Khám trễ, hệ lụy ung thư di căn
Ghi nhận tại Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai, số bệnh nhân đến khám từ đầu tháng 4 đến nay khá đông.
BS. Phạm Cẩm Phương, Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, sau dịch bệnh Covid-19, số bệnh nhân tăng gấp rưỡi so với thời Covid-19 đặc biệt nhóm người giai đoạn muộn cũng tăng lên.
BS. Phạm Cẩm Phương thăm khám cho bệnh nhân ung thư
“Trung bình mỗi ngày khoảng 20-40 bệnh nhân nhập viện mới. Hiện Trung tâm có hơn 300 giường nên đã rơi vào tình trạng quá tải, bệnh nhân phải nằm ghép”, BS. Phương cho hay.
Các bệnh nhân tới khám tại trung tâm chủ yếu gặp những bệnh lý về ung thư gan, phổi, đại trực tràng, dạ dày, vú….
“Gần đây, số lượng bệnh nhân đến khám tăng lên nhưng cũng đáng buồn hơn khi có nhiều người đã ở giai đoạn muộn: khối u kích thước lớn và đã di căn hạch, di căn não, di căn xương, di căn phổi, di căn gan.
Điển hình như chị M., 46 tuổi, có cảm giác đau ngực phải khoảng 1 năm nay, nhưng vì dịch bệnh chị rất ngại đến bệnh viện. Hai tuần nay chị tự sờ thấy khối ở vùng cổ phải, khối này cứng và tăng dần kích thước, thỉnh thoảng đau tại khối này. Khi đến Bệnh viện Bạch Mai khám bệnh, chị được chẩn đoán Ung thư phổi phải di căn phổi, di căn hạch, di căn tuyến thượng thận.
Anh Th., 47 tuổi đi khám bệnh vì đau tức vùng hạ sườn phải, ăn kém, khó chịu. Do bệnh viêm gan B mạn tính, anh Th. thường xuyên đi khám bệnh theo hẹn nhưng hơn 1 năm nay sợ đến bệnh viện nên chỉ ở nhà. Gần đây, thấy đau bụng, mệt mỏi, chán ăn mới đi khám bệnh. Kết quả siêu âm ổ bụng và chụp chiếu phát hiện ung thư gan trên nền viêm gan B, xơ gan. Kích thước khối u đã 13x14cm, kèm theo huyết khối tĩnh mạch cửa, men gan tăng cao. Và chỉ còn chỉ định điều trị triệu chứng.
Hay như bác Kh. 62 tuổi, ở Hà Nội, xuất hiện ợ hơi, ợ chua khoảng 1 năm nay, nhưng cũng vì sợ dịch nên không đi thăm khám. Gần đây đau bụng tăng lên kèm bụng chướng, bác K. đi khám bệnh và được chẩn đoán ung thư dạ dày di căn hạch ổ bụng, di căn phúc mạc.
"Bệnh nhân chỉ được điều trị bằng hóa chất mà không còn cơ hội để điều trị phẫu thuật cắt đoạn dạ dày và vét hạch. Điều này đồng nghĩa là không còn cơ hội điều trị căn bệnh”, BS. Phương chia sẻ.
Kỹ thuật mới, kéo dài cơ hội sống
BS. Cẩm Phương cho biết, với những kỹ thuật mới nhất trong chẩn đoán và điều trị hiện nay, thì nhiều loại ung thư có cơ hội được chữa lành. Hiện tại phương pháp điều trị bệnh lý này gồm phẫu thuật, hóa chất, xạ trị và gần đây có thêm phương pháp điều trị đích và điều trị miễn dịch.
Ứng dụng công nghệ trong chẩn đoán, điều trị ung thư
Tùy từng giai đoạn bệnh, loại mô bệnh học, thể trạng của người bệnh và điều kiện kinh tế mà sẽ có các phương pháp điều trị riêng cho mỗi cá thể người bệnh. Ở giai đoạn đầu, bệnh nhân sẽ được phẫu thuật. Ở giai đoạn muộn hơn thì cần phẫu thuật phối hợp hóa trị, xạ trị. Ở giai đoạn muộn, bệnh đã di căn thì được điều trị toàn thân như hóa trị, đích và miễn dịch…
“Nhờ phương pháp chẩn đoán sớm và sự tiến bộ trong điều trị, bệnh nhân có cơ hội kéo dài thời gian sống hơn. Trước đây, bệnh nhân nếu di căn não thường chỉ sống 3-6 tháng nhưng nhờ máy móc thiết bị hiện đại, điều trị đích, điều trị miễn dịch… bệnh nhân có thể kéo dài 3-4 năm, có người 7-8 năm. Chúng tôi đã điều trị được cho những trường hợp điều trị ngoạn mục như vậy, dù khi đến với chúng tôi họ đã ở giai đoạn muộn”, BS. Phương nói.
Để phòng tránh bệnh lý ung thư, BS. Phương khuyến cáo mọi người cần phải có lối sống lành mạnh.
“Chúng ta cần có kiến thức về các yếu tố có hại cho sức khỏe để hạn chế ăn thực phẩm chứa hóa chất độc hại, nấm mốc, thuốc trừ sâu. Nên ăn nhiều rau và hoa quả, tăng cường vận động tập thể dục tránh béo phì.
Nếu gia đình có tiền sử có người mắc ung thư vú, đại trực tràng, ung thư dạ dày, ung thư gan thì nên tầm soát phát hiện sớm định kỳ các bệnh lý này.
Trẻ em nên tiêm phòng vaccine đầy đủ tránh nhiễm vi khuẩn, virus gây ung thư như virus viêm gan B, virus gây u nhú ở người (HPV) để giảm thiểu nguy cơ ung thư gan, ung thư cổ tử cung”, BS. Phương nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận