Phân vân 2 cách hiểu
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Xuân Hùng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho hay, không chỉ riêng Việt Nam mà trên thế giới, rất nhiều nước cũng tham vọng mở sàn giao dịch xăng dầu. Tuy nhiên, thành công thì dường như chỉ có hai sàn, gồm sàn của Mỹ giao dịch dầu WTI và sàn tại London giao dịch dầu Brent.
Thành công của hai sàn này là nhờ có sân chơi đủ lớn và có chế tài kinh tế đủ mạnh.
Còn các sàn còn lại như tại Trung Đông, hay những vùng có khối lượng giao dịch lớn như Singapore chỉ được xem là các sàn giao dịch thứ cấp, bởi còn yếu tố như không đủ khối lượng khách tham gia, hay không hấp thu được khối lượng khách lớn là các trung tâm giao dịch…
Còn các nước có nhu cầu dầu lớn hơn Việt Nam rất nhiều lần như Trung Quốc, Nhật, Thái Lan, Ấn Độ đều không có sàn giao dịch xăng dầu.
Vì thế, với sự phụ thuộc lớn vào giá xăng dầu thế giới khi giá thế giới chiếm 64-72% trong cơ cấu giá Việt Nam, ông Hùng đặt vấn đề, liệu khi chúng ta có một sàn giao dịch xăng dầu thì có thoát khỏi sự ảnh hưởng của các sàn giao dịch thế giới hay không?
"Nói như vậy để thấy, Việt Nam có thành lập sàn thì cũng chỉ là một sàn thứ cấp phụ thuộc vào quốc tế, chứ không thể mang tính chất định đoạt được thị trường, do giá mua phụ thuộc vào thị trường thế giới và giá bán cũng tham chiếu thị trường thế giới", ông Hùng nói.
Một điểm quan trọng ông Hùng lưu ý, đó là khi Nhà nước còn kiểm soát giá xăng dầu thì việc giao dịch xăng dầu trên sàn không thực hiện được.
Nhiều chuyên gia cũng đồng tình quan điểm này và cho rằng, để thành lập sàn giao dịch xăng dầu hiện nay là rất khó thực hiện bởi chúng ta cần làm đủ các điều kiện cần và đủ theo cơ chế thị trường mới vận hành được.
Tại cuộc họp, cũng có những ý kiến cho rằng, cần làm rõ cách hiểu trong chỉ đạo của Phó thủ tướng Lê Minh Khái về việc thành lập sàn giao dịch xăng dầu.
Phó thủ tướng chỉ đạo "sàn kinh doanh xăng dầu được vận hành sẽ công khai thông tin về giá cả, khối lượng giao dịch, từ đó giảm thiểu khả năng thao túng giá, tạo cơ chế định giá linh hoạt, nhanh chóng và cải thiện quá trình phân phối, lưu thông xăng, dầu". Theo đại diện thương nhân đầu mối xăng dầu Long Hưng, có thể hiểu như một sàn giao dịch chứng khoán, có hàng hóa thật, có mua bán và thông qua giao dịch ngân hàng.
"Với cách hiểu này thì không còn trở ngại về liên thông với quốc tế. Mà chúng ta sẽ làm mô hình sàn như sàn chứng khoán. Điều này rất dễ làm", ông Quỳnh cho biết thêm, lúc này tất cả những người mua sẽ lên sàn mua và người bán thấy giá phù hợp sẽ sẵn sàng bán. Việc này đơn giản và minh bạch.
Với cách hiểu này, vị đại diện cho rằng: chúng ta cần làm rõ hai cách hiểu trên để đưa ra định hướng, chứ không bàn lùi.
Lộ trình thực hiện nên thế nào?
Đồng quan điểm trên, tuy nhiên, ông Trịnh Quang Khanh, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho rằng, việc xây dựng một sàn giao dịch xăng dầu liên thông quốc tế hay sàn giao dịch như chứng khoán sẽ mất hàng năm. Do vậy, trước mắt, nên cho phép giao dịch liên thông các mặt hàng năng lượng tại Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV).
Tại Việt Nam, việc giao dịch các sản phẩm như dầu thô, khí tự nhiên đã được Bộ Công thương cho phép giao dịch thí điểm tại sở MXV từ tháng 5/2020 và đã dừng giao dịch từ tháng 5/2024, ông Khanh kiến nghị, nên cho tiếp tục giao dịch qua MXV trong thời gian xây dựng các quy định. Từ đó, đúc rút những kinh nghiệm từ việc thí điểm sàn này để xây dựng chính sách phù hợp.
Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Phó tổng giám đốc MXV cho hay, quá trình giao dịch thí điểm diễn ra an toàn, ổn định, không phát sinh sự cố, bước đầu thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư.
Tuy nhiên, ông Quỳnh cũng thừa nhận, chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp tham gia giao dịch bởi chính sách chưa ổn định.
Cụ thể như, quyết định cho phép giao dịch thí điểm theo từng năm, hết năm phải gia hạn. Việc thí điểm dừng từ ngày 27/5/2024 với lý do không rõ ràng.
Bên cạnh đó, Nghị định 83 cho phép doanh nghiệp được giao dịch qua sở giao dịch hàng hoá, nhưng các nghị định sửa đổi lại bỏ quy định này.
Điểm quan trọng khác là Bộ Tài chính chưa có chính sách về chế độ hạch toán, kế toán cho các doanh nghiệp tham gia giao dịch tại sở giao dịch hàng hóa nói chung và các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu nói riêng.
Vì thế, để thực hiện được trên MXV, ông Quỳnh đề nghị, cần bổ sung quy định cho phép các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu được bảo hiểm giá thông qua việc giao dịch tại sở giao dịch hàng hoá; Bộ Tài chính sớm ban hành văn bản hướng dẫn về chế độ hạch toán kế toán cho doanh nghiệp tham gia giao dịch…
Kết luận cuộc họp, ông Phan Văn Chinh, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho biết, đây là vấn đề khó, kỹ thuật, Vụ sẽ tiếp thu ý kiến và đưa ra các phương án để báo cáo Thủ tướng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận