Bà Kanika Ounjit, Phó phát ngôn viên Chính phủ, cho biết thực tế xyanua hoàn toàn có thể dễ dàng tìm thấy trong đời sống hàng ngày, trong các loại rau quả như gạo, lúa mỳ, đào, xoài. Trong công nghiệp, xyanua dùng để sản xuất nylon và nhất là thuốc trừ sâu.
Xyanua có độc tính cao. Khi nuốt phải một lượng nhỏ chất độc, các cơ quan trong hệ thần kinh trung ương, gan, thận và tim sẽ bị ảnh hưởng ngay lập tức.
Mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng phụ thuộc vào lượng chất độc, thời gian tiếp xúc với chất độc và cách thức chất độc xâm nhập vào cơ thể, có thể là qua đường ăn uống, hô hấp hay hấp thụ qua da.
Nếu nuốt phải một lượng vừa đủ xyanua, cơ thể sẽ phản ứng ngay lập tức với các triệu chứng như nhức đầu, đánh trống ngực, mặt đỏ bừng, khó thở, sau đó là co giật, ngất xỉu, ngừng hô hấp và ngừng tim. Tất cả có thể diễn ra chỉ trong vòng 10 phút.
Nếu nạn nhân uống phải một lượng nhỏ xyanua liên tục trong thời gian dài sẽ gây ức chế hệ thần kinh và hô hấp, gây đau đầu, buồn ngủ, buồn nôn, nôn mửa, đánh trống ngực và các triệu chứng khác như giãn đồng tử, cơ thể lạnh toát, suy nhược, chậm chạp, khó thở. Nếu không được điều trị sau thời gian dài, nạn nhân sẽ tử vong.
Chính phủ Thái Lan đồng thời cảnh báo người dân về việc xyanua được phân loại vào chất độc hại Loại 3 theo Mục 23 và mục 73, Đạo luật về các chất độc hại năm 1992.
Bất kỳ ai sản xuất, trao đổi, xuất nhập khẩu hoặc sở hữu trái phép chất độc hại Loại 3 sẽ bị phạt tù lên tới 2 năm hoặc phạt tiền tới 200.000 baht (gần 140 triệu đồng), hoặc phải chịu cả hai hình phạt.
Tới thời điểm hiện tại, Sở Cảnh sát Thủ đô Bangkok cho biết lực lượng chức năng đang nỗ lực điều tra nguồn gốc xyanua được sử dụng trong vụ án mạng khiến 6 người bao gồm 4 công dân Việt Nam tử vong tại một khách sạn cao cấp ở Bangkok hôm 16/7.
Theo Thiếu tướng Witthawat Chinkham, Chỉ huy Phòng 5 Cảnh sát Hình sự, Sở Cảnh sát Thủ đô, cảnh sát đang điều tra xem xyanua đã bị đưa trái phép vào nước này hay được mua ngay tại địa phương.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận