy kinh tế", ông Nguyên nói.
Trong khi đó, nhiều đại biểu cho rằng thực tế Đồng Nai đang phải đối mặt với nhiều thách thức, nhất là cơ sở hạ tầng. Hiện nay, các tuyến cao tốc và vành đai kết nối với sân bay vẫn chưa đạt được tiến độ như mong đợi. Dự án đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị cũng gặp nhiều khó khăn về vốn và công nghệ.
Thời gian tới, nếu không kịp thời nâng cấp và mở rộng hạ tầng giao thông kết nối đến sân bay Long Thành khi đi vào khai thác, sân bay có thể gây áp lực lớn lên hệ thống giao thông hiện tại.
Ngoài ra, vận hành sân bay Long Thành đòi hỏi một lực lượng lao động có tay nghề cao, đặc biệt trong các ngành hàng không. Dù vậy, hiện các cơ sở giáo dục của tỉnh này lại chưa đáp ứng được nhu cầu đào tạo. Vì vậy, nếu địa phương không có sự chuẩn bị kịp thời có thể đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động chất lượng cao để phục vụ sân bay.
Bên cạnh đó, việc thiếu cơ chế, chính sách đặc thù cho phát triển đô thị sân bay cũng là một vấn đề lớn. Ở nhiều quốc gia, các đô thị sân bay thường được hưởng những ưu đãi đặc biệt nhưng tại Việt Nam, quy định pháp luật về lĩnh vực này vẫn chưa rõ ràng, gây khó khăn cho công tác quản lý và thu hút đầu tư.
Đặc biệt, sự hấp dẫn từ sân bay Long Thành có thể khiến tốc độ đô thị hóa ở Đồng Nai diễn ra nhanh, dẫn đến nguy cơ mất kiểm soát, phát sinh những phức tạp về an ninh trật tự.
Tận dụng các cơ hội để phát triển kinh tế
PGS.TS Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng Đông Nam bộ đang có nhiều lợi thế, nhất là sân bay Long Thành. Do đó bám vào sân bay để bàn câu chuyện cơ hội thách thức ở giai đoạn này là hợp lý.
Thực tế vùng Đông Nam Bộ vẫn thu hút đầu tư mạnh nhất cả nước, có thực lực tuy nhiên những năm gần đây đang có nhiều nút thắt cần được tháo gỡ.
Đối với hàng không, thời gian qua sân bay Tân Sơn Nhất đã quá tải, làm ách tắc ở nhiều lĩnh vực. Vì vậy có sân bay Long Thành, nâng cấp cao tốc, đường vành đai sẽ dần tháo gỡ được các vướng mắc. Dự kiến 5 năm tới, khi các vấn đề về giao thông được giải quyết, vùng Đông Nam Bộ nói chung và Đồng Nai nói riêng sẽ có vị thế, đẳng cấp khác.
"Chỉ chờ hạ tầng thông suốt, kinh tế sẽ ổn. Bên cạnh hạ tầng thì còn phải phát triển thêm đô thị sân bay thông minh, sáng tạo, vượt tầm với việc phải xin được những chính sách, cơ chế đặc thù, vượt trội để tạo ra được điểm đến lý tưởng, giải quyết nhiều bài toán khi sân bay đi vào khai thác", ông Thiên nói.
Đối với vấn đề này, ông Võ Tấn Đức, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai thừa nhận sau một thời gian tăng trưởng mạnh, Đồng Nai đang đối diện với nhiều điểm nghẽn.
Dù vậy ông Đức tin rằng sân bay Long Thành sẽ mở ra một cơ hội mới, kết nối tỉnh với vùng, khu vực, cả nước và thế giới.
"Đồng Nai sẽ lấy sân bay Long Thành làm trung tâm để phát triển logistics, đô thị. Sớm trở thành tỉnh phát triển văn minh hiện đại. Hiện tỉnh đã triển khai quy hoạch, xây dựng để khai thác tối đa hiệu quả sân bay", ông Đức nói.
Còn ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai nhận định hiện nay vùng Đông Nam Bộ đã được quan tâm. Như vậy, 3 năm tới sức hút đầu tư sẽ quay trở lại, đón đầu được nhiều cơ hội.
"Theo xu thế mới, trung tâm của vùng đã hướng sang cảng Cái Mép và sân bay Long Thành. Do đó Đồng Nai sẽ được hưởng lợi nhiều nhất từ dịch chuyển này. Nếu địa phương không tận dụng được lợi thế sẽ bỏ qua mất làn sóng đầu tư", ông Lĩnh nhấn mạnh.
Theo ông Lĩnh cần quan tâm đến lao động, hạ tầng giao thông, công bố các dự án cần thu hút đầu tư, dự án logictis, khách sạn... Đặc biệt quan tâm xử lý môi trường, đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống tội phạm công nghệ cao.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận