Ngày 10/10, tại TP Long Khánh (Đồng Nai), Đoàn công tác của Ủy ban Kinh tế Quốc hội có buổi làm việc với lãnh đạo các tỉnh Bình Thuận, Đồng Nai về triển khai công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) 2 tuyến cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây.
Vướng giải phóng mặt bằng
Báo cáo với đoàn công tác ông Nguyễn Hữu Trung, PGĐ Sở GTVT tỉnh Bình Thuận cho biết, diện tích đất phải thu hồi đối với đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết là 774 ha, ảnh hưởng gần 2.000 hộ dân và tổ chức, Phan Thiết - Dầu Giây, 363,42ha ảnh hưởng đến 644 hộ dân và tổ chức. Về công tác GPMB đến nay tỉnh đã phê duyệt bản đồ địa chính 29/29 xã của 5 huyện có tuyến cao tốc đi qua.
Tỉnh đang xúc tiến xây dựng 5 khu tái định cư đáp ứng nhu cầu tái định cư cho 259 hộ dân. Đến nay đã khởi công xây dựng 3/5 khu tái định cư, đang lựa chọn nhà thầu để tiếp tục khởi công 2 khu tái định cư còn lại. Công tác giải ngân đạt trên 52,2%, hiện nay một số huyện đã hoàn tất thủ tục bồi thường, hỗ trợ nhưng nguồn vốn chưa chuyển kịp nên bị chững lại. Ngoài ra các Sở, ngành đang phối hợp với các Ban QLDA và các đơn vị liên quan lập kế hoạch di dời hạ tầng kỹ thuật như tuyến ống nước, cáp viễn thông…
Ông Lê Tuấn Phong, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận thông tin: các Ban QLDA 7, 85, Thăng Long của Bộ GTVT đã phối hợp chặt chẽ với địa phương trong công tác giải phóng mặt bằng, các khó khăn phát sinh trong quá trình triển khai đều được tháo gỡ kịp thời.
“Dự kiến trong tháng 10 sẽ giải ngân hết nguồn vốn đã bố trí trong công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư. Hiện, địa phương còn thiếu khoảng hơn 1.556 tỷ đồng để tiếp tục chi trả cho các hộ dân, tái định cư, bồi thường, hỗ trợ hoa màu, cây trồng bị ảnh hưởng bởi các dự án. Mong Bộ GTVT sớm bố trí nguồn vốn còn lại để sớm hoàn thành công tác bàn giao mặt bằng cho các dự án qua địa bàn tỉnh”, ông Phong nói.
Khác với Bình Thuận, tốc độ triển khai công tác giải phóng mặt bằng ở Đồng Nai do nhiều nguyên nhân khác nhau đang chậm tiến độ so với kế hoạch. Được ủy quyền báo cáo, ông Nguyễn Hồng Quế, Chi cục phó Chi cục Quản lý đất đai (Sở Tài nguyên - Môi trường) cho biết, trên địa bàn tỉnh có tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đi qua 3 huyện và 1 thành phố.
Qua rà soát tiến độ thực hiện đến nay vẫn còn chậm do một số nguyên nhân như: Quy mô dự án có sự thay đổi từ 4 làn xe lên thành 6 làn xe nên phạm vi ranh giới thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cũng thay đổi, phải phê duyệt lại khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, ban hành thông báo thu hồi đất mới. Một số đoạn của dự án phải điều chỉnh lại thiết kế các nút giao.
Dự án được ưu tiên số 1
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho rằng dự án Phan Thiết - Dầu Giây đang được rất nhiều nhà đầu tư quan tâm bởi khi hoàn thành, dự án sẽ giải quyết được áp lực giao thông trên QL1. Bộ rất sốt ruột đối với công tác giải ngân nhưng công tác thực hiện giải phóng mặt bằng và giải ngân ở Đồng Nai chưa đạt yêu cầu.
Cụ thể, tỉnh đã được cấp 470 tỷ nhưng hiện nay con số giải ngân của tỉnh đang rất hạn chế. Đây là công trình trọng điểm trên toàn quốc không có cơ chế đặc thù nào cho từng địa phương. Đối với dự án Phan Thiết - Dầu Giây là tuyến cao tốc rất cấp bách, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo ưu tiên làm trước với tinh thần "sớm được ngày nào hay ngày đó". Tuy nhiên, đến nay công tác giải phóng mặt bằng còn rất chậm. Giao Ban QLDA 7, Thăng Long phối hợp với địa phương tháo gỡ các vướng mắc về di dời hạ tầng kỹ thuật, hệ thống dây điện.
“Việc giải phóng mặt bằng và giải ngân, địa phương phải chịu trách nhiệm. Do đó, đề nghị các địa phương cần bám sát đẩy nhanh hoàn tất các thủ tục, tháo gỡ các vướng mắc để sớm bàn giao mặt bằng. Chúng tôi rất quan ngại về tiến độ giải ngân của Đồng Nai vì Chính phủ đã có chỉ đạo rất quyết liệt trong vấn đề giải ngân các dự án đã được cấp vốn. Lãnh đạo Bộ cũng chỉ đạo đoạn Phan Thiết - Dầu Giây là dự án được ưu tiên số một để làm sao sớm được khởi công nhằm khơi thông cửa ngõ, giải quyết ách tắc trên QL1 hiện hữu nên công tác bàn giao mặt bằng cần được thực hiện khẩn trương”, Thứ trưởng Nhật nhấn mạnh.
Đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng
Kết luận tại buổi làm việc, ông Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội đánh giá cao công tác giải ngân phục vụ công tác GPMB các tuyến cao tốc qua Bình Thuận. Hiện, công tác giải ngân vốn của tỉnh diễn ra nhanh, đang thiếu vốn vì vậy trong tháng 11, Bộ GTVT tiếp tục bố trí vốn thực hiện công tác giải phóng mặt bằng các đoạn tuyến qua địa bàn tỉnh. Đối với tỉnh Đồng Nai, chúng tôi cũng rất chia sẻ với tỉnh về việc trên địa bàn tỉnh có nhiều công trình trọng điểm như: sân bay Long Thành, cao tốc Bến Lức - Long Thành… nên khối lượng công việc giải phóng mặt bằng rất lớn. Tuy nhiên, tuyến cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây là dự án trọng điểm đã có quy hoạch từ lâu, khi hoàn thành sẽ tháo gỡ “nút thắt” giao thông và tạo sự đột phá bộ mặt mới cho sự phát triển kinh tế của tỉnh. Do đó công tác giải phóng mặt bằng cần được đẩy nhanh tiến độ và giải ngân dự án.
“Đối với dự án cao tốc Bắc - Nam chậm nhất đến tháng 6/2022 phải đưa vào khai thác, thời gian thi công khoảng 24 tháng. Về các nút giao trên tuyến, Bộ GTVT cần chỉ đạo tư vấn phối hợp với địa phương hoàn thiện thiết kế kỹ thuật và phê duyệt để triển khai đấu thầu, sớm triển khai xây lắp. Các Ban QLDA phối hợp với địa phương về việc quy hoạch các mỏ vật liệu để đảm bảo tiến độ, chất lượng các dự án cao tốc. Sau cuộc họp làm việc chúng tôi sẽ có báo cáo trình Quốc hội vào cuối tháng 10 này”, ông Kiên nhấn mạnh.
Liên quan công tác giải ngân vốn đầu tư công trung hạn và kế hoạch vốn năm 2019 đối với các dự án cao tốc Bắc - Nam, đại diện Vụ kế hoạch đầu tư Bộ GTVT cho biết, đến hết tháng 9/2019 trong số 7.062 tỷ đồng kế hoạch vốn năm 2019 được giao, đã chuyển cho các địa phương 4.118 tỷ đồng kinh phí đền bù giải phóng mặt bằng, còn lại 2.944 tỷ đồng để thanh toán cho xây lắp, tư vấn và chi phí khác.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận