Chuyện ca sỹ Hoàng Bách xưng hô “mày, tao” với con và bà nội những ngày qua nhận nhiều chỉ trích từ dư luận. Dù ca sỹ này giải thích đây là một trò chơi, một ngày không quá 15 phút nhưng nhiều người vẫn không thể chấp nhận.
Có lẽ sẽ bớt bức xúc hơn nếu nhìn nhận câu chuyện này dưới góc độ bố mẹ muốn dạy con tâm thế bình đẳng, vượt qua sự sợ hãi và mặt trái vốn lắm trói buộc của lễ giáo truyền thống “trên bảo dưới phải nghe” bằng cách khuyến khích con xưng hô ngang hàng.
Tôi biết nhiều gia đình bạn bè, bố mẹ xưng cậu, tớ, tôi, đằng ấy và rất nhiều cách xưng hô thú vị, phù hợp khác trong từng hoàn cảnh để nói chuyện với con mình.
Phần lớn những gia đình ấy, cha mẹ đều trí thức, quan tâm đến giáo dục.
Con cái họ sau này thành đạt cả, có hiếu theo quan niệm truyền thống hay không thì phải tiếp tục phân tích mổ xẻ, nhưng tất cả đều rất yêu bố mẹ.
Quay trở lại chuyện dạy con trẻ mà ca sỹ Hoàng Bách đang phải hứng chịu phản ứng khá dữ dội của dư luận, dạy con cách sống tự tin trước người lớn tuổi, cha mẹ với con cái cư xử tôn trọng hai chiều bình đẳng là một mong muốn đúng đắn của người làm cha mẹ.
Nhưng cách giáo dục này phải xuyên suốt trong sinh hoạt của gia đình, chứ không chỉ bằng một cách xưng hô. Thậm chí không nhất thiết chỉ là dăm phút mỗi ngày như một trò chơi, như ca sỹ phân trần khi bị chỉ trích.
Trong vô số các kiểu thể loại từ ngữ xưng hô, Hoàng Bách chọn sai, trúng ngay vào cách xưng hô tục tằn, xuồng xã nhất là “mày-tao”. Giả sử, ca sỹ này cùng con xưng “cậu-tớ”, chắc chả nên chuyện.
Một ca sỹ kiêm nhạc sỹ có tài năng, từng sáng tác nhiều bài hát hay, giỏi tung hứng với câu chữ, sự lựa chọn sai này thật khó giải thích và rất không nên.
Hiện đang có hai luồng thông tin phân tích vụ việc này, đều chưa được kiểm chứng. Một cho rằng, đây có thể là chiêu tạo scandal để truyền thông cho một ban nhạc và đánh bóng lại một tên tuổi đang lo sợ bị lãng quên? Một cho rằng, Hoàng Bách đang phải điều trị về căn bệnh liên quan đến tâm lý và trầm cảm, cộng với tính cách nghệ sỹ, nên cần lắm một cái nhìn bao dung hơn của công chúng. Dù giải thích cách nào đi nữa cũng khó thuyết phục dư luận.
Người Việt vốn trọng tình hơn trọng lý, “một trăm cái lý không bằng một tý cái tình”. Tiếng Việt, nhất là ma trận đại từ nhân xưng lại càng thể hiện tính cách dân tộc này. Đi giao tiếp, đến cơ quan, công sở gặp sếp, chào như thế nào, xưng ra sao cho đúng, lại gây được thiện cảm quả là đánh đố người ta.
Nhà báo phỏng vấn nhà sư, gọi “thầy” cũng phù hợp nhưng phải xưng tôi mới đúng mực, tại sao nhiều người lại xưng “con” và vẫn đăng trên các tờ báo hàng ngày?
Từng từ ngữ xưng hô trong tiếng Việt đều đi kèm màu sắc biểu cảm, ý tứ diễn đạt của riêng nó, thậm chí, qua cách xưng hô còn thể hiện cả nhân cách, tâm thế người nói.
Nếu dễ dãi, qua loa, “mày tao chí tớ”, trong mọi quan hệ, không phải bạn đang chứng minh sự bình đẳng với người khác mà bạn đang thể hiện văn hóa “lạc loài” của chính mình.
Nếu muốn dạy con thoát khỏi những trói buộc trong tư duy phân biệt bề trên - bề dưới, trước hết hãy dạy con nhân cách, bản lĩnh để khẳng định chính mình chứ không phải là đảo lộn ngôi thứ. “Mày - tao” với con mà giúp con nên người, như thế thì dễ quá.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận