Văn hóa - Giải Trí

Sau 33 năm, kịch Lưu Quang Vũ vẫn gây xúc động

13/08/2018, 07:44

Nguồn sáng trong đời của kịch gia Lưu Quang Vũ mang tới nhiều thông điệp về lòng nhân ái của con người, tình yêu...

19

Một cảnh trong vở kịch “Nguồn sáng trong đời”

 Hơi thở của cuộc sống ngày nay

Tác phẩm Nguồn sáng trong đời từng được bậc thầy sân khấu Nguyễn Đình Nghi dàn dựng, do Đoàn Kịch Hà Bắc thể hiện lần tiên tại Liên hoan sân khấu Kịch nói toàn quốc 1985. Năm ấy, vở kịch xuất sắc giành giải Nhất. Đó cũng là năm nhà viết kịch Lưu Quang Vũ tạo nên kỷ lục có một không hai khi có tới 8 vở kịch của ông tham dự. Sau tròn 33 năm, Nguồn sáng trong đời lại tiếp tục tỏa sáng với bản dựng mới của Nhà hát Kịch Việt Nam. Hơn 30 năm trôi qua, tác phẩm vẫn hằn in tính nhân văn và thấm đẫm giá trị cho tới ngày nay.

Vở diễn lần này được dàn dựng vào đúng dịp kỷ niệm 30 năm ngày mất của Lưu Quang Vũ. Nguồn sáng trong đời là câu chuyện về cuộc đời của Lê Chí, một họa sĩ mù bị thương bởi chiến tranh. Vợ của Chí là Oanh đã tìm đến bác sĩ Thành để nhờ cậy, mong muốn tìm lại cho chồng mình ánh sáng. Hành trình đi tìm ánh sáng của đôi vợ chồng gặp nhiều khó khăn bởi không phải ai cũng dễ dàng tình nguyện hiến đôi tròng mắt của mình, kể cả người thân của những người đã chết. Rồi Chí gặp Toàn, một kỹ sư xây dựng bị ung thư giai đoạn cuối luôn mong muốn làm những điều tốt đẹp cho đời. Cuộc gặp gỡ đã làm thay đổi cuộc đời của Chí.

Nguồn sáng trong đời nằm trong kế hoạch dựng vở của Nhà hát Kịch Việt Nam nhân kỷ niệm 30 năm ngày mất của cố tác giả Lưu Quang Vũ, với nguồn kinh phí của Nhà nước. Vở diễn có sự tham gia của dàn diễn viên trẻ như: Mai Duyên, Minh Hoàng, Tô Dũng, Khuất Quỳnh Hoa…

Lần này, đảm nhận vai trò đạo diễn cho vở là NSND Hoàng Dũng, do nhà hát đặt hàng. Nghệ sĩ Hoàng Dũng cho hay, từng có nhiều nơi dàn dựng vở Nguồn sáng trong đời và chính ông cũng từng có một vai trong tác phẩm này với một bản dựng chiếu trên truyền hình. Nếu bản dựng trước đây dài 3 tiếng, thì bản dựng của ông đã loại bỏ các diễn biến phụ để co gọn trong thời lượng 120 phút. Ông tâm sự, bản thân muốn tác động vào tình cảm của con người trong vở diễn nên chỉ tập trung vào điểm mấu chốt là hành trình đi tìm ánh sáng và tình cảm của các nhân vật.

“Có người nói bản dựng của tôi nhiều nước mắt. Đó là vì tôi nhấn mạnh vào cảm xúc, động vào lòng trắc ẩn của mọi người. Khán giả sẽ không quan tâm anh bộ đội này bao nhiêu tuổi, đã đi chiến trường bao nhiêu năm… mà chỉ quan tâm tới tình cảm của con người với con người, trách nhiệm với cuộc sống. Họ sẽ thấy rằng, ở đâu đó trong cuộc sống, vẫn có nhiều người vì yêu mà dám hy sinh và có cả những tấm lòng nhân ái, cao thượng. Từ đó mọi người biết yêu thương nhau hơn, sống trọn vẹn và sống đẹp hơn”, NSND Hoàng Dũng bộc bạch.

Đặc biệt, để vở mang hơi thở của cuộc sống hôm nay, NSND Hoàng Dũng đã lựa chọn diễn viên đều là người trẻ, để họ có thể thổi vào vở diễn một sức sống mới của ngày hôm nay với cách tiếp cận trẻ trung hơn. Trong bản dựng mới, lời thoại cũng được chuyển sao cho có tính thời đại hơn, đời hơn chứ không phải những đoạn đối thoại văn học như trước đây.

Đẩy mạnh cảm xúc của diễn viên trẻ

Những khán giả xem Nguồn sáng trong đời có thể thấy rõ tác phẩm nhấn mạnh vào yếu tố cảm xúc. Điều này được thể hiện từ cách bài trí sân khấu tới lối diễn xuất thiên về nội tâm của diễn viên. Sân khấu được thiết kế với bục bệ đơn giản nhưng đặc biệt gây ấn tượng là hình ảnh con mắt trên phông nền. Xuyên suốt vở diễn, hình ảnh con mắt trong suốt với ánh sáng lờ mờ như tia hy vọng nhỏ nhoi của cuộc đời con người. Nguồn sáng ấy không phải chỉ là ánh sáng vật lý thông thường mà còn là hy vọng sống, mục đích và ý nghĩa cuộc sống.

Tập trung vào tâm lý nên các diễn viên cũng có ít hành động sân khấu mà chủ yếu là thoại. Đây là điều khó với đa số diễn viên trẻ, vì để khán giả thấy mình không phải như một “bức tượng” đang “bắn thoại” trên sân khấu là điều không đơn giản. Thể hiện vai người vợ giàu đức hy sinh và thương chồng, diễn viên Mai Duyên thừa nhận, vai diễn chiếm của cô nhiều tâm huyết. Bản thân cô là người trẻ nhưng lại phải nhập vai một phụ nữ thời xưa đã là điều khó, lại ít hành động mà cần diễn xuất nội tâm lại càng khó hơn, đòi hỏi tập trung tâm lý cao độ.

Mai Duyên cho hay, đến thời điểm này bản thân cô mới vào vai được khoảng 80% nhân vật. Hơn nữa, đây cũng là vở diễn có cường độ luyện tập rất căng thẳng, ăn, ngủ tập luyện hơn 1 tháng từ sáng sớm đến chiều tối nên khá mệt. “Tôi phải tìm hiểu, trau dồi thông tin và phân tích xem thời đó họ nghĩ gì. Tôi cũng nói chuyện với nhiều người đã sống trong thời điểm đó, hiểu thời ấy để hiểu từng câu nói của nhân vật. Vở diễn mang tư tưởng lớn nên lời thoại cũng nhiều ý nghĩa. Không phải cứ nói ra thì nó là như vậy. Ngay những cảnh khóc, đạo diễn yêu cầu chúng tôi phải cho khán giả thấy đó là nhân vật đang khóc chứ không phải diễn viên đóng vai đó đang khóc”.

Trong khi đó, thể hiện vai thương binh Lê Chí từng vào sinh ra tử ở chiến trường là một diễn viên trẻ thế hệ 9X. Minh Hoàng tâm sự, bản thân rất áp lực vì phải diễn một vai đã có nhiều trải nghiệm. Để diễn ra chất của một người họa sĩ mù, Minh Hoàng phải quan sát, tìm hiểu cách những người khiếm thị đi đứng thế nào. Trong những môi trường quen và môi trường lạ, họ dò dẫm bước đi ra sao. Không chỉ những giờ tập trên nhà hát, về nhà, anh cũng phải nghiên cứu và nghiền ngẫm từng hành động, lời thoại của nhân vật.

“Tôi đã phải đọc rất nhiều về người lính, nghe các anh chị lớn giải thích, khắc họa hình tượng nhân vật, rồi tưởng tượng một nhân vật sống 10 năm trong bóng tối thì cảm giác thế nào. Ngay việc phải làm sao để mình vẫn linh hoạt trên sân khấu, nhưng lại phải cho khán giả thấy mình giống như một người mù thật đã là một thử thách lớn rồi”, Minh Hoàng bộc bạch.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.