Tin từ Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải VN (VMRCC), theo dự báo, năm 2023 có 10 -12 cơn bão và áp thấp nhiệt đới đi vào Biển Đông, trong đó 7-8 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến bờ biển nước ta.
Để chuẩn bị cho việc túc trực ứng phó, kịp thời tham gia tìm kiếm cứu nạn trước mùa mưa bão, theo lãnh đạo VMRCC, Trung tâm đã xây dựng kế hoạch dự kiến điều động các phương tiện chuyên dụng ứng trực bão, áp thấp nhiệt đới, gió mùa mạnh tại các khu vực.
Trong các cơn bão và áp thấp nhiệt đới, tại các khu vực bị ảnh hưởng hay có nhiều vụ việc tàu cá hỏng máy, thả trôi gây nguy hiểm tới độ an toàn. Ảnh minh họa
Cụ thể, tại Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải khu vực I dự kiến sẽ ứng trực 5 lần với địa điểm trực bão tại khu neo đậu Cát Bà, Hải Phòng.
Với khu vực II tại Đà Nẵng - khu vực bão có tần suất đổ bộ lớn nhất sẽ trực bão tại khu neo đậu nhà máy X50, Đà Nẵng với số lần ứng trực dự kiến khoảng 6 lần.
Tại khu vực III, lực lượng cứu nạn hàng hải sẽ trực bão tại khu neo đậu Sao Mai Bến Đình (Bà Rịa - Vũng Tàu) và khu vực IV sẽ trực tại khu neo đậu Hòn Tre, Nha Trang.
Tuy nhiên, đại diện VMRCC cho biết tùy vào tình hình thời tiết, bão và điều động của các cơ quan cấp trên, việc điều động tàu ứng trực tại các vị trí cần thiết sẽ được linh động.
Nói về những nguy cơ tai nạn hàng hải, ông Vũ Việt Hùng, Phó Tổng Giám đốc VMRCC cho biết, khoảng 70-85% các thông tin cứu nạn mà Trung tâm nhận được hàng năm liên quan đến tàu cá.
Trong các cơn bão và áp thấp nhiệt đới, tại các khu vực bị ảnh hưởng hay có nhiều vụ việc tàu cá hỏng máy, thả trôi trong quá trình đang chạy tránh trú bão. Tình huống này đặc biệt nguy hiểm vì khi tàu không còn khả năng điều động, rất dễ bị chìm khi thời tiết xấu, sóng to, gió lớn.
“Hiện nay, trên vùng biển nước ta có hàng trăm ngàn tàu cá hoạt động hàng ngày, chủ yếu là tàu vỏ gỗ, công nghệ cũ và lạc hậu, nhiều tàu đã có thời gian sử dụng lâu dài.
Hầu hết các tàu cá, đặc biệt là các tàu đánh bắt xa bờ được trang bị các thiết bị thông tin liên lạc không đảm bảo, ít trang bị các thiết bị cứu sinh như phao áo, phao tròn, thiết bị báo nạn khẩn cấp, thiết bị cứu hỏa, cứu đắm theo quy định.
Các yếu tố dẫn đến khả năng chống chịu của tàu cá với sự ảnh hưởng của các hiện tượng thời tiết cực đoan trên biển rất hạn chế”, ông Hùng nói và cho biết thêm, các tàu cá nói chung thường không được bảo dưỡng máy móc định kỳ, sửa chữa thường xuyên trước khi ra khơi, cũng không có sự chuẩn bị tốt cho một chuyến đi biển an toàn.
Do đó, lãnh đạo VMRCC khuyến cáo người dân, đặc biệt là các ngư dân cần trang bị đảm bảo an toàn cho các tàu của mình trước khi ra khơi.
Nếu không có điều kiện để lắp đặt loại máy tốt, hiện đại cho tàu, cũng cần phải làm tốt việc bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa ngay những hư hỏng phát hiện được để tránh xảy ra tình trạng máy móc hỏng hóc trong quá trình khai thác trên biển.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận