Ngày 17/2, ông Võ Văn Chiêu, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Sóc Trăng cho biết, đơn vị đã nhận được “cầu cứu” của Công ty CP Mía đường Sóc Trăng (SOSUCO) về việc thu mua mía trong vùng nguyên liệu của Công ty này.
“Ngày mai Sở thành lập đoàn phối hợp cùng với Sở NN&PTNT và UBND huyện Cù Lao Dung xuống làm việc trực tiếp với Công ty Mía đường Sóc Trăng để có thông tin cụ thể và hướng xử lý sắp tới”, ông Chiêu cho hay.
Thu hoạch mía nguyên liệu trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.
Trước đó, SOSUCO đã có đề nghị Công ty CP Mía đường Thành Thành Công - Biên Hòa không tổ chức thu mua, tiếp nhận mía có nguồn gốc từ địa bàn tỉnh Sóc Trăng dưới bất cứ hình thức nào.
Theo ông Trần Ngọc Hiếu, Tổng Giám đốc SOSUCO, vụ sản xuất 2021-2022, SOSUCO đã ký hợp đồng đầu tư trực tiếp với bà con trồng mía trên địa bàn huyện Cù Lao Dung và huyện Long Phú (thuộc tỉnh Sóc Trăng). Toàn bộ diện tích này SOSUCO đã đầu tư giống, phân bón, chi phí nhân công... cho bà con.
Theo hợp đồng đã ký, người dân nhận đầu tư, cam kết bán toàn bộ sản lượng mía cho SOSUCO và SOSUCO cam kết thu mua hết sản lượng này.
Hiện nay, SOSUCO đang chuẩn bị vào vụ sản xuất 2021-2022. Để chuẩn bị cho công tác thu mua mía theo hợp đồng đầu tư đã ký với các hộ dân, SOSUCO đã thông báo và triển khai chính sách thu mua mía vụ 2021-2022 đến tất cả các địa bàn trong vùng nguyên liệu.
Giá mua mía và phương thức thu mua SOSUCO đã công bố công khai trên các phương tiện truyền thông và được chính quyền địa phương, bà con nông dân ủng hộ.
Hai huyện huyện Cù Lao Dung và huyện Long Phú (tỉnh Sóc Trăng) là hai địa phương có diện tích trồng mía nguyên liệu nhiều nhất trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.
“Tuy nhiên, từ tháng 12/2021 đến nay xuất hiện một số thương lái tổ chức thu mua mía trong vùng nguyên liệu của SOSUCO để bán cho Nhà máy đường Tây Ninh, thuộc Công ty CP Mía đường Thành Thành Công - Biên Hòa.
Thậm chí gần đây các thương lái này lập điểm tập kết thu mua mía và đã lắp đặt cẩu mía ngay giữa vùng nguyên liệu của SOSUCO”, nội dung văn bản SOSUCO gửi Công ty CP Mía đường Thành Thành Công (Biên Hòa) nêu.
Lãnh đạo SOSUCO cho rằng, việc làm trên đã gây mất ổn định ở địa phương, nhiễu loạn vùng nguyên liệu, phá vỡ chuỗi liên kết sản xuất mía đường mà SOSUCO đã dày công xây dựng tại địa bàn tỉnh Sóc Trăng, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến kế hoạch sản xuất của SOSUCO (do thiếu mía) và SOSUCO có nguy cơ mất vốn đầu tự do không thu hồi được từ việc thu mua mía.
Mặt khác việc thương lái tranh mua mía tại vùng nguyên liệu mà SOSUCO đã đầu tư sẽ tạo ra nhiều bất lợi cho chính sách phòng vệ thương mại mà Bộ Công thương đã và đang thực hiện.
Trước tình hình đó, để ổn định vùng nguyên liệu mía của SOSUCO và bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình, SOSUCO đề nghị Công ty CP Mía đường Thành Thành Công Biên Hòa không tổ chức thu mua, tiếp nhận mía có nguồn gốc từ địa bàn tỉnh Sóc Trăng dưới bất cứ hình thức nào.
Cùng với SOSUCO và các đơn vị sản xuất mía đường khác tôn trọng nguyên tắc tự xây dựng vùng nguyên liệu của mình theo hướng liên kết sản xuất bền vững theo chuỗi cung ứng để từng bước ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo lợi thế cạnh tranh với khu vực và thế giới.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận