Dịch Covid-19 đã khiến gần 1 triệu người trên thế giới tử vong, đó là điều ai cũng biết. Tuy nhiên, hệ lụy mà nó gây ra không chỉ có vậy, bởi có những người không chết vì mắc Covid-19, mà lại tự tìm đến cái chết vì nguyên nhân bắt nguồn từ đại dịch.
Những con số biết nói
Chỉ vài ngày trước, Hàn Quốc - nơi giới chức và xã hội luôn đau đầu vì vấn nạn tự sát, đã không khỏi giật mình trước kết quả nghiên cứu do Trung tâm Phòng tránh Tự sát quốc gia công bố.
Theo quan chức cấp cao của trung tâm, số lượng thiếu nữ, phụ nữ trẻ tự kết liễu cuộc đời tăng nhanh hơn nam giới trong cùng độ tuổi. Một trong những nguyên nhân chính tác động tới xu hướng này là do các vấn đề kinh tế - xã hội phát sinh từ dịch bệnh Covid-19.
Trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 6 năm nay, tại Hàn Quốc có 1.924 thiếu nữ và phụ nữ trẻ tự kết liễu đời mình, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhà nghiên cứu Jang Soong-nang, Giáo sư tại Đại học Điều dưỡng Chữ Thập đỏ nhận định, những con số “biết nói” cho thấy, đại dịch đã là những nguyên nhân cố hữu khiến phụ nữ Hàn tự sát (như luôn bị coi là lực lượng lao động lương thấp, không chính thức, bị lạm dụng trong mối quan hệ…) thêm trầm trọng hơn.
Tại Mỹ, giới chuyên gia cùng nhiều cơ quan liên bang cũng cảnh báo về một làn sóng các vấn đề sức khỏe tinh thần nghiêm trọng nhất trong lịch sử đang ập tới bao gồm: Trầm cảm, lạm dụng thuốc, rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD) và tự sát.
Khảo sát từ Tổ chức Nền tảng Gia đình Kaiser chỉ ra, gần một nửa người dân Mỹ được hỏi thừa nhận, tinh thần suy giảm vì khủng hoảng Covid-19. Đường dây nóng liên bang dành cho những người mất cân bằng tâm lý đã chứng kiến số lượng cuộc gọi tăng 1.000% vào tháng 4, so với cùng kỳ năm ngoái.
Tấn công vào người nghèo, người bị áp lực
Bản thân virus không gây ra vấn đề về tâm lý, tinh thần mà là cách nó tác động đến kinh tế - xã hội, buộc cả thế giới phải thay đổi cách vận hành, tạm thời đóng cửa trường học, hạn chế đi lại, giao thương, đặc biệt đẩy tỉ lệ doanh nghiệp phá sản, thất nghiệp tăng cao… Những người càng có thu nhập thấp vì Covid-19 có xu hướng tâm lý tiêu cực nặng hơn.
Tiến sĩ Marianne Goodman, nhà tâm lý học tại Khoa Vấn đề cựu binh ở Bronx, New York, Mỹ nhận định: “Xu hướng trầm cảm, nảy sinh từ suy nghĩ đến hành động tự sát sẽ tăng nếu tình trạng kinh tế bị tác động kéo dài”.
Ngoài vấn đề kinh tế, sự khắc nghiệt, mức độ lây lan trên diện rộng, khó kiểm soát của dịch bệnh, vượt ra ngoài điều kiện trang thiết bị của bệnh viện, cũng tạo nên áp lực và tâm lý với một bộ phận không nhỏ những nhân viên y tế tuyến đầu, gia đình của họ cũng như thân nhân của những bệnh nhân qua đời vì nhiễm virus…
Vụ tự sát của 2 nhân viên chăm sóc sức khỏe của New York (Mỹ) mới đây một lần nữa cho thấy rõ hơn xu hướng tự sát, đặc biệt trong nhóm những người đang ngày đêm trực tiếp đối mặt với dịch bệnh.
Theo đó, cô Lorna Breen, một bác sĩ phòng cấp cứu hàng đầu tại New York đã trải qua hàng tuần liền căng mình làm nhiệm vụ với cường độ cực cao, chứng kiến hàng nghìn bệnh nhân nhiễm virus Covid-19 cấp cứu tới viện, đôi khi có những trường hợp tử vong trước khi đưa xuống xe.
Dù trước đây nữ nhân viên y tế này không có tiền sử bệnh tâm lý nhưng sau khi đối mặt với áp lực dịch bệnh dồn dập và dữ dội, cô đã rơi vào khủng hoảng đến mức không thể vượt qua và dẫn tới tự sát. Chỉ vài ngày sau, New York tiếp tục nhận thêm thông tin một kỹ thuật viên y tế khẩn cấp tại Bronx tự kết liễu đời mình.
Giải pháp đặc biệt tại Nhật
Thừa nhận mức độ nghiêm trọng của thực trạng bất ổn tâm lý xã hội vì dịch bệnh, Liên hợp quốc đã công bố danh sách một số lựa chọn để các quốc gia giải quyết vấn đề tâm lý cộng đồng chung hoặc một số nhóm người đặc biệt, có nguy cơ cao.
Các đề xuất bao gồm: Đưa vấn đề sức khỏe tâm lý vào chiến lược phản ứng quốc gia; tăng cường tiếp cận, giải quyết sức khỏe tinh thần thông qua hình thức khám chữa bệnh, tư vấn từ xa…
Chính phủ nhiều nước phát triển như Hàn Quốc và Mỹ đã dành một khoản ngân sách, thành lập những trung tâm tư vấn tâm lý cho người dân liên quan đến dịch bệnh qua nhiều hình thức trực tuyến: Đường dây nóng, trang web…
Tại Nhật Bản, một quốc gia vốn đau đầu vì vấn nạn tự sát nhưng tỉ lệ này lại giảm tới 20% theo thống kê vào tháng 4 - thời điểm dịch bệnh vẫn hoàn hành. Một phần là do chính phủ đã kịp thời thay đổi chiến lược, kiểm soát dịch bệnh dù ban đầu phản ứng hơi chậm. Ngoài các biện pháp hỗ trợ kinh tế, chính quyền Tokyo cũng đặc biệt thực hiện nhiều biện pháp xoa dịu tâm lý người dân, trong đó có việc ủng hộ mô hình “đi làm kết hợp du lịch” (workation).
Theo kênh NHK News, Chính phủ Nhật đã thực hiện chính sách phổ biến và mở rộng mô hình “workation” trên toàn quốc, nhất là tại các khu vực suối nước nóng; hỗ trợ khách sạn, quán trọ truyền thống của Nhật (được gọi là ryokans) giảm giá dịch vụ, tăng chất lượng kết nối wifi lên mức tiêu chuẩn doanh nghiệp, cho phép người lao động có thể vừa nghỉ ngơi, vừa làm việc từ xa hiệu quả.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận