Đường bộ

Sắp khai thác cát biển làm cao tốc

23/04/2024, 06:30

Theo kế hoạch, nếu các thủ tục, quy trình hoàn tất trong tháng 4, đến tháng 5/2024, các nhà thầu sẽ bắt đầu khai thác cát biển tại Sóc Trăng cung cấp lượng cát san lấp cho các dự án cao tốc trong khu vực.

Việc khai thác cát biển có ý nghĩa rất quan trọng trong bối cảnh cao tốc Bắc - Nam đang rất thiếu nguồn cát đắp.

Sớm hoàn tất thủ tục giao mỏ

Đầu tháng 4 vừa qua, UBND tỉnh Sóc Trăng có buổi làm việc với Ban quản lý dự án Mỹ Thuận về thủ tục giao mỏ cát biển phục vụ dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau.

Sắp khai thác cát biển làm cao tốc- Ảnh 1.

Khu vực ven cửa biển Trần Đề (thuộc huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng), nơi dự kiến khai thác cát biển phục vụ dự án cao tốc.

Tại buổi làm việc, Ban quản lý dự án Mỹ Thuận và nhà thầu thi công đã chia sẻ về những vấn đề cần phối hợp, hỗ trợ liên quan đến nguồn cát biển.

Ban quản lý dự án Mỹ Thuận cho biết, đã có văn bản giới thiệu Công ty CP Đầu tư xây dựng và Kỹ thuật VNCN E&C là đơn vị đầu mối thay mặt các nhà thầu thi công dự án để làm việc với địa phương thực hiện các thủ tục cấp quyền khai thác theo quy định.

Nhà thầu VNCN E&C có văn bản báo cáo phương án và đã thực hiện khảo sát địa hình, địa chất trên diện tích 100ha tại khu B1 tỉnh Sóc Trăng với trữ lượng cát ước tính sơ bộ khoảng 3-3,5 triệu m3. Nếu các thủ tục, quy trình hoàn tất trong tháng 4, đến tháng 5/2024, các nhà thầu sẽ bắt đầu khai thác.

Ngày 22/4, trao đổi với Báo Giao thông, ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết, tỉnh vẫn đang xin ý kiến bộ, ngành Trung ương sớm hoàn tất các thủ tục để giao mỏ cho nhà thầu khai thác phục vụ dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau. "Chúng tôi chưa chắc các nhà thầu có thể khai thác vào đầu tháng 5 như dự kiến hay không", ông Lâu nói.

Trong khi đó, ông Lê Đức Tuân, Phó giám đốc Ban quản lý dự án Mỹ Thuận thông tin, nhà thầu đã triển khai lập hồ sơ đăng ký khu vực, công suất, khối lượng, phương pháp, thiết bị và kế hoạch khai thác khoáng sản trình Sở TN&MT tỉnh Sóc Trăng để lấy ý kiến Bộ TN&MT về thẩm quyền cấp mỏ.

"Đến nay, tỉnh Sóc Trăng đang trong giai đoạn xử lý hồ sơ thủ tục giao mỏ", ông Tuân cho hay.

Cát biển được khai thác, vận chuyển thế nào?

Theo Bộ TN&MT, đến nay, dự án đã hoàn thành báo cáo kết quả đánh giá tài nguyên cát biển khu B1 tỉnh Sóc Trăng. Cụ thể, khoanh định được thân khoáng cát biển có diện tích 160,3km2. Tài nguyên khoáng sản cát biển làm vật liệu san lấp đạt 680 triệu m3, phân bố tại khu vực biển độ sâu 2-5m, cách bờ (cửa Định An tính đến biển gần nhất) 20km, có điều kiện khai thác khả thi. Độ sâu khai thác từ 3-4m.

Sắp khai thác cát biển làm cao tốc- Ảnh 2.

Hiện, công suất khai thác mỏ cát sông tại Đồng Tháp, An Giang, Vĩnh Long vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thi công cao tốc Cần Thơ - Cà Mau.

Kết quả đánh giá tài nguyên khoáng sản cát biển khu B1 (thuộc khu vực ven bờ huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng) cũng cho thấy, phương pháp và thiết bị khai thác cát bằng cách sử dụng tàu xén thổi tự hành công suất nhỏ hơn hoặc bằng 100.000 m3/ngày.

Chiều sâu hút cát thấp hơn 10m, hút cát đổ lên sà lan và vận chuyển vào bờ theo tuyến luồng Định An. Sau đó, vận chuyển bằng sà lan tải trọng 2.000-3.000m3 vào khu vực tập kết.

"Tổng lượng cát khai thác 100 triệu m3, công suất khai thác khoảng 30.000-50.000 m3/ngày. Thời gian khai thác liên tục trong 10 ngày và phù hợp nhất từ tháng 3 đến tháng 8 hằng năm", báo cáo kết quả đánh giá tài nguyên khoáng sản cát biển khu B1 nêu.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Trần Phương, Phó cục trưởng Cục Khoáng sản Việt Nam cho biết, quy trình cấp phép khai thác cát biển làm đường cao tốc cũng giống như cát sông, nằm trong cơ chế đặc thù Quốc hội đã ban hành. Bộ cũng có văn bản trả lời các địa phương về việc này.

Trong khi đó, ông Đàm Đức Biên, Cục trưởng Cục Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng) thông tin, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ GTVT xây dựng tiêu chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật. Sau khi Bộ GTVT xây dựng xong, Bộ Xây dựng sẽ cho ý kiến.

Cao tốc không lo thiếu cát khi có cát biển

Ông Nguyễn Thế Minh, Phó cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ GTVT) cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tính đến nay, ba địa phương Đồng Tháp, An Giang, Vĩnh Long đã cấp phép khoảng hơn 16 triệu m3 cát cho hai dự án thành phần đoạn Cần Thơ – Cà Mau trên tổng nhu cầu 18,5 triệu m3.

Cùng với các mỏ ở tỉnh Đồng Tháp đã được đưa vào khai thác từ lâu, theo kế hoạch, trong tháng 4/2024, toàn bộ các mỏ cát sông trên địa bàn tỉnh An Giang, Vĩnh Long sẽ được khai thác, phục vụ dự án. Mặc dù vậy, công suất khai thác mỏ cát sông ở cả ba địa phương hiện vẫn chưa đáp ứng yêu cầu.

Hiện, bên cạnh việc đánh giá tác động môi trường, nghiên cứu nâng công suất các mỏ cát đã được cấp phép ở Đồng Tháp lên 30-60%, thủ tục triển khai mỏ cát biển đang được Sóc Trăng đẩy nhanh với công suất khai thác có thể đạt đến 40.000-50.000 m3/ngày.

Trên cơ sở tính toán, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận đang đăng ký khối lượng khai thác cát biển khoảng 6-7 triệu m3, kết hợp với nguồn cát sông, nhu cầu vật liệu cho dự án cơ bản đáp ứng.

Báo cáo kết quả sử dụng vật liệu cát biển đắp nền đường, Bộ GTVT cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành triển khai thí điểm sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường trên phạm vi đoạn tuyến hoàn trả ĐT.978 thuộc dự án đoạn Hậu Giang - Cà Mau.

Trải qua quá trình theo dõi, đánh giá kỹ lưỡng về chất lượng và các tác động đối với môi trường xung quanh, quá trình thi công và khai thác từ tháng 4/2023-12/2023, kết quả cho thấy cát biển sử dụng cho đoạn thí điểm có chỉ tiêu cơ lý đáp ứng yêu cầu vật liệu đắp nền đường theo tiêu chuẩn thiết kế thi công và nghiệm thu nền đường.

Bộ TN&MT cũng triển khai thực hiện dự án "Đánh giá tài nguyên khoáng sản, phục vụ khai thác cát biển, đáp ứng nhu cầu san lấp các dự án đường cao tốc và hạ tầng giao thông, đô thị vùng Đồng bằng sông Cửu Long". Kết quả cho thấy, diện tích khu B1 thuộc tỉnh Sóc Trăng đủ điều kiện khai thác.

Bộ GTVT cũng đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thí điểm sử dụng cát biển làm vật liệu san lấp. Trên cơ sở chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Bộ GTVT đã đề nghị chủ đầu tư triển khai thí điểm mở rộng tại dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Hậu Giang - Cà Mau. Đồng thời, thông báo tới các địa phương kết quả đánh giá việc sử dụng cát biển, đề nghị căn cứ nhu cầu, điều kiện thực tế triển khai dự án của địa phương để thí điểm mở rộng sử dụng cát biển làm nền đường.

Bộ TN&MT cũng đã hướng dẫn các địa phương. Trên cơ sở đó, tỉnh Sóc Trăng đã cho phép nhà thầu triển khai thủ tục khảo sát mỏ để làm cơ sở khai thác, cung cấp cho dự án đoạn Cần Thơ - Cà Mau.

Trong năm 2023, để giải quyết bài toán thiếu hụt nguồn cát sông phục vụ cho các dự án cao tốc Bắc - Nam, đồng thời nghiên cứu thí điểm dùng cát biển thay thế cát sông, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép các đơn vị liên quan thử nghiệm dùng cát biển đắp đường.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Ban quản lý dự án Mỹ Thuận đã thí điểm sử dụng cát biển cho dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Hậu Giang - Cà Mau. Tỉnh Trà Vinh đã cấp phép cho doanh nghiệp khai thác cát biển với khối lượng trên 1 triệu m3 để triển khai thí điểm.

Dự án được nghiên cứu thí điểm là một đoạn đường hoàn trả dài khoảng 300m của tỉnh lộ 978 tại lý trình Km 79+820 dự án Hậu Giang - Cà Mau, thuộc địa phận huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu. Sau thời gian thí điểm và tiến hành quan trắc kể từ cuối tháng 3/2023, đến nay kết quả bước đầu cho thấy các chỉ tiêu cơ lý của mẫu cát biển cơ bản đáp ứng yêu cầu.

Ngày 25/12/2023, Bộ TN&MT đã chuyển giao kết quả dự án "Đánh giá tài nguyên khoáng sản, phục vụ khai thác cát biển, đáp ứng nhu cầu san lấp các dự án đường cao tốc và hạ tầng giao thông, đô thị vùng Đồng bằng sông Cửu Long" cho tỉnh Sóc Trăng.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.