Chiều 11/10, Đoàn công tác Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã đi kiểm tra công tác triển khai dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đoạn qua địa bàn tỉnh Tiền Giang. Đây là dự án được người dân các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long rất quan tâm vì đã khởi công nhiều năm nhưng vẫn chưa được đưa vào khai thác sử dụng.
Ngày 27/9, tại Tiền Giang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đi thị sát, kiểm tra việc thi công, triển khai dự án cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận.
Tại công trường, Thủ tướng yêu cầu các đơn vị phải thực hiện đảm bảo tiến độ dự án, thông tuyến vào cuối năm 2020 và khánh thành thông xe vào dịp 30/4/2021.
Ngay tại công trường, Thủ tướng đã trao cho các bộ, cơ quan liên quan các văn bản về việc đồng ý bố trí 2.186 tỷ đồng vốn đầu tư từ nguồn tăng thu ngân sách Trung ương năm 2018 cho dự án đường bộ cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận.
Thủ tướng yêu cầu nhà đầu tư, các nhà thầu phải tập trung tối đa nguồn lực, huy động nhân công, thiết bị vào công trường để thi công.
Sau khi mở màn hình trình chiếu tổng thể bình đồ bằng Flycam để đoàn công tác xem toàn cảnh công tác thi công dự án, ông Lưu Xuân Thủy, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận (doanh nghiệp dự án) cho biết, thời gian qua nhà đầu tư cùng làm việc với tỉnh Tiền Giang, Bộ GTVT và các bên liên quan nỗ lực tháo gỡ các khó khăn để triển khai dự án. Đến nay, công tác giải phóng mặt bằng trên tuyến cơ bản hoàn thành, tiến độ tổng thể trên công trường đã có nhiều khởi sắc so với 6 tháng trước. Hiện các nhà thầu xây lắp đã sẵn sàng đẩy nhanh tiến độ nhằm đáp ứng yêu cầu của Chính phủ với nhiều giải pháp.
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay vẫn là nguồn vốn. Mới nhất, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý bố trí đủ 2.186 tỷ đồng vốn đầu tư từ nguồn tăng thu Trung ương năm 2018, giao các Bộ, ngành liên quan và tỉnh Tiền Giang thực hiện các thủ tục theo quy định để xác định thời điểm giải ngân. Dù vậy đến nay vẫn chưa xác định cụ thể thời điểm giải ngân, gây khó khăn cho việc thực hiện dự án.
"Hiện nay, nguồn vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư và nguồn vốn Nhà nước đã được bố trí và đảm bảo để các nhà thầu xây lắp hoàn thành thông tuyến trong năm 2020. Riêng để hoàn thành dự án đưa vào khai thác trong năm 2021, cần phải ký kết hợp đồng tín dụng và giải ngân đồng thời. Do đó, rất mong Uỷ ban Kinh tế Quốc hội có ý kiến với Chính phủ và các Bộ ngành liên quan sớm hoàn thiện các thủ tục đảm bảo đủ cơ sở pháp lý để giải ngân nguồn vốn ngân sách cho dự án trong tháng 10/2019", lãnh đạo Công ty CP cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đề xuất.
Ông Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho rằng, sau 6 tháng, tuyến cao tốc đã cơ bản hình thành, tạo ra bước đột phá. Nếu giữ được tiến độ này, có thể thông tuyến cuối năm 2020 theo chỉ đạo của Chính phủ.
Ghi nhận những kiến nghị về việc tháo gỡ khó khăn vướng mắc, ông Kiên cho biết, việc sớm giải ngân nguồn vốn 2.186 tỷ đồng đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua ngày 23/9.
Đoàn công tác sẽ đôn đốc về việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội và giám sát quá trình giải ngân đảm bảo đủ vốn, đáp ứng tiến độ thực hiện dự án.
“Việc gỡ vướng về nguồn vốn tín dụng từ các ngân hàng, doanh nghiệp dự án cần phối hợp với Bộ GTVT sớm có văn bản tập hợp lại các yêu cầu của các ngân hàng. Sau đợt giám sát này chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với nhà đầu tư, các Bộ, ngành liên quan để xử lý”, ông Kiên cho hay.
Liên quan đến việc có ý kiến đề xuất thu phí lại trên cao tốc TP.HCM - Trung Lương, ông Nguyễn Đức Kiên đề nghị Bộ GTVT sớm tiếp thu ý kiến, xem xét nghiên cứu đề xuất Chính phủ, Quốc hội xem xét quyết định.
Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận có tổng chiều dài 51,1 km với điểm đầu tại nút giao Thân Cửu Nghĩa (nối tiếp đường cao tốc TP HCM - Trung Lương), điểm cuối giao với Quốc lộ 30 tại nút giao An Thái Trung (huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang). Tổng mức đầu tư đã điều chỉnh là 12.668 tỉ đồng, trong đó nguồn vốn BOT là 10.482 tỉ đồng và nguồn vốn Nhà nước hỗ trợ dự án là 2.186 tỉ đồng. Đây là tuyến đường quan trọng để giải tỏa cho tuyến QL1 về miền Tây hiện đang quá tải.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận