Pháp đình

Sáu Phấn rút ruột TrustBank: Tăng vốn ảo, bán cổ phần khống lấy tiền

19/01/2018, 07:03

Ban lãnh đạo TrustBank nâng vốn điều lệ từ 1.000 lên 3.000 tỷ đồng thực chất là nâng khống vốn điều lệ...

21

Trưa 24/3/2017, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khám xét nhà và tống đạt quyết định khởi tố đối với bà Hứa Thị Phấn, cựu lãnh đạo Ngân hàng Đại Tín - TrustBank, nay là Ngân hàng Xây dựng Việt Nam - VNCB

Tăng vốn ảo từ 1.000 lên 3.000 tỷ đồng

Năm 2010, lợi dụng chủ trương thực hiện theo nghị định của Chính phủ yêu cầu tất các ngân hàng phải có vốn điều lệ từ 3.000 tỷ đồng, nếu không sẽ buộc phải sáp nhập hoặc giải thể (tại thời điểm này TrustBank chỉ có 1.000 tỷ đồng), bà Hứa Thị Phấn đã nhờ 29 đối tượng là người thân, quen đứng tên thế chấp tại chính TrustBank để vay tổng cộng hơn 3.581 tỷ đồng. Sau đó, bà Phấn góp ngược TrustBank 2.000 tỷ đồng và mua lại 84,92% cổ phần để thành cổ đông lớn nhất tại ngân hàng này.

Số tiền vay còn lại 1.581 tỷ đồng bà Phấn sử dụng với mục đích cá nhân. Hành vi này có đấu hiệu của tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Sau khi chiếm quyền sở hữu TrustBank, từ đây bà Phấn đứng đầu cấu kết với các cựu lãnh đạo ngân hàng quay lại tiếp tục “rút ruột” chính ngân hàng này bằng nhiều thủ đoạn khác nhau. Từ một ngân hàng có vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng, qua nhiều lần dùng thủ đoạn bằng hình thức tăng vốn dưới thời bà Phấn, TrustBank mất luôn vốn và ngày càng âm vốn nặng.

Theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng, tổng dư nợ cấp tín dụng với một khách hàng không được vượt quá 15% vốn tự có, tổng dư nợ cấp tín dụng một số khách hàng và người có liên quan không được vượt quá 25% vốn tự có. Tuy nhiên, các cựu lãnh đạo TrustBank vẫn sẵn sàng cho bà Phấn vay với số tiền lên tới 3.581 tỷ đồng, cao gấp trên 3 lần vốn điều lệ của TrustBank. Hành vi cho vay này của những cựu lãnh đạo TrustBank là vi phạm và có dấu hiệu của tội “Vi phạm quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.

Bán cổ phần khống lấy tiền thật

Việc TrustBank đã cho nhiều khách hàng cá nhân vay với số tiền rất lớn, sau đó giao lại cho bà Phấn sử dụng là sai mục đích đã thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng. Việc nhóm khách hàng lập hồ sơ vay vốn như trên thể hiện sự cố tình lừa dối, che đậy mục đích vay vốn và sử sụng vốn vay. Tuy nhiên, từ cán bộ thẩm định đến Hội đồng tín dụng phê duyệt các cấp đã không tuân thủ hoặc cố tình không tuân thủ nghiêm túc các quy định của pháp luật, của Ngân hàng Nhà nước cũng như TrustBank về cho vay. Điều này dẫn đến một phần lớn tiền huy động tiền gửi của các cá nhân, tổ chức tại TrustBank trở thành nguồn tiền phục vụ cho bà Phấn lũng đoạn.

Theo kết luận điều tra, bị can Hứa Thị Phấn lợi dụng việc nắm giữ hơn 84% vốn điều lệ Ngân hàng Đại Tín, đã nắm giữ chi phối, điều hành mọi hoạt động của ngân hàng này. Trong đó, liên quan đến 5 hành vi: Nâng khống giá căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch bán cho Đại Tín, chiếm đoạt và gây hại cho Đại Tín 1.105 tỷ đồng; hạch toán thu khống gây thiệt hại 5.256 tỷ đồng; thông qua 29 khoản vay của nhóm Phú Mỹ chiếm đoạt và sử dụng hơn 3.581 tỷ đồng; chỉ đạo Ngân hàng Đại Tín đầu tư trái pháp luật vào 4 dự án bất động sản, chiếm đoạt và sử dụng hơn 1.037 tỷ đồng và nâng khống 25 bất động sản khác bán cho Đại Tín để chiếm đoạt và sử dụng hơn 1.024 tỷ đồng.

Chưa kể, với 29 hồ sơ vay của những người đứng thay bà Phấn, được thế chấp chủ yếu là đất nông nghiệp tại huyện Nhà Bè với giá từ 200 nghìn đồng/m2 đã được TrustBank nâng khống lên để thế chấp cao gấp 400 lần giá trị thực, từ 8 - 32 triệu đồng/m2. Sau đó, 29 đối tượng này ủy quyền cho bà Phấn dùng số tiền này góp vốn vào TrustBank, tương đương 84,7% vốn điều lệ. Đây là một thủ đoạn tinh vi để vừa rút ruột ngân hàng và vừa thâu tóm cổ phần của ngân hàng.

Thực tế, từ năm 2012, Thanh tra Ngân hàng Nhà nước đã vào cuộc và phát hiện không ít sai phạm của nhóm lãnh đạo cũ TrustBank và bà Phấn. Cụ thể, 100% khách hàng đã kiểm tra cho thấy, phương án vay vốn chỉ mang tính hình thức, sơ sài, không có tài liệu chứng minh làm cơ sở đánh giá tính khả thi và hiệu quả cũng như không xác định được nguồn thu nhập. 100% khách hàng đã kiểm tra cho thấy, hồ sơ vay không có phương án đầu tư, thiếu chứng từ chứng minh việc sử dụng góp vốn đầu tư. Nếu không có sự cấu kết chặt chẽ giữa Hứa Thị Phấn và các cựu lãnh đạo TrustBank, liệu rằng những nghiệp vụ bình thường trong thẩm định giá đất từ 200 nghìn đồng lên tới 32 triệu đồng có thể thực hiện trót lọt? Hay việc thẩm định hồ sơ vay lên tới hàng nghìn tỉ đồng… mà không có phương án kinh doanh có được chấp thuận? Làm sao 3.581 tỷ đồng bà Phấn có thể vay một cách đơn giản như vậy?

Ban lãnh đạo TrustBank nâng vốn điều lệ từ 1.000 lên 3.000 tỷ đồng thực chất là nâng khống vốn điều lệ bằng thủ đoạn nhờ người đứng tên vay, đứng tên mua cổ phần, sau đó ủy quyền cho bà Phấn nắm giữ rồi bán cổ phần cho Phạm Công Danh để lấy số tiền hơn 4.619 tỷ đồng. Đây là hành vi khác nữa của bà Phấn khi bán cổ phần khống để lấy tiền thật.

Tình tiết mới trong vụ Phạm Công Danh giai đoạn 2 Trước giờ nghỉ giải lao của phiên xét xử chiều 17/1, bị cáo Phạm Công Danh, nguyên Chủ tịch HĐQT VNCB, nguyên Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thiên Thanh tiết lộ tình tiết mới liên quan đến Công ty Phương Trang. Theo kết luận điều tra mới nhất về TrustBank, Công ty Phương Trang chỉ nợ ngân hàng 3.936 tỷ đồng chứ không phải 9.437 tỷ đồng như bà Phấn và TrustBank ghi nợ. “Bây giờ thông qua luật sư, được biết chính xác kết luận điều tra rất rõ ràng về khoản nợ này. Kính mong HĐXX xem xét vì đây là tình tiết mới không có trong giai đoạn 1. Đây là nguyên nhân chính gây ra hậu quả khiến chúng tôi rất vất vả”, bị cáo Phạm Công Danh nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.