Sau khi cổ phần hóa, Hãng phim truyện Việt Nam sẽ phải sản xuất dòng phim thương mại. (Ảnh: Một cảnh trong phim Sống cùng lịch sử do Hãng phim truyện VN sản xuất). |
Ông Nguyễn Danh Thắng – Phó TGĐ Tổng công ty Vận tải thủy đã trao đổi thẳng thắn với Báo Giao thông trong việc cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam gây xôn xao dư luận những ngày vừa qua.
Đầu tư vào hãng phim truyện VN, mục đích chính của công ty là gì?
Quyết định đầu tư cho VFS, ngoài tình yêu với điện ảnh, chúng tôi còn kỳ vọng sau khi chuyển đổi sang mô hình công ty cổ phần. Bằng sự đầu tư có chiều sâu cùng chế độ đãi ngộ phù hợp, chúng tôi sẽ được cộng tác với các nhà chuyên môn, nghệ sĩ và diễn viên để thúc đẩy ngành sản xuất điện ảnh phát triển, mang lại lợi nhuận cho công ty.
Ngoài ra, chúng tôi muốn điện ảnh là kênh truyền thông để VIVASO thúc đẩy các nghề kinh doanh của công ty. Đặc biệt, chúng tôi đang tiến tới thành lập một công ty kinh doanh đa ngành nghề.
Khó khăn công ty phải đối mặt khi cổ phần hóa, ông biết chính xác không ?
Tổng công ty sau khi cổ phần hóa có trách nhiệm tiếp nhận toàn bộ nhân sự, công nợ, tài sản và tiền vốn của công ty nhà nước giao sang. Hiện nay, cơ sở vật chất của VFS hiện nay rất xuống cấp, lạc hậu. Bởi vậy, điều đầu tiên chúng tôi phải làm là đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất. Tiếp đó là giải quyết tất cả công nợ mà hãng phim để lại. Bởi vậy, 2,3 năm đầu, chúng tôi xác định kinh doanh không có lãi.
Tuy nhiên, chúng tôi kỳ vọng ngành sản xuất điện ảnh sẽ mang lại lợi nhuận. Chúng ta vừa có bộ phim "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" là sự phối hợp giữa Nhà nước đặt hàng và hãng phim tư nhân đã có hiệu quả cao.
Trước đây, VFS hoạt động dựa vào nguồn vốn cấp của nhà nước với cách quản lý còn bao cấp nên không phát triển được. Hãng từng có những tác phẩm để đời, nhưng từ khi thay đổi cơ chế sau bao cấp thì lại sản xuất kém hiệu quả.
Chúng tôi tin không phải chỉ có trước đây mới có các đạo diễn, nghệ sĩ giỏi. Giới trẻ bây giờ cũng rất giỏi, nhưng vì cơ chế không phù hợp nên không đem lại được một tác phẩm như thời hoàng kim của hãng phim truyện.
Cơ sở vật chất của Hãng phim truyện Việt Nam hiện nay đang xuống cấp, bởi vậy, VIVASO xác định 2,3 năm đầu tập trung nâng cấp cơ sở vật chất, giải quyết công nợ. (Ảnh: Vietnamnet) |
VFS có thế mạnh và sở trường làm phim nghệ thuật, nếu chuyển sang làm phim thương mại, ông có niềm tin họ sẽ làm tốt những mục tiêu đặt ra?
Công ty chúng tôi kỳ vọng vào lực lượng cán bộ, những nhà chuyên môn, các đạo diễn và nghệ sĩ đã có nhiều kinh nghiệm ở hãng phim. Trước đây, hãng chủ yếu sản xuất phim theo đặt hàng của nhà nước. Sau khi chuyển đổi thành công ty cổ phần thì bắt buộc sản xuất theo cơ chế thị trường.
Song song đó, nếu tiếp tục được nhà nước đặt hàng thì chúng tôi vẫn phát huy thế mạnh của hãng phim. Tôi không nghĩ mọi người chỉ biết làm phim nghệ thuật, có thể vì trước đây chỉ sản xuất theo đặt hàng của nhà nước nên mới vậy.
Việc làm phim có là yếu tố chính hay chỉ là chiến lược PR cho ngành nghề khác của công ty?
Hãng phim thì vẫn sản xuất phim thôi. Tổng công ty vận tải thủy chỉ là nhà đầu tư chiến lược. Hoạt động kinh doanh giữa VIVASO với công ty cổ phần hãng phim truyện VN hoàn toàn độc lập. Chúng tôi điều hành công ty, còn quyền quyết định về phim ảnh là hãng phim truyện.
Một công ty “ngoại đạo” như VIVASO có thể lo điều này đến đâu?
Sản xuất khép kín đúng là một mô hình lý tưởng, nhưng hiện tại gần như chưa có hãng phim nào có mô hình đó.
Trước mắt, chúng tôi sẽ cơ cấu lại sản xuất, sau đó ký hợp đồng với các đơn vị phát hành và liên doanh với các công ty khác để tạo thành dây chuyền khép kín từ sản xuất đến phát hành. Còn bây giờ đòi hỏi cầu toàn cả sản xuất và phát hành sẽ rất khó. Điện ảnh Việt Nam chưa đi vào quỹ đạo đó được. Các công ty nước ngoài phát triển lâu năm rồi mới có mô hình đó, chứ Việt Nam thì làm gì có công ty nào.
Hiện tại, Tổng công ty đã xây dựng những chiến lược, dự án cụ thể nào để phát triển hãng phim?
Sau cuộc họp cổ đông lần thứ nhất, chúng tôi sẽ bầu ra ban lãnh đạo công ty mới rồi ban lãnh đạo mới sẽ xây dựng các phương án kinh doanh cụ thể. Chúng tôi sẽ kiểm tra và giám sát phương án kinh doanh mà ban giám đốc mới đặt ra.
Cảm ơn ông!
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận