Tại Hội thảo lấy ý kiến góp ý dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Nghị quyết của Chính phủ về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021 do Bộ Nội vụ tổ chức, đại diện của rất nhiều địa phương đồng loạt than khó trong việc sắp xếp cán bộ dôi dư sau sáp nhập.
Nhập 3 xã thành 1, có 3 ông Chủ tịch trẻ, chọn ai?
Ông Vũ Văn Yên, Phó giám đốc Sở Nội vụ Bắc Kạn cho biết địa phương có 23 đơn vị cấp xã dưới tiêu chuẩn cả về diện tích và dân số, thuộc diện phải sắp xếp.
Ông nêu thực tế sau sắp xếp giai đoạn trước, tỉnh dư thừa 500 cán bộ công chức xã, vì thế, việc sắp xếp chắc chắn có khó khăn. Ông cũng cho biết tỉnh có thể ưu tiên sắp xếp cán bộ xã đủ điều kiện để chuyển thành công chức cấp huyện trở lên, nhưng cơ bản các phòng, ban ở huyện, tỉnh đã đủ số cán bộ rồi, thiếu không nhiều, mỗi lần cũng chỉ xét chuyển được 5, 10 công chức.
Ông Nguyễn Trọng Nam – Phó Giám đốc sở Nội vụ Bắc Giang cũng thừa nhận cái khó nhất khi sáp nhập chính là công tác cán bộ.
Về việc tăng số lượng cấp phó, ông Nam cho rằng đối với cán bộ cấp chính quyền, Chủ tịch, Bí thư, Phó bí thư thì dễ xử lý nhưng với các đoàn thể (có 5 đoàn thể) có cán bộ chuyên trách, nếu sáp nhập 2 xã sẽ có 10 người trưởng, cho 5 ông xuống phó không chuyên trách thì không đúng vì họ đang là cán bộ chuyên trách. Vì thế, cần có hướng cho 5 cán bộ này chuyển thành công chức.
Ông cũng cho rằng, công chức cấp xã lựa chọn đều qua thi tuyển, có trình độ đại học trở lên, vì vậy việc chuyển lên làm công chức cấp huyện là bình thường, không nên để khoảng cách ở đây.
Tuy nhiên, có vấn đề cấp huyện cũng đang thực hiện tinh giản biên chế nên cũng không còn mấy biên chế, thì đó là vấn đề khó, nhưng có thể làm được. “Ví dụ, có thể sắp xếp người có năng lực hơn, còn vận động người có năng lực trình độ thấp hơn nghỉ và có chế độ chính sách để động viên họ, như vậy thì sẽ làm được”- ông Nam gợi ý.
Ông Dương Bá Thành - hàm Vụ trưởng Văn phòng Trung ương cũng lưu ý, công tác cán bộ phải đảm bảo sự thống nhất chung về chế độ chính sách, tránh trường hợp vừa rồi dôi dư ra thì có nơi phụ cấp trách nhiệm được hưởng hết nhiệm kỳ, có nơi không được. Vì thế, cần có chế độ thống nhất chung trong cả nước, không để mỗi tỉnh, mỗi ban thường vụ tỉnh ủy quyết khác nhau ảnh hưởng đến tâm tư, động lực của cán bộ.
Phó giám đốc Sở Nội vụ Hoà Bình Bùi Duy Phương cho biết tỉnh có 5 huyện chưa đạt 50% 1 trong 2 tiêu chuẩn; 1 huyện chưa đạt 50% cả 2 tiêu chuẩn về dân số và diện tích tự nhiên. Với cấp xã, có 31 xã, thị trấn chưa đạt 50% tiêu chuẩn vả 2 tiêu chuẩn diện tích và dân số.
Tỉnh đã xây dựng xong đề án và báo cáo Bộ Nội vụ xem xét. Trong đề án, tỉnh dự kiến sáp nhập, điều chỉnh địa giới huyện Kỳ Sơn vào TP Hoà Bình.
Sau khi thực hiện, Hoà Bình còn 10 đơn vị hành chính cấp huyện gốm 1 thành phố và 9 huyện. Đối với cấp xã, tỉnh dự kiến giảm 59 đơn vị và còn 151 đơn vị hành chính cấp xã.
Góp ý dự thảo, ông Phương đề cập đến quy định đảm bảo mức hỗ trợ cho cán bộ công chức, người lao động hưởng phụ cấp do HĐND các cấp hỗ trợ thêm và có nghị quyết. Ông đề nghị Nghị quyết nên quy định khung thống nhất theo vùng tương đồng về kinh tế xã hội để địa phương dễ làm.
Nếu giao cho địa phương quy định thì những nơi có điều kiện ngân sách cao hơn chắc chắn hỗ trợ cao hơn khiến cán bộ, công chức phải nghỉ những nơi không có điều kiện sẽ tâm tư, suy nghĩ.
Về số lượng cấp phó khi sắp xếp lại có thể 3 xã thành 1 xã, như ở Hoà Bình có trường hợp sáp nhập 3 xã thành 1 thì có 3 ông chủ tịch còn trẻ và rất nhiều cấp phó, số lượng lãnh đạo dôi dư rất nhiều nên cần có chính sách phù hợp.
Nhập vào mà biên chế vẫn thế thì thà rằng… để nguyên
Ông Nguyễn Ngọc Định, Phó giám đốc Sở Nội vụ Cao Bằng cho biết địa phương có 199 xã phường, thị trấn, trong đó có 75 đơn vị hành chính cấp xã không đủ cả 2 tiêu chuẩn, 3/11 đơn vị hành chính cấp huyện huyện không đủ cả 2 tiêu chuẩn.
Theo ông, việc quy định sau 5 năm phải sắp xếp lại biên chế và chức danh theo đúng quy định sẽ khó khăn cho địa phương, vì số lượng cán bộ công chức cấp xã dôi dư sau khi sắp xếp rất lớn.
“Tính đến thời điểm hiện nay, Cao Bằng có 1.540 cán bộ, công chức cấp xã, sau sắp xếp giảm 41 đơn vị cấp xã dôi dư khoảng 840 người. Trong số này dự kiến nghỉ hưu đúng tuổi có 163 người. Cao Bằng được Chính phủ hỗ trợ chuẩn hoá cán bộ cấp xã nên hầu hết cán bộ cấp xã đều có trình độ chuyên môn, nghiện vụ và toàn cán bộ trẻ. Cán bộ cấp xã trẻ hơn cấp huyện, tỉnh. Vì vậy chúng tôi đề nghị nghiên cứu và có hướng dẫn cụ thể về việc này”- ông Định kiến nghị.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn giải thích, nguyên tắc khi sắp xếp thực hiện theo quy định hiện hành nhưng để đảm bảo ổn định đề án có ghi các chức danh lãnh đạo, đội ngũ cán bộ bằng tổng số sáp nhập lại nhưng trong 5 năm phải đưa về đúng quy định.
Ông Tuấn cũng gợi ý việc điều chuyển những lãnh đạo dôi dư đi những nơi có yêu cầu.
Theo ông, trong đề án đảm bảo thực hiện theo chủ trương của Đảng và có thời hạn đảm bảo ổn định. Nếu không theo thời gian 5 năm này và giải quyết chế độ chính sách luôn khi sắp xếp thì cũng là một hướng. “Nếu tỉnh nào mạnh dạn sắp xếp cán bộ đúng luôn với quy định hiện hành thì chúng tôi khuyến khích, chỉ sợ các tỉnh không làm được. Nếu làm luôn thì quá là tốt” – ông Tuấn nói.
Ông Trần Hồng Hà, Thường trực Uỷ ban Pháp luật nêu quan điểm, đã nói sắp xếp để bảo đảm gọn nhẹ lại thì đi đôi với đó là phải giảm được tổ chức bộ máy, giảm được biên chế. Nếu cứ nhập cơ học hai, ba xã vào đơn vị hành chính cấp, cán bộ biên chế vẫn thế thì thà rằng cứ “để nguyên”.
Theo ông Hà, hiện nay bộ máy rất cồng kềnh, biên chế quá lớn. Đây là hai vấn đề người dân quan tâm, làm sao phải giảm được biên chế là mục tiêu lớn nhất. Nhưng nhập lại, giảm ngay thì rất khó trong bối cảnh hiện nay.
Ông phân tích, nhập lại chắc chắn có dôi dư về lãnh đạo, dôi dư về biên chế nên cần phải mạnh dạn, quyết liệt. Cán bộ nào sắp đến tuổi nghỉ hưu thì cho nghỉ hưu trước tuổi. Các địa phương phải báo cáo về số lượng dôi dư trong đề án và trong những năm đó, Bộ Nội vụ không được cho tuyển thêm và sẽ điều chỉnh ở những đơn vị hành chính cùng cấp. Ví dụ, cấp huyện ở không có sáp nhập, sắp xếp nhưng có cán bộ về hưu thì chúng ta điều chuyển sang. Cấp xã cũng như vậy.
“Bây giờ để đến 5 năm thì thời gian quá dài. Nên rút xuống còn 3 năm, sau 3 năm phải bảo đảm số lượng biên chế và lãnh đạo theo quy định” – ông Hà góp ý.
Ông dẫn chứng Thường vụ Quốc hội vừa ban hành Nghị quyết nhập 3 văn phòng, cũng cho mức thời hạn 3 năm.
Nêu thêm quan điểm cá nhân, ông Hà cho rằng riêng ở cấp xã cần có chủ trương bí thư, chủ tịch, thậm chí là một số cán bộ chuyên trách cấp xã (như đất đai, tài chính, tư pháp…) không nên là người ở xã đó vì rất khó làm việc khi liên quan đến họ hàng, làng mạc, thôn xóm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận