Tập đoàn Mai Linh là một trong số những doanh nghiệp nợ BHXH đang cầu cứu xin giãn nợ trong vòng 20 tháng - Ảnh: Tạ Tôn |
Chấp nhận xử phạt để nợ đọng bảo hiểm
Sự việc mới đây Mai Linh gửi đơn “cầu cứu” xin giãn nợ 180 tỷ đồng BHXH đã khiến dư luận không khỏi giật mình bởi đây vốn là một tập đoàn từng nổi danh một thời về GTVT và bất động sản. Ông Hồ Huy, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Mai Linh chia sẻ: “Bản kiến nghị trên dành cho các công ty con nằm trong hệ thống của Mai Linh đang khủng hoảng, làm ăn không hiệu quả… Lẽ ra, khi các công ty này dừng hoạt động hay phá sản, Nhà nước sẽ thất thu 180 tỷ đồng. Tuy nhiên, với trách nhiệm người đứng đầu tập đoàn, tôi đã làm công văn kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét cho Mai Linh trả số nợ trên trong vòng 20 tháng”.
Đáng chú ý, theo quy định của Bộ luật Hình sự sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/1/2018 đối với tội gian lận BHXH, tội trốn đóng BHXH từ 1 tỷ đồng trở lên, ngoài việc chủ DN bị phạt tiền lên tới 1 tỉ đồng, còn có thể bị phạt tù đến 7 năm. Hiện, số nợ đọng BHXH phải tính lãi của cả nước đã lên tới hơn 5.000 tỷ đồng. Riêng tại Hà Nội, chỉ tính số DN nợ BHXH kéo dài, khó thu với số tiền nợ từ 1 tỷ đồng trở lên đã có tới gần 400 đơn vị. Trong đó, đa phần là các DN thuộc lĩnh vực giao thông, xây dựng, may mặc.
"Để xử lý hình sự hành vi gian lận, trốn đóng BHXH, cần thiết phải có hướng dẫn thật cụ thể của Hội đồng thẩm phán - Tòa án nhân dân Tối cao về các hành vi “gian lận”, “gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác” để không đóng hoặc không đóng đầy đủ theo quy định. Trong thời gian tới, Bộ LĐ,TB&XH sẽ phối hợp tích cực với các cơ quan có liên quan xây dựng các văn bản hướng dẫn cụ thể để triển khai nội dung nêu trên của Bộ luật Hình sự”. Ông Trần Quân |
Trong nhóm DN đứng đầu danh sách này, có những cái tên rơi vào tình thế ngừng hoạt động đã lâu, chẳng hạn như: Chi nhánh Công ty CP Ô tô Xuân Kiên VINAXUKI (Mê Linh, Hà Nội) với số nợ BHXH lên tới hơn 9,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, DN nợ nhiều nhất lại là Công ty TNHH May mặc xuất khẩu VIT Garment (KCN Quang Minh, Mê Linh, Hà Nội) với số nợ BHXH hơn 15,4 tỷ đồng. Nếu tính cả nợ BHYT, Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và lãi chậm đóng thì tổng số tiền mà DN này đang nợ cơ quan bảo hiểm lên tới hơn 24 tỷ đồng. Đây là DN may mặc xuất khẩu 100% vốn đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư hơn 13 triệu USD, hoạt động chính thức từ năm 2003, tới nay có khoảng 900 lao động đang làm việc. Theo tìm hiểu, DN này vẫn liên tục rao tuyển lao động với thông tin hoạt động khá hấp dẫn không có bất kỳ dấu hiệu khó khăn nào.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Mai Đức Thắng, Phó trưởng Ban Thu (BHXH Việt Nam) cho biết, tình trạng trốn đóng BHXH rất đa dạng, nhiều hình thức. “Có nhiều trường hợp DN có thu tiền bảo hiểm nhưng không đóng lại; có DN hoạt động có lãi nhưng vẫn trốn đóng, hoặc chây ỳ; cũng có cả DN thực sự khó khăn, mất khả năng thanh toán...”, ông Thắng nói.
Đánh giá tác động của chế tài xử lý hình sự đối với hành vi cố tình trốn đóng BHXH, ông Thắng nhận định: “Bộ luật Hình sự mới có hiệu lực từ ngày 1/1/2018, thực tế nhiều DN cũng chưa để ý tới quy định này. Vì vậy, phải đợi tới cuối năm 2018 mới có thể đánh giá ý thức chấp hành của DN sau khi áp dụng luật mới như thế nào”.
