Ảnh hiện trường vụ sập lan can trường tiểu học ở Bắc Ninh và nơi các nạn nhân được điều trị. |
Liên quan đến vụ sập lan can trường tiểu học Văn Môn, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh vào chiều ngày 11/12 khiến 16 học sinh bị thương, trong đó có 13 em phải nhập viện cấp cứu. Dư luận bất ngờ xôn xao và đặt nhiều câu hỏi về sự an toàn của các công trình xây dựng tại trường học, mà cụ thể ở đây là độ an toàn của lan can tầng 2 trường tiểu học Văn Môn.
Chia sẻ với Báo Giao thông, anh Trần Ngọc Long - một kiến trúc sư đã có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế xây dựng trường học cho biết đã đọc các thông tin trên các báo đưa về vụ việc này, tuy nhiên mọi đánh giá chính xác vẫn phải chờ vào kết luận cuối cùng của cơ quan điều tra. Tuy nhiên, dưới góc độ chuyên môn và làm nghề nhiều năm, anh Long cho rằng, đối với các lan can được thiết kế theo quy chuẩn phải có sắt chờ, dầm thép đâm vào cột, phần tay vịn sẽ liên kết với những phần này một cách chắc chắn.
Anh Long cũng nhớ lại từng chứng kiến một vụ sập lan can tại một trường học ở Sơn La và nguyên nhân là do không có dầm thép đâm vào cột.
"Nếu trong một thời gian dài sử dụng mà công trình không dược duy tu, bảo dưỡng, với số lượng đông các cháu học sinh nô đùa, chạy nhảy như vậy cùng một lúc thì việc sập lan can hoàn toàn có thể xảy ra do kết cấu bên trong đã xuống cấp, không thể chịu được lực!" - anh Long nhấn mạnh.
Anh Long cũng chia sẻ, đối với quy trình bảo trì, nhất là các hạng mục quan trọng ở tại vị trí nguy hiểm, cứ 5 năm phải bảo trì, bảo dưỡng một lần. "Đối với trường hợp ngôi trường này từ năm 1995 cho tới nay liệu có được bảo trì lần nào hay chưa mà để dẫn đến tai nạn đáng tiếc như vậy, tôi nghĩ cơ quan chức năng sẽ phải làm rõ để đưa ra những đánh giá chính xác!" - anh Long nói.
Ngoài ra, vị kiến trúc sư này cũng nhận định, ngay cả khi lan can được xây đúng quy chuẩn cũng không tránh khỏi việc sức nặng của hàng chục con người tác động cùng một lúc dẫn đến đổ sập.
Nhiều độc giả cũng gửi câu hỏi thắc mắc về trách nhiệm của những người có liên quan khi để tai nạn xảy ra đối với các em học sinh, Luật sư Trần Tuấn Anh - Giám đốc Công ty luật Minh Bạch cho hay, câu chuyện về sự cố, tai nạn của các công trình xây dựng thường sẽ có rất nhiều các bên liên quan phải cùng chịu trách nhiệm, tuy nhiên, cụ thể rõ ràng nhất ở đây người chịu trách nhiệm đầu tiên sẽ phải là lãnh đạo nhà trường, bởi là chủ sở hữu của công trình xảy ra tai nạn.
"Khi các bậc phụ huynh gửi gắm con em mình học tại đây, nhà trường đã phải có trách nhiệm đảm bảo tính mạng, sức khỏe và tài sản của các em!" - ông Tuấn Anh nhấn mạnh.
Luật sư Tuấn Anh nhận định, mọi kết luận cuối cùng để xử phạt hành chính hay xử lý hình sự vẫn phải chờ kết quả của cơ quan điều tra, nhưng ban đầu có thể nhận thấy hành vi thiếu trách nhiệm của lãnh đạo nhà trường. "Tuy nhiên, cũng không loại trừ việc lãnh đạo nhà trường đã có những đề xuất xin được bảo trì, nâng cấp trường mới nhưng lại chưa được cấp trên phê duyệt và từ đó để xảy ra hậu quả nghiêm trọng, nếu vậy cơ quan chức năng cần làm rõ để từ đó xử lý nghiêm những cấp trên có liên quan!" - ông Tuấn Anh bày tỏ quan điểm.
Về chi tiết, công an huyện Yên Phong cho biết 13 cháu học sinh chơi trò đuổi bắt cắn nhau rồi chạy dồn vào khu vực lan can. Lan can này xuống cấp lâu ngày nên đã sập đổ, khiến các cháu rơi xuống sân tầng 1, luật sư Tuấn Anh cho rằng, nếu nguyên nhân xảy ra tai nạn là lỗi một phần do các cháu học sinh, cũng chỉ có thể giảm nhẹ một phần trách nhiệm cho những người có liên quan.
"Thực chất nhà trường phải hiểu rõ việc giáo dục, định hướng và tuyên truyền cho các em hiểu về sự thiếu an toàn khi vui chơi tại các khu vực nguy hiểm, đồng thời bản thân nhà trường khi nhận thấy sự nguy hiểm phải nhanh chóng có biện pháp khắc phục, chứ không thể dựa vào đây để đổ lỗi hoàn toàn cho các em được!" - ông Tuấn Anh chia sẻ.
Trước đó, như Báo Giao thông đã đưa tin, chiều 11/12, vào đầu giờ học, tại Trường Tiểu học Văn Môn, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh xảy ra vụ việc sập lan can tầng 2, khiến 16 học sinh bị thương, trong đó có 13 em phải nhập viện cấp cứu. Có 8 học sinh bị nặng hơn đã được chuyển lên cấp cứu tại Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức (Hà Nội), còn lại đang điều trị Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh và và Bệnh viện Đa khoa huyện Yên Phong.
Sau khi nhận được thông tin, đại diện Sở GD&ĐT tỉnh Bắc Ninh, UBND huyện Yên Phong, lực lượng công an đã nhanh chóng đến bảo vệ, khám nghiệm hiện trường, điều tra làm rõ nguyên nhân vụ việc; đồng thời cử đoàn công tác đến các bệnh viện thăm hỏi, hỗ trợ và túc trực chăm sóc bệnh nhân.
Được biết, khu lớp học hai tầng nơi xảy ra sự cố sập lan can trường học khiến 16 học sinh bị thương ở trường tiểu học Văn Môn được xây dựng từ năm 1995, đang trong quá trình xuống cấp.
Danh tính 16 học sinh gặp nạn được xác định là: Đặng Đình Kh., Vương Quốc A., Trương Đức Ph., Nguyễn Bắc L., Bùi Đức T., Nguyễn Q.C., Nguyễn Hải H., Nguyễn Gia H., Nghiêm Minh Q., Nghiêm Văn Kh., Nguyễn Tấn D., Đặng Trần P., Nguyễn Công T., Nguyễn Đại L. cùng sinh năm 2007 và là học sinh lớp 5C; Nguyễn Ngọc Th. học lớp 5G và Nguyễn Việt A. (SN 2010) lớp 2E.
Xem thêm video:
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận