Thị trường

Bị mua phá giá, nhà máy bao tiêu mía cho nông dân “kêu cứu”

16/02/2022, 06:30

Đầu tư sản xuất và hợp đồng tiêu thụ sản phẩm cho nông dân nhưng khi thu hoạch, nông dân bán mía cho thương lái đưa đi tiêu thụ ở nơi khác

Đó là trường hợp của Công ty cổ phần Mía đường Sóc Trăng (SOSUCO) và công ty này phải gửi văn bản đến các cơ quan chức năng… kêu cứu.

Bỏ vốn đầu tư cho nông dân, chờ mua mía

Ngày 15/2, ông Trần Ngọc Hiếu, Tổng giám đốc SOSUCO cho biết: “SOSUCO đã có công văn gửi đến UBND tỉnh Sóc Trăng và các cơ quan chức năng của tỉnh, UBND các huyện Cù Lao Dung, Long Phú về việc một số thương lái tổ chức thu mua mía trong vùng nguyên liệu của SOSUCO đưa đi bán cho các nhà máy đường khác”.

img

Thu hoạch mía ở Cù Lao Dung vào năm trước.

Theo ông Hiếu, niên vụ sản xuất 2021-2022, SOSUCO đã ký hợp đồng đầu tư trực tiếp với người trồng mía ở Sóc Trăng với diện tích gần 2.000 ha. Toàn bộ diện tích này SOSUCO đã đầu tư giống, phân bón, chi phí nhân công… cho nông dân với tổng giá trị đầu tư (tính đến thời điểm hiện nay) trên 15 tỷ đồng.

SOSUCO đã hỗ trợ toàn bộ lãi vay đầu tư để nông dân có điều kiện chăm sóc mía và cải thiện thu nhập từ việc trồng mía. Theo hợp đồng đã ký thì người dân nhận đầu tư phải cam kết bán toàn bộ sản lượng mía cho SOSUCO và công ty cam kết thu mua hết sản lượng này.

Hiện nay, SOSUCO đã chuẩn bị bước vào vụ sản xuất 2021-2022. Để chuẩn bị cho công tác thu mua mía theo hợp đồng đầu tư đã ký với các hộ dân, SOSUCO đã thông báo và triển khai chính sách thu mua mía vụ 2021-2022 đến tất cả các địa bàn trong vùng nguyên liệu.

Đồng thời, SOSUCO đang phối hợp với huyện Cù Lao Dung và các địa phương vùng mía triển khai các hội nghị phổ biến chính sách thu mua mía vụ 2021-2022 và chính sách đầu tư thu mua mía vụ 2022-2023 để nông dân yên tâm mở rộng diện tích.

Theo ông Hiếu, giá thu mua mía của nhà nông được SOSUCO thông báo công khai với mức 1,1 triệu đồng/tấn mía sạch 10 chữ đường (CCS). Đây là giá mua tại ruộng, bốc lên phương tiện vận chuyển của bên mua, chi phí vận chuyển về nhà máy đường Sóc Trăng do SOSUCO chịu. Ngoài ra, các hộ thực hiện đúng cam kết, SOSUCO sẽ hỗ trợ thêm từ 30.000 đến 50.000 đồng/tấn mía sạch.

Nhưng người khác đến mua

Tuy nhiên từ tháng 12/2021 đến nay, xuất hiện một số thương lái tổ chức thu mua mía trong vùng nguyên liệu của SOSUCO để đưa đi Tây Ninh bán cho các nhà máy đường khác với sản lượng từ 500-600 tấn/ngày, với giá không thống nhất nhưng luôn cao hơn SOSUCO. Một số hộ nông dân vì lợi ích trước mắt đã phá hợp đồng với SOSUCO, tự ý thu hoạch mía bán cho thương lái vận chuyển ra ngoài vùng.

“Việc các thương lái tranh mua mía của SOSUCO đã đầu tư đưa đi bán cho các nhà máy đường khác gây mất ổn định ở địa phương, nhiễu loạn vùng nguyên liệu và ảnh hưởng rất xấu đến hoạt động của SOSUCO nói riêng và thị trường mía đường trong nước nói chung", ông Trần Ngọc Hiếu cho biết.

"SOSUCO có nguy cơ phải dừng sản xuất sớm do thiếu mía và mất vốn đầu tư do không thu hồi được từ việc thu mua mía”, ông Trần Ngọc Hiếu nhấn mạnh.

Trước tình hình đó, lãnh đạo SOSUCO đã gửi công văn đề nghị UBND tỉnh Sóc Trăng, các cơ quan chức năng của tỉnh và UBND các huyện Cù Lao Dung, Long Phú (vùng nguyên liệu mía lớn nhất của Sóc Trăng mà SOSUCO đã ký hợp đồng với nông dân).

Nội dung là kiến nghị có giải pháp bảo vệ hoạt động sản xuất chế biến của doanh nghiệp trên địa bàn, có hợp đồng đầu tư và bao tiêu mía cho bà con nông dân, góp phần phát triển chuỗi liên kết sản xuất mía đường.

Đồng thời, SOSUCO cũng đã gửi công văn đề nghị 1 công ty được cho là mua mía có nguồn gốc của SOSUCO bao tiêu, không tổ chức thu mua, tiếp nhận mía có nguồn gốc từ địa bàn tỉnh Sóc Trăng dưới bất cứ hình thức nào. Cùng với SOSUCO và các đơn vị sản xuất mía đường khác tôn trong nguyên tắc tự xây dựng vùng nguyên liệu của mình theo hướng liên kết sản xuất bền vững theo chuỗi cung ứng để từng bước ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo lợi thế cạnh tranh với khu vực và thế giới.

Xung quanh vấn đề này, ông Lê Trọng Nguyên, Bí thư Huyện ủy Cù Lao Dung cho biết: “Từ hôm trước Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, địa phương cũng nắm được thông tin phản ánh từ SOSUCO và đã chỉ đạo ngành chức năng, chính quyền địa phương tìm hiểu, tuyên truyền. Theo đó, đề nghị người trồng mía đã ký hợp đồng với SOSUCO nên thực hiện đúng theo hợp đồng để tránh thiệt thòi về lâu dài, không làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của công ty.

Theo tìm hiểu, trong số những người bán mía cho thương lái đưa ra ngoài tỉnh, bên cạnh một số nông dân ký hợp đồng với SOSUCO, còn có một số người không ký hợp đồng với SOSUCO. Nếu không ký hợp đồng thì bà con muốn bán cho thương lái thì bán, địa phương không có ý kiến gì. Hiện nay tình hình cũng đã tạm ổn”.

Việc thương lái mua mía ở Sóc Trăng đưa đi các nhà máy đường ngoài tỉnh tiêu thụ giữa lúc xăng dầu lên giá, chắc chắn chi phí vận chuyển sẽ rất cao, giá thành nguyên liệu về đến nhà máy đường sẽ đội lên rất nhiều.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.