Cũng theo vị Phó trưởng Ban Thu (BHXH Việt Nam), hiện tại cơ quan bảo hiểm vẫn đang phân loại các trường hợp nợ đọng BHXH để có cách xử lý phù hợp. Cụ thể, trường hợp DN nộp chậm dưới 1 tháng sẽ bị nhắc nhở; nộp chậm từ 2-3 tháng bắt đầu tính lãi chậm đóng; nộp chậm từ 3 tháng trở lên tiến hành thanh tra, ra quyết định xử phạt... “Dù chưa có thống kê cụ thể, song số DN làm ăn có lãi nhưng chây ỳ trốn đóng BHXH cũng không phải ít, thậm chí họ còn chấp nhận xử phạt để nợ đọng bảo hiểm. Thời gian tới, chúng tôi sẽ xem xét, sàng lọc số DN này, chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra xử lý để nêu gương”, ông Thắng nhận định.
Gian nan đòi nợ đọng BHXH
Năm 2017, BHXH Việt Nam đã thực hiện trên 4.000 cuộc thanh tra tại các DN, đơn vị nợ kéo dài. “Sau khi ra quyết định xử phạt chỉ khoảng 40-50% DN chịu khắc phục. Tuy nhiên, rất ít đơn vị khắc phục hết, đa số chỉ khắc phục được một phần, chấp nhận nộp phạt để duy trì số nợ”, ông Thắng cho hay. Đòi nợ BHXH đối với DN đang hoạt động đã khó, với DN đã giải thể, phá sản hoặc chủ DN trốn khỏi địa bàn… chẳng khác nào “mò kim đáy bể”.
Thống kê cho thấy, cả nước hiện có khoảng 8.000 DN đang “mất tích”, để lại số nợ BHXH khoảng 2.000 tỷ đồng. “Số nợ này rất khó, thậm chí không có khả năng thu hồi, song vẫn đang treo trong sổ và được báo cáo chậm đóng”, ông Thắng nói và dẫn giải: “Theo luật, nợ BHXH không thuộc dạng nợ ưu tiên mà DN phá sản, giải thể phải trả. Còn nhớ, cách đây hai năm, một DN nước ngoài tại Khánh Hòa phá sản, sau khi giải quyết các khoản nợ ưu tiên, vẫn còn dư ra một số tiền. Khi cơ quan bảo hiểm đến hỏi, đơn vị thi hành án cho biết vẫn còn 5 chủ nợ khác, vậy nên nếu trả thì sẽ chia đều. Vậy là BHXH Việt Nam phải mở một cuộc làm việc với Tổng cục Thi hành án, Viện KSND Tối cao. Sau đó, các bên mới chấp nhận vận dụng ưu tiên chi trả cho BHXH để chốt sổ giải quyết chế độ hơn 200 lao động của DN trên”.
Được biết, ngay từ năm 2016, công đoàn các cấp đã được giao chức năng khởi kiện DN trốn đóng BHXH cho người lao động ra tòa. Tuy nhiên, tới nay chưa có một vụ kiện nào diễn ra. “Luật quy định là vậy nhưng thực hiện đâu phải dễ. Muốn đủ thủ tục hồ sơ khởi kiện, từng lao động trong DN phải ủy quyền cho công đoàn. Hơn nữa, tổ chức công đoàn cơ sở hiện nay vẫn ăn lương của DN thì sao có thể khởi kiện chủ được?”, ông Thắng nhận định.
Nói về tình trạng DN khó khăn xin hoãn, giãn thời gian nộp BHXH, ông Thắng cho biết, BHXH chỉ là cơ quan tổ chức thu, không có quyền quyết định vấn đề này. Tuy nhiên, trong thời gian tới, Bộ LĐ,TB&XH và BHXH Việt Nam sẽ xây dựng dự thảo Nghị định xử lý nợ BHXH. Theo đó, sẽ có những phương án hỗ trợ đối với trường hợp khó khăn phải ngừng hoạt động. “Sẽ có 3 phương án được đề xuất, trong đó có phương án dùng quỹ tiền lãi chậm đóng BHXH để hỗ trợ đóng bù cho chủ DN, chốt sổ bảo hiểm, đảm bảo quyền lợi cho người lao động khi chuyển sang đơn vị mới”, ông Thắng cho biết.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận