Y tế

Sau 1 giờ ăn gan cá nóc, một phụ nữ nguy kịch nhập viện cấp cứu

27/12/2022, 15:19

Các bác sĩ BV Bãi Cháy vừa cứu sống bệnh nhân ngộ độc gan cá nóc nhập viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch.

Suýt chết vì ăn gan cá nóc

Tin từ BV ĐK Bãi Cháy, mới đây bệnh nhân Chu Thị Tình (53 tuổi, trú tại phường Cao Xanh, TP Hạ Long) nhập viện cấp cứu trong tình trạng tím tái, nhịp tim chậm, suy hô hấp, được chẩn đoán ngộ độc gan cá nóc.

Theo người nhà, trước đó 1 giờ đồng hồ, bệnh nhân ăn hai miếng gan cá nóc và xuất hiện tình trạng tê nóng lưỡi, môi, tê tay chân, khó thở nên được người nhà đưa vào bệnh viện cấp cứu.

img

Bệnh nhân ngộ độc cá nóc may mắn được cứu chữa kịp thời tại BV Bãi Cháy

Trước tình trạng nguy kịch của bệnh nhân, các bác sĩ đã nhanh chóng đặt ống nội khí quản, rửa dạ dày khẩn cấp, sử dụng than hoạt, hồi sức tích cực theo phác đồ để thải độc tố nhanh chóng.

Sau 24h điều trị tích cực, may mắn bệnh nhân tỉnh táo qua cơn nguy kịch, được rút ống nội khí quản.

Nguy cơ ngộ độc cao từ cá nóc

Theo BSCKI. Trần Công Cẩn, Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc, BV Bãi Cháy, bệnh nhân Tình có biểu hiện ngộ độc cá nóc rất điển hình. Loại chất độc này tập trung nhiều ở gan, thận, tụy, cơ quan sinh sản, mắt, mang, da, máu của cá.

Độc tính gây ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thần kinh, chỉ trong vòng vài phút sau khi ăn cá nóc, bệnh nhân sẽ bị rối loạn cảm giác như tê môi, lưỡi, tay, chân, mệt mỏi, chóng mặt, choáng váng, cảm giác như nghẹt thắt lồng ngực...

Trường hợp nặng xuất hiện liệt toàn thân, người mềm ra, chân tay mất khả năng vận động, da tím tái, nhiệt độ và huyết áp giảm, khó thở, cuối cùng liệt cơ hô hấp, trụy tim mạch và tử vong.

Tình trạng ngộ độc cá nóc xuất hiện và chuyển nặng rất nhanh, nguy cơ tử vong cao nếu không được chuyển đến bệnh viện xử trí cấp cứu kịp thời. Thực tế có rất nhiều trường hợp bệnh nhân tử vong trên đường vận chuyển cấp cứu do ở trên tàu thuyền, ngoài đảo, xa cơ sở y tế.

Theo nghiên cứu y khoa, thịt cá nóc không có độc tố nhưng khi đánh bắt, chế biến hoặc cá ươn, bị dập nát, độc tố ngấm vào thịt sẽ gây độc khi dùng. Khi phát sinh độc tố, chỉ cần ăn khoảng 10g thịt cá nóc có độc tố là bị ngộ độc, trường hợp nặng gây liệt toàn thân, da tím tái, trụy tim... với tỉ lệ tử vong lên đến 60% nếu cấp cứu chậm. Chỉ từ 1-2mg độc tố có thể gây chết người.

Độc tố cá nóc có tính bền vững cao, nếu đun sôi ở 100 độ C trong 6 giờ độc tố mới giảm một nửa, đun sôi ở 200 độ C trong 10 phút độc tố mới bị phá hủy hoàn toàn. Như vậy, nếu chỉ đun nấu thông thường, ngộ độc cá nóc vẫn có thể xảy ra do độc tố chưa bị phá hủy hết. Ngay cả khi phơi khô, chế biến thông thường độc tố chưa bị phá hủy nên vẫn gây ngộ độc.

Dù thông tin về độc tố của cá nóc đã được cảnh báo nhiều nhưng nhiều ngư dân vẫn cố ý chế biến và ăn các món chế biến từ cá nóc dẫn đến ngộ độc nguy kịch.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.