Nỗ lực tự chủ, cố rồi mà chưa xong
Tuồng thuộc loại hình nghệ thuật khó khăn nhất hiện nay và không phải kinh doanh mà ngay cả bảo tồn cũng đã khó khăn. Bảo tồn cũng là nhiệm vụ quan trọng nhất với tuồng hiện tại. Theo chủ chương của Bộ, Nhà hát Tuồng đang tự chủ dưới 30% kinh phí nên đơn vị cũng phải tích cực khai thác các hợp đồng biểu diễn với các địa phương (nhưng chỉ có vào dịp lễ hội, đầu xuân). Tại rạp Hồng Hà, đơn vị cũng thường có nhiều hoạt động nhưng chỉ mang tính chất quảng bá tới du khách chứ không mang về được nhiều nguồn thu. Nghệ sĩ vẫn hưởng lương theo ngạch bậc của Nhà nước chứ không có thêm. Đơn vị như nhà hát chúng tôi thuộc nhóm nhà nước vẫn phải ưu tiên đầu tư, vì nếu dừng đầu tư thì không thể trụ được.
Ông Tạ Văn Sốp, Phó giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam
Từ năm 2016, các đơn vị nghệ thuật công lập thuộc quản lý của Bộ Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch (VH, TT&DL) đã bắt đầu thực hiện việc tự chủ tài chính. 10 nhà hát được giao tự chủ từ 30-60%, gồm: Nhà hát Kịch Việt Nam, Nhà hát Chèo, Nhà hát Tuồng, Nhà hát Cải lương, Nhà hát Nhạc Vũ kịch, Nhà hát Tuổi trẻ, Nhà hát dân gian Việt Bắc, Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam, Liên đoàn Xiếc Việt Nam, Nhà hát Múa rối Việt Nam. Theo kế hoạch, đến năm 2020, các nhà hát trên sẽ phải thực hiện việc tự chủ 100% kinh phí hoạt động.
Tuy nhiên, sau 4 năm, các đơn vị nghệ thuật mới chỉ bắt đầu vào “guồng” để tồn tại trong cơ chế thị trường. Nhà hát Tuổi trẻ ngoài những vở diễn được Nhà nước đặt hàng, vẫn dựng trên dưới 10 tác phẩm/ năm, thực hiện những chương trình ca múa nhạc từ nguồn xã hội hóa, ký hợp tác với Ngân hàng SHB trị giá 4 tỷ đồng thực hiện hàng chục đêm diễn miễn phí tới khán giả trong dự án “Chắp cánh niềm tin”. Năng động không kém là Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam cũng thực hiện nhiều chương trình, vở diễn nghệ thuật có chất lượng cao như “Bản giao hưởng mùa Hạ” dưới sự dẫn dắt của nhạc trưởng người Nhật - Kotaro Kimura và hơn 60 ca sĩ hợp xướng đến từ Nhật Bản, “Giai điệu mùa thu” với nhạc trưởng Lê Phi Phi… Bên cạnh đó là nhiều vở diễn cháy vé như vở ballet “Kẹp hạt dẻ - Giấc mơ thần tiên” phiên bản Việt, vở “Hồ thiên nga”…
Nhà hát Chèo Việt Nam tham gia nhiều dự án như “Chèo 48h”, “Tôi xê dịch” để quảng bá nghệ thuật chèo, đồng thời duy trì các chiếu chèo, biểu diễn các trích đoạn chèo truyền thống vào các tối thứ sáu hàng tuần. Hay Nhà hát Cải lương Việt Nam cũng tìm nguồn xã hội hóa để dựng vở diễn “nặng đô” như “Mai Hắc Đế”, “Chuyện tình Khau Vai”. Nhà hát Múa rối Việt Nam cũng tích cực khai thác các hợp đồng biểu diễn với các doanh nghiệp.
Nỗ lực là thế nhưng thực tế sân khấu nghệ thuật truyền thống vẫn loay hoay trong việc tìm đường tới khán giả. Trong khi trên truyền hình có vài chục gameshow được ra mắt và phát sóng miễn phí hàng ngày vào khung giờ vàng trên nhiều kênh truyền hình thì sân khấu đối nghịch hẳn. Nhà hát Tuồng Việt Nam diễn cố định vào thứ 2, thứ 5 hàng tuần các chương trình Nghệ thuật truyền thống ở rạp Hồng Hà nhưng chủ yếu để quảng bá. Nhà hát Chèo Việt Nam cũng duy trì hoạt động mỗi cuối tuần với mức giá 150.000 đồng/vé và có những đêm diễn chỉ bán được khoảng chục vé. Nhà hát nhạc vũ kịch Việt Nam trung bình 1-2 tháng có 1 chương trình diễn trong 2 đêm (500.000 - 1 triệu đồng/vé), ngoài ra là đi diễn tỉnh. Liên đoàn Xiếc Việt Nam cố định 8 buổi diễn/tháng (mức giá dao động 120-200 nghìn đồng/vé), mùa cao điểm sẽ nhiều hơn. Nhưng theo NSƯT Tống Toàn Thắng, PGĐ Liên đoàn Xiếc Việt Nam, có những ngày liên đoàn phải hoãn diễn vì vé bán được quá ít, không đủ chi trả tiền điện nước, bồi dưỡng cho diễn viên.
Tâm tư những người đi đầu
Mặc dù đã nỗ lực năng động thực hiện nhiều chương trình, dự án, tinh giản bộ máy nhân lực nhưng theo Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam Nguyễn Tiến Dũng, đơn vị đã có được nhiều hợp đồng biểu diễn múa rối cạn trong nước hơn so với những năm trước đây, dù với mảng khách du lịch lại có xu hướng giảm vì nhiều lý do và tình hình thực tế vẫn còn nhiều khó khăn.
Ông Dũng khẳng định, nhà hát từng có 4 năm chuẩn bị cho lộ trình xã hội hóa nhưng tới nay vẫn chưa làm được. Kinh phí duy trì các hoạt động biểu diễn, dựng vở diễn và trả lương cho anh em nghệ sĩ vẫn chủ yếu là nguồn kinh phí do Bộ cấp. Nhà hát có một số nguồn thu thêm từ việc bán vé và các hợp đồng biểu diễn nhưng cũng hoạt động túc tắc. Mỗi năm, nhà hát cố gắng duy trì thực hiện 2-3 vở diễn để nghệ sĩ có cơ hội tiếp cận và phát triển nghề, cũng như đầu tư để kéo được khán giả đến rạp.
“Thực hiện tự chủ sân khấu có thể làm mai một các giá trị nghệ thuật truyền thống vì khi buộc phải có nguồn thu từ khán giả, nghệ thuật sẽ phải chạy theo thị trường, chiều theo thị hiếu của công chúng. Điều đó có thể làm mất tính định hướng thị hiếu, làm giảm chất lượng của những môn nghệ thuật truyền thống”, ông Dũng nhấn mạnh.
Là một nhà hát được đánh giá năng động, tự chủ, thế nhưng đạo diễn Sĩ Tiến, Phó giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ thừa nhận, nếu bỏ nguồn cung từ Nhà nước thì Nhà hát sẽ gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí có thể trở thành “gánh hát” để diễn trò nhằm có doanh thu chứ sẽ thiếu quy chuẩn của một nhà hát quốc gia. “Hiện tại, nhà hát chỉ thực hiện một số chương trình xã hội hóa để tăng đời sống thu nhập cho anh em ngoài nguồn thu từ việc đặt hàng tác phẩm của Bộ, chứ việc bán vé chỉ vài chục triệu đồng, vừa đủ tiền trang trải điện nước, sân khấu cho mỗi đêm diễn”, đạo diễn Sĩ Tiến bày tỏ.
Bản thân Nhà hát Tuổi trẻ cũng chỉ diễn 1, 2 buổi cuối tuần, bán vé trên nhiều kênh nhưng khán giả cũng không thường xuyên. Việc dựng chương trình diễn quanh năm để bán vé nuôi sống anh em sẽ rất khó. Ông Tiến đánh giá, việc tiến tới xã hội hóa sân khấu là một bài toán có tính vĩ mô cao, có thể thực hiện nhưng học dần dần chứ không thể thực hiện ngay lập tức trong thời buổi khó khăn hiện nay. “Tình hình thực tế hiện nay chưa tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị nghệ thuật, đặc biệt là nghệ thuật truyền thống có thể tự chủ. Muốn tự chủ phải có thị trường, phải có cung cầu, nhưng ở Hà Nội không có cầu nên không thể cung được”, đạo diễn - quyền Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam Triệu Trung Kiên cho biết.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận