Ông Nguyễn Phi Thường, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, cuối năm 2022 toàn thành phố có 37 điểm ùn tắc, chủ yếu tập trung trong khu vực nội thành. Trong số này, có 10 điểm ùn tắc phát sinh mới.
"Thời gian qua, lực lượng chức năng đã thực hiện điều chỉnh tổ chức giao thông tại các điểm: Trung Văn - Tố Hữu; ngã ba Xa La - Cầu Bươu; Châu Văn Liêm - Lê Quang Đạo; Lê Văn Lương - Hoàng Minh Giám - Nguyễn Tuân; Lãng Yên - đê Nguyễn Khoái.
Đến nay, có 3/37 điểm ùn tắc giao thông đã được xử lý, gồm các khu vực: Châu Văn Liêm - Lê Quang Đạo; Đại La - Trần Đại Nghĩa; Ngã Tư Vọng", ông Thường thông tin.
Giao thông Hà Nội giờ cao điểm thường xuyên đông đúc, quá tải
Bên cạnh nguyên nhân lưu lượng phương tiện lớn, ý thức tham gia giao thông của người dân chưa cao, theo đại diện Sở GTVT, trong 37 "điểm đen" ùn tắc giao thông (tính cả 3 điểm mới được xử lý), có 17 điểm ùn tắc do rào chắn thi công các dự án gây thu hẹp lòng đường; 10 điểm do hạ tầng chưa đồng bộ; 10 điểm do quá tải kết cấu hạ tầng.
Thông tin thêm về "bức tranh" giao thông trên địa bàn Thủ đô, Sở GTVT cho biết, tính đến nay, toàn thành phố có hơn 23 nghìn km đường bộ. Trong đó, Sở GTVT quản lý hơn 2,3 nghìn km, UBND cấp huyện quản lý hơn 21 nghìn km. Tỷ lệ diện tích đất dành cho giao thông trên diện tích đất xây dựng đô thị đạt khoảng 10,35%.
Đối với lĩnh vực giao thông công cộng, TP Hà Nội đang có 154 tuyến buýt tiếp cận 30/30 quận huyện và thị xã. Một tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đã đưa vào khai thác. Tỷ lệ vận tải hành khách công cộng đạt 18,5%.
Về lượng phương tiện, tính đến tháng 2/2023, Hà Nội có 7,86 triệu phương tiện giao thông, tốc độ gia tăng phương tiện giao thông trung bình của Hà Nội khoảng 4-5%/năm.
Trong đó, có hơn 1 triệu ô tô; có 6,6 triệu xe máy và gần 185 nghìn xe máy điện. Ngoài ra, trên địa bàn thành phố thường xuyên có khoảng 1,2 triệu phương tiện từ các tỉnh, thành phố tham gia giao thông.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận