Sau một tháng thực hiện “thích ứng linh hoạt, an toàn với dịch Covid-19”, dù số ca bệnh trong cộng đồng cả nước tăng 2,9%, nhưng số ca nặng, nguy kịch giảm 40,8%, đặc biệt số ca tử vong giảm 46,3%.
Tính đến ngày 24/11, cả nước đã tiêm được 112.944.634 liều vaccine Covid-19
Phần lớn ca Covid-19 trở nặng chưa tiêm đủ vaccine
BS. Phạm Văn Phúc, Phó trưởng Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, nơi đây đang điều trị khoảng 500 bệnh nhân Covid-19.
Hầu hết bệnh nhân được chuyển tới từ các tỉnh lân cận, nhiều nhất là tại: Hưng Yên, Phú Thọ, Nam Định, Hà Nam, Hà Nội...
Họ đều trong tình trạng suy hô hấp, một số phải can thiệp đặt ống nội khí quản, thở máy ngay khi vào viện.
“Hiện, có khoảng 50 ca nặng và nguy kịch. Đa số bệnh nhân là người cao tuổi, nhiều bệnh nền như tăng huyết áp, tiểu đường... Trong đó, một số trường hợp chưa tiêm vaccine, phần còn lại tiêm chưa đủ liều hoặc chưa đạt thời gian tối thiểu để có kháng thể sau tiêm (2 tuần) làm tăng nguy cơ diễn tiến nặng, nhất là với đối tượng người cao tuổi, người mắc bệnh nền”, BS. Phúc cho biết.
Theo thống kê của Bộ Y tế tính đến ngày 20/11, số ca mắc Covid-19 cả nước có xu hướng gia tăng mạnh với con số trung bình khoảng 9 nghìn ca nhiễm mới mỗi ngày trong 1 tuần gần đây (có ngày vượt qua con số 10 nghìn ca nhiễm mới), tăng hơn gấp 2 lần so với thời điểm đầu tháng 10, tuy nhiên số ca nhập viện trở nặng và tử vong lại giảm đáng kể.
Cụ thể, so với tháng trước đó, số ca cộng đồng cả nước tăng 2,9%, nhưng số ca tử vong giảm 46,3%, số đang điều trị tại bệnh viện giảm 25,3%, số ca nặng, nguy kịch giảm 40,8%.
Tại Hà Nội, với khoảng 2.600 bệnh nhân đang điều trị, nhưng số bệnh nhân chuyển nặng đang phải hỗ trợ thở oxy, thở máy chỉ ở con số gần 30 ca.
Trong khi thông thường số bệnh nhân nặng, cần hỗ trợ thở phải chiếm 10%/tổng số bệnh nhân. Việc tiêm phủ vaccine và điều trị sớm đã có ý nghĩa lớn trong việc giảm số bệnh nhân chuyển nặng và số ca tử vong.
Còn tại TP.HCM, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế TP.HCM cho biết, trong số các trường hợp đã tiêm đủ 2 liều vaccine bị mắc Covid-19, có 81% F0 không có triệu chứng và có kết quả xét nghiệm âm tính ở ngày thứ 7…
Mặc dù vậy, theo khuyến cáo của BS. Phúc, tiêm vaccine giúp giảm nguy cơ bệnh tiến triển nặng nhưng vaccine chỉ bắt đầu có hiệu quả, giúp sản sinh miễn dịch ở ít nhất 2 tuần sau tiêm.
Bên cạnh đó, cần lưu ý, người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine vẫn có nguy cơ mắc bệnh và lây bệnh cho người khác, do vậy người dân không nên chủ quan, cần nghiêm túc thực hiện quy định phòng dịch của ngành y tế.
