Đường bộ

Sau phá dỡ bức tường hơn 30 năm, đường xuyên sân bay Tân Sơn Nhất lại vướng mặt bằng

30/01/2024, 13:34

Sau phá dỡ bức tường đã tồn tại hơn 30 năm, gói thầu số 13 thuộc đoạn cuối tuyến đường xuyên qua khu đất sân bay Tân Sơn Nhất đã lắp đặt gần xong hệ thống thoát nước nhưng lại vướng mặt bằng.

Ngày 30/1, đại diện Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (Ban Giao thông) cho biết, gói thầu số 13 thuộc đoạn cuối tuyến đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa hiện đã thi công đạt khoảng 30% tổng tiến độ.

Đây là gói thầu đã phá dỡ bức tường tồn tại hơn 30 năm ngăn cách khu dân cư thuộc phường 13 quận Tân Bình với khu đất thuộc sân bay Tân Sơn Nhất mà Bộ Quốc phòng đã bàn giao cho TP.HCM triển khai dự án.

Ghi nhận của PV Báo Giao thông tại công trường, trên đoạn đường dài gần 1,3km thuộc gói thầu, đơn vị thi công đã dựng rào tôn ngăn cách tạm thời sau khi phá dỡ xong bức tường cũ.

Ngay sát mép đường C12 hiện hữu, hệ thống cống thoát nước ngầm đã lắp đặt gần như hoàn thành. Mặc dù vậy, cả gói thầu vẫn chưa thể bứt phá tiến độ nhanh hơn bởi đoạn đầu đường C12 còn 9 hộ dân chưa bàn giao mặt bằng. Chính quyền địa phương quận Tân Bình cho biết, đang tích cực làm việc để các hộ dân sớm bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư, phục vụ thi công dự án trong năm 2024.

"Sau khi thảm bê tông nhựa lớp 1 bên trái tuyến, nhà thầu thi công sẽ di dời các trụ điện dọc đường C12 cũ. Ngay sau đó, đơn vị thi công sẽ dỡ rào tôn để hợp nhất tuyến đường giúp lòng đường rộng hơn 30m.

Tiến độ vốn dĩ đã có thể nhanh hơn từ 1-2 tháng nhưng vướng mặt bằng nên cả đoạn còn ách lại. Tuy nhiên, gói thầu vẫn đáp ứng tiến độ chung sẽ hoàn thành trong quý IV năm nay", đại diện đơn vị thi công cho biết.

Mặc dù có giá trị chưa đầy 100 tỷ đồng, tương đối nhỏ so với các gói xây lắp còn lại của dự án, nhưng gói thầu số 13 đặc biệt quan trọng bởi "chốt hạ" đoạn cuối tuyến.

Tại vị trí cuối cùng thuộc gói thầu này, đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa sẽ phá bỏ hình thế ngã 3 mũi tàu của hai tuyến đường Cộng Hòa - Trường Chinh để trở thành ngã 4 đặc biệt quan trọng.

Từ đây, hàng triệu lượt phương tiện từ cửa ngõ Tây Bắc thành phố sẽ đi vào nhà ga hành khách T3 sân bay Tân Sơn Nhất, rút ngắn quãng đường ra sân bay gần 3km so với hiện tại.

Một số hình ảnh PV Báo Giao thông ghi nhận tại dự án quan trọng này:

Sau phá dỡ bức tường hơn 30 năm, đường xuyên sân bay Tân Sơn Nhất lại vướng mặt bằng- Ảnh 3.

Sáng 30/1, công trường đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa thi công nhộn nhịp. Phần bên trái tuyến đang được lu lèn để chuẩn bị thảm bê tông nhựa lớp 1.

Sau phá dỡ bức tường hơn 30 năm, đường xuyên sân bay Tân Sơn Nhất lại vướng mặt bằng- Ảnh 4.

Sau khi thảm bê tông nhựa lớp 1 bên trái tuyến, nhà thầu sẽ di dời các trụ điện dọc đường C12 (bên phải) để tháo dỡ rào tôn hợp nhất tuyến.

Sau phá dỡ bức tường hơn 30 năm, đường xuyên sân bay Tân Sơn Nhất lại vướng mặt bằng- Ảnh 5.

Mặc dù vậy, gói thầu vẫn đang vướng mặt bằng tại vị trí 9 hộ dân (góc phải) nên chưa thể thông suốt với gói thầu số 12 hướng về hầm chui Trần Quốc Hoàn - Phan Thúc Duyện.

Sau phá dỡ bức tường hơn 30 năm, đường xuyên sân bay Tân Sơn Nhất lại vướng mặt bằng- Ảnh 6.

Trụ cầu vượt thuộc gói thầu số 12 dẫn vào cầu tầng rẽ xuống nhà ga T3 Cảng HKQT Tân Sơn Nhất.

Sau phá dỡ bức tường hơn 30 năm, đường xuyên sân bay Tân Sơn Nhất lại vướng mặt bằng- Ảnh 7.

Gói thầu số 12 thi công trên phần đất đã được Bộ Quốc phòng bàn giao cho TP.HCM nên không còn vướng mặt bằng.

Sau phá dỡ bức tường hơn 30 năm, đường xuyên sân bay Tân Sơn Nhất lại vướng mặt bằng- Ảnh 8.

"Rừng" cẩu trục thi công xây dựng của công trình đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa và nhà ga T3 Cảng HKQT Tân Sơn Nhất.

Sau phá dỡ bức tường hơn 30 năm, đường xuyên sân bay Tân Sơn Nhất lại vướng mặt bằng- Ảnh 9.

Điểm cuối tuyến đường nối Trần Quốc Hoàn ra khu vực ngã 3 Cộng Hòa - Trường Chinh. Tuyến đường xuyên qua bên hông sân bay Tân Sơn Nhất sẽ phá vỡ hình thế mũi tàu thường xuyên ùn tắc cổ chai để chuyển thành ngã 4 thông thoáng.

Sau phá dỡ bức tường hơn 30 năm, đường xuyên sân bay Tân Sơn Nhất lại vướng mặt bằng- Ảnh 10.

Với hướng tuyến hiện tại, nhiều ý kiến lo ngại cho rằng, dự án sẽ giải quyết tạm thời ùn tắc trên tuyến Cộng Hòa nhưng sẽ đẩy tình trạng ùn tắc vào tuyến đường Trường Chinh nhiều hơn, đặc biệt là đoạn từ giao lộ Trường Chinh - Phạm Văn Bạch đến ngã tư An Sương.



Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.