Hạ tầng

Sẵn sàng khởi công 12 dự án cao tốc Bắc - Nam

20/12/2022, 06:07

Trải qua hơn 300 ngày dồn hết tốc lực, 12 dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2 dự kiến đồng loạt khởi công vào ngày đầu tiên năm 2023.

Việc rút ngắn được thời gian chuẩn bị đầu tư thể hiện quyết tâm rất lớn của các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là Bộ GTVT trong việc thực hiện yêu cầu của Quốc hội, Chính phủ với dự án trọng điểm quốc gia này.

Kỷ lục chưa từng có

img

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm (thứ 2 từ trái qua) cùng đoàn công tác trên tàu khảo sát thực tế khu vực khai thác cát biển tại cửa biển Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng vào chiều 14/12 để tìm nguồn vật liệu san lấp cho các dự án đường cao tốc ở ĐBSCL. Ảnh: Thanh Mong

20h tối 15/12, khoảng 3 tháng kể từ khi bước vào đợt cao điểm thẩm định thiết kế kỹ thuật, dự toán, phòng làm việc của hàng chục cán bộ Phòng Quản lý xây dựng 3, Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ GTVT) vẫn chưa thôi sáng đèn để rốt ráo hoàn thành công tác thẩm định đối với 3 gói thầu còn lại của dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Hoài Nhơn - Quy Nhơn và Quy Nhơn - Chí Thạnh.

“Sau 12 gói thầu được khởi công đầu tiên, yêu cầu Bộ GTVT đặt ra đối với 13 gói thầu còn lại là phải khởi công trước ngày 15/1/2023”, ông Thái Bá Thuy, Trưởng phòng Quản lý xây dựng 3 chia sẻ.

Cần coi trọng khâu tiền kiểm

Theo ông Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (Varsi), việc đảm bảo tiến độ khởi công dự án cao tốc Bắc - Nam chỉ sau 11 tháng kể từ khi chủ trương đầu tư được thông qua thể hiện quyết tâm rất lớn của các Bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là Bộ GTVT, các đơn vị tư vấn, ban quản lý dự án. Dự án cũng đã lập kỷ lục về thời gian chuẩn bị đầu tư.
“Trước áp lực về quỹ thời gian thi công, chất lượng muốn tốt, nhân lực, thiết bị, vật tư vật liệu phải được kiểm soát, sàng lọc ngay từ đầu. Tức là phải coi trọng tiền kiểm, siết chặt giám sát phương pháp thi công”, ông Chủng góp ý.

Hơn 22 năm công tác trong ngành giao thông, ông Thuy thừa nhận, cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 là dự án đầu tiên có được sự thần tốc về thời gian thực hiện. Nếu tại dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1, thời gian thực hiện lập, thẩm tra, thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi các dự án thành phần khoảng 1 năm (tính từ khi Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư) thì tại dự án giai đoạn 2, thời gian chỉ hơn 5,5 tháng.

Thời gian tổ chức thực hiện công tác lập, thẩm tra, thẩm định, phê duyệt hồ sơ thiết kế kỹ thuật (TKKT), dự toán và lựa chọn xong các nhà thầu thi công ở dự án giai đoạn 1 khoảng một năm rưỡi, thì ở giai đoạn 2 chỉ 6 tháng.

Tính chung thời gian thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư (cả phê duyệt dự án và phê duyệt thiết kế dự toán) mất khoảng 3 năm ở giai đoạn 1 thì sang giai đoạn 2 chỉ vỏn vẹn chưa đầy 1 năm.

Nhớ lại thời điểm chỉ sau 1 tháng Quốc hội có Nghị quyết 44 phê duyệt chủ trương đầu tư, ngày 11/2/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 18 đề ra chi tiết các mốc tiến độ, nhiệm vụ cụ thể của các bộ, ngành, địa phương, kèm các cơ chế đặc thù để đảm bảo tiến độ khởi công đồng loạt 12 dự án thành phần ngay trong năm 2022, ông Bùi Quang Thái, Cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng khẳng định, đây là điều chưa bao giờ có.

Đây cũng là cơ sở quan trọng khắc phục được tình trạng chậm trễ trong thủ tục chuẩn bị đầu tư vốn tồn tại ở nhiều dự án giao thông trước đó.

Đơn cử như dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, chủ trương đầu tư được nghiên cứu, trình Quốc hội năm 2016.

Cuối năm 2017, Quốc hội mới phê duyệt chủ trương đầu tư. Đến năm 2019, đoạn đầu tiên (Cam Lộ - La Sơn) mới được khởi công. Tức là thời gian chuẩn bị đầu tư đến khi khởi công dự án mất đến 3 năm. Thế nhưng, tổng thời gian thực hiện chuẩn bị đầu tư tại giai đoạn 2 chỉ chưa đầy 1 năm.

Công tác GPMB cũng có nhiều đột phá. Trước đây, việc bàn giao cọc GPMB phải trải qua nhiều quy trình thì với giai đoạn 2, khi báo cáo nghiên cứu khả thi được duyệt, công tác bàn giao cọc GPMB đã cơ bản hoàn thiện.

Các địa phương có thể triển khai các công tác kế tiếp (đo đạc, kiểm đếm…) và bắt tay GPMB ngay khi được bố trí vốn. Ước tính, công tác bàn giao cọc GPMB của dự án được rút ngắn gần 1 năm so với thông thường.

Khó bứt tốc nếu mặt bằng bàn giao “xôi đỗ”

Thống kê của Cục Quản lý đầu tư xây dựng, tính đến hết tuần đầu tháng 12/2022, các địa phương có tuyến cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 đi qua đã bàn giao được 426/721,2km, đạt 59%. Tuyến nối cao tốc đoạn Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau đạt 8,3/25,45km, đạt 33%.

Đối với 12 gói thầu khởi công, theo báo cáo, đến ngày khởi công, các địa phương sẽ bàn giao được 76% diện tích mặt bằng (trừ đoạn Quy Nhơn - Chí Thạnh và đoạn Chí Thạnh - Vân Phong, tỉnh Phú Yên dự kiến bàn giao đạt khoảng 62 - 66%).

Như vậy, đến thời điểm khởi công dự án, các địa phương cơ bản đáp ứng được yêu cầu về tiến độ bàn giao mặt bằng. Song, theo ông Bùi Quang Thái, kết quả đạt được chỉ là thuận lợi trước mắt.

“Bài học từ dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1, công tác bàn giao cọc GPMB dự án này được cơ bản hoàn thành vào tháng 4/2019. Tuy nhiên, đến quý 2/2022, vướng mắc hạ tầng kỹ thuật vẫn chưa xử lý được dứt điểm. Thực tế đó đòi hỏi công tác GPMB không được chủ quan, cần phải tập trung thực hiện, cần có sự đồng hành và quyết tâm cao từ phía địa phương”, ông Thái chia sẻ.

Theo một lãnh đạo doanh nghiệp giao thông có tiếng (xin giấu tên), bài học từ dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 cho thấy, dự án muốn bứt tốc ngay từ đầu đòi hỏi việc bàn giao mặt bằng phải liên tục, không “xôi đỗ” để đảm bảo các mũi thi công triển khai đồng loạt.

Đáng nói, cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 khởi công vào giai đoạn giữa mùa khô, công tác chuẩn bị (khảo sát bản vẽ thi công, dựng lán trại, làm đường công vụ…) mất thêm khoảng 2 tháng. Để không bị lỡ “thời gian vàng” bứt tốc thi công sau khởi công, sự đồng hành của các địa phương trong đẩy nhanh các thủ tục đến bãi đổ thải, mỏ đất theo hồ sơ mỏ vật liệu phục vụ dự án là rất quan trọng.

Khơi thông nguồn vật liệu khu vực ĐBSCL

img

12 gói thầu khởi công của 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 hiện đã được các Ban QLDA phát hành hồ sơ yêu cầu của gói thầu xây lắp và tư vấn giám sát (Trong ảnh: Thi công cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 đoạn QL45 - Nghi Sơn). Ảnh: Tạ Hải

Liên quan đến nguồn vật liệu phục vụ thi công, đối với đoạn Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, tỉnh Quảng Ngãi đã ban hành quyết định về việc khoanh vùng 14 mỏ. Theo đó, tổng trữ lượng đất san lấp được địa phương chấp thuận cho dự án khoảng gần 15 triệu m3, trong khi tính toán nhu cầu chỉ cần hơn 9,6 triệu m3.

Đối với hai dự án thành phần do Ban QLDA Thăng Long làm chủ đầu tư là Bãi Vọt - Hàm Nghi và Hàm Nghi - Vũng Áng cũng ghi nhận nhiều kết quả khả quan.

Tại dự án Bãi Vọt - Hàm Nghi, nhu cầu hơn 3,9 triệu m3 đất, đã khảo sát được 13 vị trí với tổng trữ lượng hơn 15,4 triệu m3; Vật liệu cát cần 450.000 m3, khảo sát được 5 vị trí trữ lượng hơn 935.000 m3; Vật liệu đá cần 692.000 m3, khảo sát được 8 vị trí với tổng trữ lượng 11,7 triệu m3.

Đối với dự án đoạn Bãi Vọt - Hàm Nghi, nhu cầu đất đắp khoảng hơn 7,5 triệu m3, khảo sát được 8 vị trí với trữ lượng dự kiến 16,5 triệu m3; Vật liệu cát các loại cần khoảng 456.000 m3, khảo sát được 12 vị trí với trữ lượng hơn 1,5 triệu m3; Vật liệu đá cần khoảng hơn 1 triệu m3, đã khảo sát được 8 vị trí với trữ lượng hơn 13,5 triệu m3.

Tại hai dự án thành phần Vũng Áng - Bùng và Bùng - Vạn Ninh, vật liệu đất ở khu vực thi công dự án cũng dư sức đáp ứng nhu cầu. Sau khi cân đối đào, đắp, đoạn Vũng Áng - Bùng vẫn thừa khoảng 8 triệu m3 đất, đoạn Bùng - Vạn Ninh thừa hơn 2 triệu m3.

Theo Cục Quản lý đầu tư xây dựng, dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 có lợi thế lớn khi được áp dụng cơ chế giao trực tiếp cho nhà thầu khai thác, tránh được khâu trung gian, nảy sinh tiêu cực. Thách thức lớn nhất thời điểm hiện tại là vật liệu đắp nền đoạn Cần Thơ - Hậu Giang.

Theo tính toán, nhu cầu cát đắp nền đường đoạn Cần Thơ - Cà Mau cần khoảng 18,5 triệu m3. Trong đó, dự án Cần Thơ - Hậu Giang cần khoảng 6,6 triệu m3; Dự án đoạn Hậu Giang - Cà Mau cần 11,86 triệu m3. Giai đoạn từ 2022 - 2025, nhiều dự án lớn trong khu vực ĐBSCL cũng được triển khai… dẫn đến nguy cơ thiếu vật liệu, đặc biệt là vật liệu cát đắp nền đường.

Đến nay, chỉ có tỉnh An Giang dự kiến cung cấp cấp khoảng 1,1 triệu m3 cát cho dự án từ nguồn tăng 50% công suất các mỏ đang khai thác, các địa phương khác trong khu vực đều chưa có kế hoạch. Phương án nghiên cứu cát biển làm vật liệu đắp nền đường cũng đang được triển khai, song dự kiến đến cuối năm 2023, kết quả thử nghiệm mới được xác định.

Để đáp ứng tiến độ xử lý nền đất yếu với thời gian gia tải từ 8 - 12 tháng của các đoạn qua ĐBSCL, trước mắt, nguồn cát sông vẫn cần được tập trung huy động. Vừa qua, lãnh đạo Bộ GTVT đã phối hợp với Bộ TN&MT khảo sát thực tế, làm việc, đề nghị các địa phương rà soát nhu cầu và nguồn cát trên địa bàn, ưu tiên dồn nguồn lực cho cao tốc Cần Thơ - Cà Mau.

Ngày 1/1/2023 khởi công 12 gói thầu đầu tiên

Theo kế hoạch, ngày 1/1/2022, 12 gói thầu đầu tiên thuộc 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 sẽ khởi công gồm:

- Gói thầu 11-XL đoạn Bãi Vọt - Hàm Nghi (35,2km).

- Gói thầu 11-XL đoạn Hàm Nghi - Vũng Áng (30km).

- Gói thầu XL02 đoạn Vũng Áng - Bùng (23,54km).

- Gói thầu XL01 đoạn Bùng - Vạn Ninh (30,29km).

- Gói thầu XL2 đoạn Vạn Ninh - Cam Lộ (32,54km).

- Gói thầu XL1 đoạn Quảng Ngãi - Hoài Nhơn (30km).

- Gói thầu 11-XL đoạn Hoài Nhơn - Quy Nhơn (23,5km).

- Gói thầu 12-XL đoạn Quy Nhơn - Chí Thạnh (22,1km).

- Gói thầu XL02 đoạn Chí Thạnh - Vân Phong (24,05km).

- Gói thầu XL02 đoạn Vân Phong - Nha Trang (30,85km).

- Dự án đoạn Cần Thơ - Hậu Giang (1 gói thầu, chiều dài 37,65km).

- Gói thầu XL02 đoạn Hậu Giang - Cà Mau (22,4km).

Hoàn thành ký kết hợp đồng với nhà thầu trước 25/12

Theo báo cáo của Cục Quản lý đầu tư xây dựng, 12 gói thầu khởi công (331 km) của 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 hiện đã được các Ban QLDA phát hành hồ sơ yêu cầu của gói thầu xây lắp và tư vấn giám sát. Công tác đánh giá, thương thảo, ký hợp đồng với nhà thầu được thực hiện trước ngày 25/12/2022, bảo đảm điều kiện khởi công vào ngày 1/1/2023.

Đối với 13 gói thầu còn lại, các Ban QLDA được yêu cầu phải phát hành hồ sơ yêu cầu trước ngày 25/12/2022, mở thầu và đánh giá, thương thảo, ký hợp đồng trước ngày 10/1/2023 để khởi công trước ngày 15/1/2023.

Tính đến hiện tại, tất cả các ban QLDA (chủ đầu tư) đã phát hành hồ sơ yêu cầu đến các nhà thầu/liên danh nhà thầu/tư vấn được lựa chọn. Trên cơ sở hồ sơ yêu cầu, các nhà thầu đã gửi hồ sơ đề xuất để các chủ đầu tư xem xét, đánh giá. Việc công bố kết quả trúng thầu, ký kết hợp đồng với các nhà thầu sẽ hoàn thành trước ngày 25/12 theo đúng yêu cầu của Bộ GTVT.

Các địa phương đã sẵn sàng

Tính đến thời điểm ngày 15/12, tỉnh Hà Tĩnh đã bàn giao 81,23% khối lượng mặt bằng sạch cho chủ đầu tư dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025.

Hà Tĩnh là một trong những địa phương được Chính phủ, Bộ GTVT đánh giá làm tốt công tác GPMB dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025.

Ngày 19/12, đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Quảng Ngãi (chủ đầu tư tiểu dự án bồi thường GPMB) cho biết, đến nay công tác chuẩn bị cho lễ khởi công cao tốc Bắc- Nam phía Đông đoạn Quảng Ngãi - Hoài Nhơn đã hoàn tất.

Trong khi đó, đại diện Ban QLDA 2 cho biết, đối với công tác chấm thầu hiện tại cơ bản hoàn thiện công tác chấm thầu gói thầu số 1 và chọn được Liên danh thực hiện. Đối với gói thầu số 2 và 3 dự kiến sau ngày 15/1/2023 mới có kết quả cụ thể.

Tại Quảng Trị, UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, các địa phương đang tập trung để hoàn thành công tác bàn giao mặt bằng dự án cao tốc Vạn Ninh - Cam Lộ. Đến ngày 19/12, huyện Cam Lộ đã chi trả tiền cho 15 hộ đầu tuyến (vị trí điểm giao cao tốc với QL9) để bàn giao mặt bằng khởi công dự án.

Hiện, hai tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau cũng đã chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết để dự án qua địa bàn có thể khởi công vào ngày 1/1/2023.

Tính đến hết ngày 16/12/2022, các địa phương đã bàn giao tuyến cao tốc được 438/721 km, đạt 61%.

Với 12 gói thầu khởi công ngày 1/1/2023, đến nay 9/12 gói thầu các địa phương đã cơ bản bàn giao được 70% mặt bằng đáp ứng tiến độ yêu cầu.

Nhóm phóng viên

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.