Tăng cường phủ rộng 2 mũi vaccine và chiến lược tiêm mũi 3
Theo một chuyên gia về dịch tễ học, tuy vaccine giúp giảm nguy cơ lây nhiễm và đặc biệt giảm sâu khả năng chuyển bệnh nặng/tử vong, vẫn có người vaccine không tạo được bảo vệ, điều này hay xảy ra ở những người có sức đề kháng kém, miễn dịch suy yếu như người già, người có bệnh nền, người đang điều trị thuốc gây suy giảm miễn dịch…
Do vậy, phải kết hợp “3 mũi giáp công” để giảm bệnh nặng/tử vong ở nhóm này, bao gồm việc tiêm mũi 3 tăng cường cho người già, người có bệnh nền sau mũi 2 khoảng 6 tháng; Đảm bảo tiêm chủng đầy đủ cho người thân, người chăm sóc những người có nguy cơ cao; Giảm virus lưu hành trong cộng đồng bằng các biện pháp giãn cách, tránh tụ tập, đeo khẩu trang, vệ sinh và tăng cường tiêm chủng cho các nhóm còn lại.
Đánh giá về hiệu quả của vaccine Covid-19 trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, BS. Phạm Quang Thái, Phó trưởng Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết: “Theo kết quả nghiên cứu liên quan đến khả năng bảo vệ chung của vaccine phòng Covid-19, thời gian từ khi có liều tiêm thứ 2 trở đi thì càng xa nguy cơ nhiễm đột phá (nhiễm Covid-19 sau khi đã tiêm đủ 2 mũi vaccine) càng lớn, hiệu quả bảo vệ giảm nhiều. Tuy nhiên, điều đáng mừng là dù việc bảo vệ chống nhiễm giảm dần theo thời gian nhưng khả năng bảo vệ nguy cơ nhiễm nặng và nhập viện không giảm quá nhiều. Như đã thấy chỉ 14 ngày sau tiêm mũi 2 vaccine, chúng ta đã giảm 94% nguy cơ nhập viện và thể nặng”.
Ông Thái cũng thông tin thêm, vaccine phòng Covid-19 đến nay an toàn, mục tiêu chính là giảm nặng và tử vong, thực tế đã cho thấy hiệu quả trong thời gian vừa qua.
Điều này giúp giảm quá tải y tế, giảm tử vong theo ngày, với cả chục ngàn ca mắc nhưng con số tử vong đã giảm còn vài chục ca...
“Việc tiêm đủ liều vaccine cũng giảm lây nhiễm với bằng chứng rất rõ ràng, người tiêm đủ, thời gian đào thải virus ngắn hơn và thời gian thanh thải virus rất nhanh, dù vẫn có thể lây cho người khác nhưng ít nguy cơ cho cộng đồng. Bởi, vẫn xuất hiện các trường hợp tiêm đủ 2 mũi nhưng vẫn nhiễm bệnh hoặc ở thể nặng, mặc dù thường gặp ở đối tượng miễn dịch không tốt. Do vậy, cần có chiến lược tiêm mũi tăng cường - mũi thứ 3”, ông Thái thông tin.
Gần đây, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Thuốc - FDA (Mỹ) đã thực hiện tiêm vaccine Covid-19 bổ sung, đặc biệt với nhóm người trên 65 tuổi hoặc nhóm có nguy cơ tiếp xúc cao, hoặc nhóm sử dụng vaccine đơn liều…
Tại Việt Nam, Bộ Y tế cũng đã có công văn đề nghị các địa phương rà soát, thống kê trường hợp tiêm đủ 2 liều vaccine Covid-19 để xây dựng kế hoạch tiêm mũi 3, trong đó ưu tiên người trên 50 tuổi.
Trên 45 triệu người đã tiêm đủ 2 liều vaccine
Từ tháng 3/2021 đến nay, Việt Nam đã tiếp nhận và phân bổ tổng số gần 135 triệu liều vaccine Covid-19, trong đó vaccine Sinopharm nhiều nhất với 48,5 triệu liều, tiếp đến là AstraZeneca với hơn 46,7 triệu liều; vaccine Pfizer và Moderna hơn 33,3 triệu liều, còn lại là vaccine Abdala và Sputnik V.
Cập nhật trên cổng thông tin tiêm chủng Covid-19 đến ngày 24/11 cho thấy, cả nước đã tiêm được 112.944.634 liều vaccine Covid-19, trong đó 45.120.629 người đã tiêm đủ liều vaccine.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận