Đi ++

San ủi mộ vợ vua Tự Đức:Lỗ hổng trong quản lý,tu bổ di tích?

17/07/2017, 19:05

Dù chưa được công nhận di tích, nhưng theo các nhà nghiên cứu, chuyên gia, lăng mộ vợ Vua Tự Đức bị san ủi...

28

Dù đạt nhiều kết quả tích cực nhưng việc tu bổ, quản lý lăng mộ vẫn còn nhiều khó khăn 

Dù chưa được công nhận di tích, nhưng theo các nhà nghiên cứu, chuyên gia, lăng mộ vợ Vua Tự Đức bị san ủi vẫn là một bộ phận của quần thể di tích cần được “ứng xử phù hợp” ở cả giá trị lịch sử, văn hóa… Thực tế, việc chậm khảo sát, kiểm đếm, nguồn kinh phí, vẫn đang là thách thức của công tác quản lý, bảo tồn di tích Cố đô Huế.

Chưa ngã ngũ "số phận" lăng mộ

Theo Hội đồng trị sự dòng tộc Nguyễn Phúc, đến nay việc lăng mộ của bà Tài nhân Cửu giai Lê Thị Thụy Thục Thuận, vợ Vua Tự Đức vẫn chưa ngã ngũ vì “vênh nhau” giữa giải pháp của các cấp chính quyền địa phương và quan điểm của dòng tộc. Trước đó, tại cuộc họp do Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Dung chủ trì về việc giải phóng mặt bằng của dự án bãi đỗ xe tham quan lăng Tự Đức - lăng Đồng Khánh (thuộc phường Thủy Xuân, TP Huế ngày 11/7), đa số ý kiến các sở, ban, ngành đều kiến nghị di dời ngôi mộ đến cạnh lăng bà Học Phi (một bà vợ khác của Vua Tự Đức) nằm cách lăng mộ bị san ủi này khoảng 200m.

Tuy nhiên, đại diện Hội đồng trị sự dòng tộc Nguyễn Phúc đều khẳng định, quan điểm trước sau như một là xây lại lăng mộ ngay tại vị trí tìm thấy huyệt mộ theo bản vẽ thiết kế phục hồi của Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế. Trung tâm này cũng đề nghị quy hoạch lại bãi đỗ xe theo hướng cắt phần diện tích có mộ phần của bà Tài nhân Cửu giai ra khỏi dự án để tiến hành tôn tạo ngôi mộ tại vị trí cũ.

Các giá trị di sản văn hóa Cố đô Huế sau khi được bảo tồn, trùng tu đang phát huy hiệu quả đối với sự phát triển KT-XH của địa phương. Trong 10 năm (từ 2006 - 2016) doanh thu trực tiếp đã đạt hơn 1.500 tỷ đồng, doanh thu từ hoạt động dịch vụ đạt hơn 100 tỷ đồng. Chính nguồn thu này đã góp phần quan trọng trong tái đầu tư vào hoạt động bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản.

“Hội đồng trị sự đã tổ chức nhiều buổi thảo luận lấy ý kiến của con cháu nhưng mọi người đều kiến nghị xây lại lăng mộ ở vị trí cũ. Nếu địa phương vẫn cương quyết di dời, dòng tộc Nguyễn Phúc sẽ có đơn thư kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ và UNESCO”, ông Nguyễn Văn Giáp (Hội đồng trị sự dòng tộc Nguyễn Phúc) cho biết.

Nhà nghiên cứu lịch sử Dương Phước Thu, Phó chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo tỉnh Thừa Thiên - Huế nhận định: mặc dù lăng mộ này chưa được công nhận di tích nhưng xét về mặt lịch sử nó cũng là một bộ phận của di tích có giá trị lịch sử gắn với tổng thể di tích triều Nguyễn tại Huế. “Nếu nhà đầu tư biết cách phục hồi, tôn tạo lại ngôi mộ ngay tại vị trí cũ, thì không những không ảnh hưởng gì lớn đến bãi đỗ xe mà còn làm tăng giá trị của dự án. Du khách khi đến đỗ xe cũng có thể dừng chân thăm viếng mộ một phi tần của vua trước khi vào tham quan lăng Vua Tự Đức. Đây cũng là việc làm mang tính nhân văn mà người đời sẽ trân trọng”, ông Thu phân tích.

Theo PGS., TS. Đỗ Bang, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Thừa Thiên - Huế, để giải quyết “bài toán” này, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế và UBND TP Huế, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đều phải có “ứng xử phù hợp”, không chỉ về pháp lý mà còn là đạo lý, nhân văn đối với một người quá cố, một nhân vật gắn liền với một triều đại lịch sử. Ông Bang đề xuất: Về huyệt mộ phải giữ nguyên trạng, thi hài để nguyên như vậy và xây lại lăng mộ theo quy củ của thế kỷ trước, lâu dài ngôi mộ sau này có thể sẽ trở thành một điểm tham quan của di tích…

Khắc phục bất cập bảo tồn di tích

Theo các nhà nghiên cứu, vụ san ủi lăng mộ vợ Vua Tự Đức chỉ là một trong số những bất cập, lỗ hổng đang tồn tại trong công tác quản lý, bảo tồn di tích. Việc phát triển du lịch, hệ thống hạ tầng cơ sở phục vụ tham quan quần thể di tích Cố đô Huế đang đặt ra những vấn đề tác động đến tự nhiên, cảnh quan, thậm chí cả những xâm hại vào di tích… Kết quả đánh giá của những nhà nghiên cứu, khi còn nguyên vẹn thì quần thể di tích Cố đô Huế có khoảng hơn 1.400 kiến trúc lớn, nhỏ nhưng sau chiến tranh chỉ còn chưa đến 400 công trình. Hầu hết các công trình này đều trong tình trạng đổ nát. Tác động của chiến tranh cũng khiến người ta không còn quan tâm, mặn mà với các di sản nữa.

Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế cho biết: theo phân cấp quản lý, trung tâm được giao quản lý lăng tẩm các chúa Nguyễn, vua Nguyễn gắn liền với khu vực di tích đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới. Những năm qua, trung tâm cũng đã nỗ lực bảo vệ, trùng tu các lăng tẩm của vua, chúa Nguyễn và một số lăng vợ vua.

Đến nay, về mặt tổng thể, di tích Cố đô Huế đã thoát khỏi tình trạng phải cứu nguy khẩn cấp. Hoạt động bảo tồn và phát triển di tích Cố đô Huế đã đạt được những thành tựu nhất định. Tổng kinh phí tu bổ di tích Cố đô Huế từ năm 1996 - 2014 là gần 1.187 tỷ đồng. Riêng năm 2017, nguồn kinh phí này đạt 177 tỷ đồng. Nhiều công trình quan trọng tại quần thể di tích Cố đô Huế được bảo tồn, phục hồi, trả lại giá trị vốn có. Các di tích đã được tu bổ đều đảm bảo các nguyên tắc khoa học về bảo tồn của quốc gia, thỏa mãn các điều luật của Hiến chương, Công ước Quốc tế mà Chính phủ Việt Nam đã công nhận và tham gia.

Ông Hải cho biết: Để khắc phục bất cập trong công tác quản lý lăng mộ, sắp tới trung tâm sẽ cùng một số nhà nghiên cứu và Hội đồng trị sự dòng tộc Nguyễn Phúc khảo sát, kiểm kê, đánh giá toàn bộ số lăng mộ hoàng tộc, từ đó lập bản đồ số hóa và đề xuất lên tỉnh, Bộ VH,TT&DL giải pháp phân cấp quản lý, bảo tồn phù hợp.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.