Có Luật An ninh mạng, sẽ giải quyết được vấn nạn tin xấu độc
Chiều 8/11, trả lời chất vấn ĐB Nguyễn Hồng Hải (đoàn Bình Thuận), Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, hiện Facebook và Google chưa lưu dữ liệu tại Việt Nam. Sắp tới, nghị định hướng dẫn Luật An ninh mạng mới ban hành sẽ hướng dẫn về việc này.
Bộ Thông tin và truyền thông cũng sẽ trình Thủ tướng ban hành Bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng theo yêu cầu của Quốc hội và coi đây như một đạo luật đạo đức về ứng xử của không gian mạng. Hiện Việt Nam đã có Luật An ninh mạng, Thủ tướng cũng đã giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin truyền thông để sớm có quy định về xử lý tin giả.
“Nếu cả xã hội chung tay thì cơ bản sẽ giải quyết được tình trạng thông tin xấu độc trên không gian mạng sau khi hệ thống văn bản pháp luật được đầy đủ”, ông Hùng khẳng định và thông tin thêm, tin xấu độc trên mạng xã hội là câu chuyên mang tính toàn cầu, cả thế giới đang phải đối diện, không chỉ riêng nước ta.
Các loại dữ liệu đều là tài nguyên quốc gia
Chiều 8/11, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm báo cáo trước Quốc hội về vấn đề an ninh mạng. Theo Bộ trưởng Tô Lâm, đây là vấn đề toàn cầu, toàn thế giới. Tất cả các quốc gia đều quan tâm đến vấn đề an ninh mạng và không có một diễn đàn quốc tế nào không đề cập.
“Chúng tôi cũng thấy không có một quốc gia nào đủ lực để có thể đối phó được với vấn đề về an ninh mạng, đều phải có liên minh liên kết với nhau để xử lý vấn đề này”, Bộ trưởng Tô Lâm nói.
Đối với Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Công an nhận thấy đang đứng trước rất nhiều thách thức. Có người nói rằng chúng ta đang phải đối mặt với cuộc chiến tranh mạng. Đây là vấn đề rất phức tạp. Vừa qua Đảng, Nhà nước, Quốc hội đã ban hành rất nhiều Nghị quyết, Luật để giữ gìn an ninh mạng và phục vụ cho phát triển kinh tế của đất nước.
Về vấn đề tội phạm mạng mà các đại biểu quan tâm, Bộ trưởng Công an cho biết, có một số khó khăn bởi đây là loại tội phạm ẩn danh; hoạt động trên tất cả các mặt đời sống, kinh tế, văn hoá, xã hội.
“Ngoài những mặt đã đấu tranh xử lý, chúng tôi đang rất quan tâm đến một số lĩnh vực khác như thương mại điện tử, nguồn gốc xuất xứ hàng thật - hàng giả, buôn lậu, trốn thuế… đều có thể diễn ra trên không gian mạng”, Bộ trưởng Tô Lâm nói.
Về vấn đề trung tâm dữ liệu quốc gia, Bộ trưởng Tô Lâm cho hay, những vấn đề liên quan đến khó khăn nguồn vốn hiện nay đã được giải quyết một bước. Mọi việc đang được tiến hành tốt, có thể đáp ứng được các yêu cầu của việc xây dựng trung tâm dữ liệu quốc gia. "Chúng ta phải quan tâm đến việc bảo vệ bí mật quốc gia vì các loại dữ liệu đều là tài nguyên quốc gia, đều là chủ quyền quốc gia", Bộ trưởng Tô Lâm nói.
Về vấn đề xây dựng hệ thống mạng xã hội trong nước đủ mạnh để có thể cạnh tranh và tiến tới thay thế dần mạng xã hội nước ngoài, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, đây là vấn đề đã được chú trọng. Khi ông nhận nhiệm vụ làm Bộ trưởng, việc đầu tiên ông làm là thành lập tổ công tác hỗ trợ phát triển mạng xã hội Việt Nam và đặt mục tiêu số lượng phải tương đương mạng xã hội nước ngoài.
Sau một năm tập trung làm việc, ông Hùng cho biết mạng xã hội Việt Nam đã tăng trưởng 30%, đưa số người dùng từ 50 triệu lên 65 triệu người. “Nếu tiếp tục đẩy mạnh cộng với sự hỗ trợ của người dân ưu tiên dùng hàng Việt Nam thì tới năm 2020 sẽ có 90 triệu người dùng”, ông Hùng nói.
Bộ trưởng Hùng nhấn mạnh, cần phải tập trung để con số người dùng mạng xã hội Việt Nam tương đương với số người dùng mạng xã hội nước ngoài ở nước ta hiện nay. Bởi theo ông Hùng, hiện rất nhiều người nghĩ gì, nói gì, yêu ai, mua gì... đều thông qua mạng xã hội. “Nếu tất cả các thông tin đó ở trên một mạng xã hội nước ngoài, nghĩa là não người Việt Nam chỉ tập trung vào một chỗ và chỗ này không nằm ở Việt Nam thì rất nguy hiểm. Bởi đây là an ninh quốc gia”, ông Hùng nói.
Tuy nhiên, theo ông Hùng, chúng ta không đặt mục tiêu thay thế mạng xã hội nước ngoài. Mỗi mạng xã hội có chức năng riêng, có không gian riêng, khách hàng riêng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận