Từ 20h tối qua (27/10), người dân tại các địa phương như Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng, Bình Định, Phú Yên, Quảng Ngãi được yêu cầu không ra khỏi nhà. Năm trăm nghìn người dân ở các khu vực nguy hiểm cũng đã được sơ tán đến nơi an toàn. Các tỉnh miền Trung được dự báo bão đổ bộ đã lên phương án chi tiết nhất để ứng phó với cơn bão được nhận định là mạnh nhất trong vòng 20 năm qua.
Không ai dám chủ quan
Chiều tối 27/10, Đà Nẵng bắt đầu xuất hiện những cơn gió giật. Ông Nguyễn Hữu Mênh (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) lại chạy ra vịnh Đà Nẵng kiểm tra lồng bè lại một lần nữa.
Lực lượng chức năng túc trực, ông Mênh được yêu cầu trở về nhà, không được bám lại lồng bè trong thời điểm này. Ngay từ trưa, ông Mênh cùng nhiều hộ dân đã được vận động rời lồng bè để đảm bảo an toàn. Nhưng tài sản quá lớn, ông Mênh không đành lòng dứt ngang nên cứ chạy tới chạy lui kiểm tra.
“Chính quyền có ra nhắc nhở, anh em làm lồng bè cũng tranh thủ để gia cố, neo lồng bè trước khi bão về. Nghe dự báo bão lớn, tôi lo lắm vì công sức, của cải của gia đình cả năm trời đều ở dưới nước. Mức đầu tư 300 triệu đồng, cá hiện tại vẫn chưa tới thời điểm bán được. Lứa cá này dành để bán Tết, nếu bão vào cuốn sạch thì coi như gia đình tôi năm nay mất Tết”, ông Mênh buồn bã.
Cũng như nhiều hộ dân khác mưu sinh bằng nuôi cá lồng bè, ông Mênh đã trải qua những cơn bão khủng khiếp như Xangsane năm 2006. Lần đó, ông Mênh cũng thiệt hại cả trăm triệu đồng.
Ghi nhận PV, từ 19h tối 27/10, Đà Nẵng bắt đầu có mưa, gió mạnh. Hầu hết hàng quán trong thành phố đều chủ động đóng cửa, không tiếp khách. Dọc tuyến phố trung tâm Đà Nẵng, người ra đường khá vắng. Chỉ một số xe ô tô, xe máy của người dân lưu thông để về nhà. Không khí phòng chống bão tập trung. Thông tin bão giật cấp 15 - 17 nên không ai dám chủ quan.
Đến cuối ngày 27/10, Đà Nẵng đã hoàn thành sơ tán cho 14.000 hộ dân đến nơi an toàn và yêu cầu các chủ tàu, ngư dân khẩn trương rời khỏi tàu thuyền để đảm bảo an toàn.
Bão chồng lũ, chồng chất nỗi lo
Nằm trong khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề các đợt mưa lũ vừa qua, đến ngày 27/10, nhiều khu vực dân cư ven biển phường Điện Dương (thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) vẫn còn ngập lụt sâu. Những khó khăn chưa thể khắc phục, nay cơn bão số 9 lại sắp sửa ấp đến, khiến họ quay cuồng trong nỗi lo toan.
Xắn quần lội nước trong nhà, anh Phạm Anh Tuấn cùng vợ tất bật dùng dây cáp chằng lại mái nhà tôn. Chưa yên tâm, anh cùng vợ lấy thêm các túi nilon, leo lên mái nhà, kéo từng xô nước đổ đầy các túi nilon gia cố thêm.
Khuôn mặt phờ phạc, đầy sự mệt mỏi, anh Tuấn giọng buồn buồn: “Cả tháng nay quay cuồng chống mưa lụt, không làm ăn được gì, sắp đói đến nơi. Tưởng chừng chỉ có vậy, nhưng giờ nghe tin bão lại sắp đổ vào. Thôi cố đến mô được thì cố. Tất cả đều nhờ trời”.
Theo ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch UBND phường Điện Dương, với kinh nghiệm phòng chống mưa bão trong thời gian qua, công tác phòng chống bão tại địa phương được thực hiện theo phương án mới. Đó là, nếu trước đây, việc di dời dân ở các vùng có nguy cơ thiệt hại, ảnh hưởng trực tiếp về khu vực tránh trú tập trung, thì nay tổ chức cho bà con người dân ở xen ghép.
Nghĩa là, người dân di dời đến các nhà cao tầng, nhà hàng xóm được xây dựng chắc chắn, vững chắc. Việc di dời người dân ở ghép theo từng hộ gia đình sẽ chủ động nguồn lương thực, thực phẩm, cũng như phòng tránh được tình huống, giảm nguy cơ bị thiệt hại.
Ông Trần Úc, Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn cho biết: Để hạn chế sự thiệt hại do mưa bão gây ra, với phương châm “4 tại chỗ”, ngoài việc giúp người dân chủ động ứng phó mưa bão, chính quyền đã huy động lực lượng quân đội, công an, dân quân, phát huy vai trò của lực lượng xung kích tại cơ sở túc trực 24/24h sẵn sàng giúp dân trong mọi tình huống.
Theo Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Quảng Nam cho biết, đến tối 27/10, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có tổng cộng 14.839 hộ/42.950 khẩu được sơ tán đến nơi an toàn; trong đó, sơ tán đến nơi ở tập trung có 2.994 hộ/ 8.530 khẩu; sơ tán ở xen ghép có 11.845 hộ/34.420 khẩu.
Trực tiếp đến kiểm tra công tác giúp đỡ nhân dân phòng chống cơn bão tại các xã Tam Thanh (Tam Kỳ), Bình Hải, Bình Minh (Thăng Bình), Duy Nghĩa, Duy Hải (Duy Xuyên) trong ngày 27/10, ông Phan Việt Cường, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam yêu cầu chính quyền địa phương cần vận động thanh niên, các lực lượng quân đội, công an, dân quân tự vệ khẩn trương kiểm tra, hỗ trợ các gia đình neo đơn, người già chằng chống nhà cửa và di dời đến nơi tránh trú an toàn theo phương án đề ra.
Để đảm bảo an toàn tính mạng người dân, ngay trong chiều 27/20, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cũng có lệnh khẩn yêu cầu người dân không ra khỏi nhà bắt đầu từ 20h tối 27/10 cho đến khi có thông báo mới.
Việc đề nghị người dân không ra khỏi nhà cũng đồng thời được các địa phương khác như: Thừa Thiên - Huế, Bình Định, Phú Yên thực hiện. Theo ghi nhận, công tác phòng chống bão tại các địa phương này cũng được triển khai rất quyết liệt.
Để ứng phó bão số 9, tỉnh Quảng Ngãi đã cho di dời, sơ tán khoảng 31.460 hộ với 119.182 khẩu. Toàn tỉnh có 485/485 lồng, bè và khoảng 1.280 tàu, thuyền đã được đưa vào khu neo trú an toàn.
Tỉnh Quảng Ngãi cũng đã nghiêm cấm tất cả các tàu, thuyền ra biển hoạt động; cho học sinh các cấp nghỉ học từ chiều 27 đến hết ngày 29/10/2020; tạm dừng các công trình đang thi công, đưa toàn bộ công nhân ra khỏi hiện trường và chỉ bố trí lực lượng, phương tiện để theo dõi, kịp thời xử lý các tình huống sự cố có thể xảy ra tại công trình.
Nhiệm vụ số 1 là bảo vệ tính mạng nhân dân
Từ trưa 27/10, thực hiện quyết định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng có mặt tại Đà Nẵng, trực tiếp chỉ đạo ứng phó bão số 9 từ Ban Chỉ đạo tiền phương.
Tại cuộc họp của Ban chỉ đạo tiền phương cùng ngày, đại diện Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương nhận định bão số 9 là cơn bão mạnh hơn nhiều so với bão Damrey 2017 và có thể mạnh hơn bão Xangsane năm 2006.
Thiếu tướng Doãn Thái Đức, Cục trưởng Cục Cứu hộ - Cứu nạn (Bộ Tổng Tham mưu) cho biết, hiện Quân khu 5 đã huy động 66.121 người và 1.716 phương tiện. Các lực lượng khác của quân đội, Bộ công an, Bộ GTVT cũng đã huy động hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ cùng nhiều phương tiện chuẩn bị ứng phó bão.
Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ Quốc phòng và Quân khu 4, Quân khu 5 và các đơn vị quân đoàn đóng chân trên địa bàn tập trung bố trí lực lượng. Khi cần thiết phải đề nghị Quân khu 3 hỗ trợ phía Bắc, Quân khu 7 hỗ trợ ở phía Nam.
Sau khi thăm hỏi bà con tại khu sơ tán Cửa Đại, Hội An, Quảng Nam, Phó Thủ tướng yêu cầu đoàn công tác chia thành 3 mũi đi kiểm tra, đôn đốc công tác ứng phó bão. Phó Thủ tướng tiếp tục đi kiểm tra công tác ứng phó bão tại Khu công nghiệp Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi. Phó Thủ tướng yêu cầu các lực lượng trực chiến xuyên đêm.
Tại đây, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá cao các cấp, ngành, địa phương đã tập trung ứng phó. “Tình hình rất khẩn trương. Nhiệm vụ số một là bảo vệ tính mạng người dân, bảo về tài sản của người dân và Nhà nước”, Phó Thủ tướng lưu ý và cảnh báo nếu chúng ta không làm tốt sẽ thiệt hại rất nặng nề.
Phó Thủ tướng đề nghị tập trung với phương châm “4 tại chỗ” để ứng phó với bão số 9, đồng thời giao nhiệm vụ cho từng lực lượng, đơn vị có mặt tại hiện trường. Theo Phó Thủ tướng, quân đội là nòng cốt trong công tác ứng phó sự cố, tìm kiếm cứu nạn.
“Đêm nay không ngủ, tập trung rà soát các công việc, các cơ quan phải gọi điện báo cáo thường xuyên, nơi nào lơ là phải kỷ luật”, Phó Thủ tướng chỉ đạo lãnh đạo các địa phương và các đơn vị làm nhiệm vụ ứng phó bão.
Giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại
Chiều 27/10, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký Công điện yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 9.
Công điện nêu rõ: Bão số 9 cùng với cơn bão Xangsane (2006) dự báo là một trong hai cơn bão có cường độ mạnh nhất trong 20 năm gần đây, có khả năng gây ảnh hưởng trực tiếp đến Trung bộ và Tây Nguyên nước ta.
Để ứng phó với bão, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành và địa phương tập trung rà soát, chủ động sơ tán triệt để người dân ra khỏi những nơi nguy hiểm. Tuyệt đối không để người ở lại trên lồng bè nuôi trồng thủy sản, trên tàu thuyền khi bão đổ bộ vào. Trường hợp cần thiết phải cưỡng chế di dời để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân.
Chủ động khuyến cáo, hướng dẫn người dân hạn chế hoặc không ra đường trong đêm 27/10 và ngày 28/10. Trường hợp cần thiết có thể cho nghỉ làm, nghỉ học. Thủ tướng giao các Bí thư, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố từ Nghệ An đến Bình Thuận; các tỉnh khu vực Tây Nguyên trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm về địa phương của mình. Yêu cầu giảm thiểu ở mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do bão gây ra.
P.V
Trưa nay, bão đổ bộ từ Quảng Ngãi đến Bình Định
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, bão số 9 sẽ đổ bộ đất liền vào trưa nay (28/10) với cường độ mạnh cấp 11 - 12, giật cấp 15. Trọng tâm bão đi vào là các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Bình Định.
Do ảnh hưởng của bão từ đêm 27/10 - 29/10, từ Thừa Thiên - Huế đến Phú Yên sẽ có mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến từ 200 - 400mm/đợt; Bắc Tây Nguyên 100 - 200mm/đợt.
Từ 28 - 31/10 khu vực từ Nghệ An đến Quảng Trị có mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 200 - 400mm/đợt; riêng Nam Nghệ An và Hà Tĩnh có lượng mưa phổ biến 500 - 700mm/đợt.
*Đến tối 27/10, các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế tới Bình Thuận đã sơ tán gần 500 nghìn người trong khu vực nguy hiểm… Các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế đến Bình Định quyết định cho học sinh nghỉ học từ ngày 27/10.
T.Tuyết
Bộ GTVT ra công điện khẩn ứng phó bão số 9
Trước diễn biến phức tạp của bão số 9, ngày 27/10, Bộ GTVT đã có công điện khẩn yêu cầu các cơ quan, đơn vị thực hiện ngay các biện pháp để chủ động ứng phó.
Bộ GTVT yêu cầu Cục Hàng hải VN chỉ đạo Trung tâm Phối hợp TKCN hàng hải Việt Nam thường xuyên theo dõi diễn biến của bão trên Biển Đông, chủ động điều động các tàu SAR đến chốt ở các vị trí dự kiến có khả năng bị ảnh hưởng lớn nhất của bão, chuẩn bị sẵn sàng để tham gia cứu nạn, cứu hộ khi có lệnh.
Tổng cục Đường bộ VN tập trung vật tư, thiết bị và nhân lực nhanh chóng khắc phục hậu quả do mưa, lũ gây ra từ cơn bão số 7, số 8 trên các tuyến quốc lộ trọng điểm. Kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ ngập lụt, sụt lở đất, lũ quét, các cầu yếu… để kịp thời sửa chữa, khắc phục đảm bảo giao thông phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn.
Cục Hàng không VN chỉ đạo các hãng hàng không theo dõi chặt chẽ diễn biến của cơn bão số 9 để điều chỉnh kế hoạch hoặc thay đổi lịch bay cho phù hợp và đảm bảo an toàn tuyệt đối hoạt động bay.
Cục Đường sắt VN, Tổng công ty Đường sắt VN chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm ngặt chế độ tuần tra, chốt gác các công trình, vị trí xung yếu, khu vực trọng điểm như: Cầu, đường yếu, dễ bị ngập nước; khu vực hay xảy ra lũ quét, các đoạn đường đèo dốc, đá rơi, đất sụt, các khu vực đường sắt ở phía hạ lưu đê, đập thủy lợi, hồ chứa nước...
Đ.Quang
Tạm dừng hoạt động 5 sân bay, nhiều đoàn tàu khách
Cục Hàng không VN, chủ động ứng phó bão số 9, từ 18h00 chiều 27/10, sẽ tạm dừng khai thác tất cả các hoạt động bay tại 4 sân bay: Chu Lai, Phù Cát, Đà Nẵng, Tuy Hòa. Giờ khai thác trở lại dự kiến là 16h00 ngày 28/10. Riêng sân bay Pleiku tạm dừng khai thác từ 21h00 ngày 27/10 đến 19h00 ngày 28/10.
Để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các chuyến bay, các hãng hàng không Việt Nam cũng thực hiện điều chỉnh lịch hàng loạt chuyến bay khai thác.
*Tổng công ty Đường sắt VN cho biết, từ tối 27/10, tạm dừng chạy một số tàu Thống Nhất và điều chỉnh kế hoạch tàu khu đoạn để tránh bão số 9, đảm bảo an toàn vận chuyển hành khách.
Cụ thể, tại ga Hà Nội, tối 27/10 tạm ngừng chạy tàu SE1 xuất phát lúc 22h15 và tàu SE3 xuất phát lúc 19h25. Ngày 28/10, tạm ngừng chạy tàu SE7 xuất phát lúc 6h00.
Tại ga Sài Gòn, tối 27/10 tạm ngừng chạy tàu SE4 xuất phát lúc 21h55. Ngày 28/10 tiếp tục tạm ngừng chạy tàu SE8 xuất phát lúc 6h00 và tàu SE22 xuất phát lúc 11h40. Hành khách có vé trong thời điểm các tàu tạm dừng chạy có thể đổi hoặc trả vé không thu phí.
*Cục Hàng hải VN cho biết, đã yêu cầu các cảng vụ hàng hải: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quy Nhơn, Nha Trang, Bình Thuận tổ chức kiểm đếm tàu, thuyền đang hoạt động trong vùng nước cảng biển hoặc tàu, thuyền dự kiến đến khu vực, theo dõi diễn biến của bão, hướng dẫn cho tàu thuyền tránh đi vào khu vực nguy hiểm.
Hiện, đã có hơn 900 tàu thuyền được kiểm đếm tại khu vực cảng biển từ Quảng Bình đến Bình Thuận.
Nhóm PV
Tàu cá chìm trên đường tránh bão, 26 ngư dân mất tích
Chiều tối 27/10, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Khánh Hòa cho biết, đơn vị nhận được thông tin tàu cá BĐ 96388TS bị chìm trong khi chạy về vịnh Cam Ranh để tránh bão, trên tàu có 12 ngư dân.
Qua làm việc với Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Định xác minh thông tin cụ thể: Tàu cá BĐ 96388TS hành nghề lưới vây, có 12 lao động, do ông Lê Vạn (trú tại Hoài Thanh, Hoài Nhơn, Bình Định) là chủ phương tiện, ủy quyền cho ông Lê Văn Minh (SN 1976, trú tại Tam Quan Nam, Hoài Nhơn, Bình Định) làm thuyền trưởng.
Tàu cá BĐ 96388TS xuất bến ngày 5/10 tại Trạm kiểm soát Biên phòng Tam Quan. Khoảng 13h ngày 27/10, tàu đang trên đường chạy vào Cam Ranh để tránh trú bão thì bị phá nước và chìm tại vị trí cách bờ biển Cam Ranh khoảng 130 hải lý về phía Biển Đông. Đến 13h30 ngày 27/10, tàu cá BĐ 98658TS của ông Nguyễn Văn Toàn, trú tại Bồng Sơn, Hoài Nhơn, Bình Định đã tiếp cận tàu bị nạn. Tuy nhiên, chưa tìm thấy 12 ngư dân trên tàu. Đến tối 27/10, Đồn Biên phòng Cam Ranh cho biết, vẫn chưa nhận được thông tin phản hồi nào từ các phương tiện đang tìm kiếm 12 ngư dân mất tích.
*Lúc 16h30 chiều 27/10, tàu cá BĐ 97467-TS với 14 lao động do ông Võ Ngọc Đoan làm thuyền trưởng, trên đường chạy về bờ tránh bão số 9, cách Đông Hòn Tre, Khánh Hòa khoảng 172 hải lý, bị phá nước chìm, không liên lạc được. Đến tối cùng ngày, lực lượng chức năng vẫn đang tích cực tìm kiếm.
Q.Đạt
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận