Chuyện dọc đường

Sau tất cả, lại… hòa cả làng!

30/09/2019, 09:43

Sau nhiều cuộc ra quân rầm rộ, tốn kém, vỉa hè vẫn y nguyên lấn chiếm và cũng không có ai bị xử lý trách nhiệm.

img
Người đi bộ luồn lách giữa những hàng xe máy trên vỉa hè phố Thái Hà, Hà Nội

Còn nhớ, tại một hội nghị về đảm bảo ATGT, trật tự đô thị của TP Hà Nội diễn ra vào đầu tháng 3/2017, trực tiếp Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã có thông điệp rất cứng rắn về việc thiết lập trật tự vỉa hè khi công bố thông tin: “Trong 180 quán bia hơi vỉa hè thì 150 quán có công an đứng sau”. Chủ tịch Hà Nội cũng nói: “2017 là năm kỷ cương hành chính, nếu để các đoàn kiểm tra công vụ phát hiện vi phạm, thành phố sẽ xem xét nhấc một vài đồng chí đi...”.

Sau những phát ngôn mạnh mẽ ấy, lãnh đạo nhiều quận, huyện tại Hà Nội còn có tâm thư gửi đến người dân để mong người dân ý thức trong việc giữ gìn trật tự vỉa hè, lòng đường. Cùng đó, đồng loạt nhiều quận, huyện tổ chức những chiến dịch ra quân rầm rộ xử lý vi phạm trật tự xây dựng, lấy lại vỉa hè cho người đi bộ. Dù chưa có công bố chính thức số tiền bỏ ra để huy động nhân lực và máy móc để tháo dỡ, xử lý vi phạm vỉa hè là bao nhiêu, nhưng mọi người đều hiểu, đó là những con số không hề nhỏ và rất tốn kém.

Nhưng đến nay thì sao? Vỉa hè vẫn y nguyên lấn chiếm sau nhiều lần ra quân, đã có ai bị xử lý trách nhiệm chưa? Người đứng đầu thành phố có xử lý cán bộ nào do không hoàn thành nhiệm vụ trong dẹp loạn vỉa hè? Theo thông tin mà chúng ta biết, chẳng có ai bị xử lý cả. Vậy là sau các chiến dịch đó lại hòa cả làng?!

Tôi cho rằng, việc tái lấn chiếm vỉa hè xuất phát từ ý thức người dân. Song điều cốt yếu nhất vẫn là sự buông lỏng quản lý, thiếu quyết liệt của các cơ quan chức năng. Chỉ khi chính quyền làm nghiêm, mới mong dẹp được vỉa hè.

Rõ ràng chúng ta ai cũng thấy, hiện vỉa hè được quản lý rất tùy tiện và phụ thuộc hoàn toàn vào sự vào nhiệt tình hay không của các địa phương. Và năng lực quản trị, vai trò của địa phương cũng hoàn toàn có thể đong đếm được để xử lý nếu không hoàn thành nhiệm vụ. Hiện chúng ta đã có phân cấp rất rõ, quản lý lòng đường là của sở GTVT. Còn vỉa hè thuộc về địa phương, của các quận, huyện. Quận, huyện giao lại cho các phường, xã.

Các quận, huyện, phường, xã đều có trong tay lực lượng tuần tra, kiểm soát, xử lý, đồng thời có ngân sách hỗ trợ, chi trả kinh phí, nhưng vẫn không kiểm soát được vỉa hè. Điều đó thể hiện năng lực quản trị yếu kém hoặc vô trách nhiệm, cố tình không thực hiện. Cả hai yếu tố đó đều có thể quy trách nhiệm để xử lý.

Người đứng đầu thành phố từng cam kết mạnh mẽ dẹp loạn vỉa hè để trả lại người đi bộ. Tôi cho rằng, đã hứa thì phải làm đến cùng, nếu hứa suông sẽ đánh mất đi uy tín của người đứng đầu. Nếu đã giao trách nhiệm quản lý cho các quận, huyện, nơi nào không hoàn thành nhiệm vụ đều phải xử lý nghiêm. Chỉ có như vậy mới tạo được niềm tin và sự quyết liệt vào cuộc của các cơ quan chức năng.

Lê Tươi (Ghi)

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.