Xã hội

Sẽ xây hồ ngầm chống ngập giữa phố cổ Hà Nội?

12/06/2018, 06:45

Một Công ty vừa đề xuất xây hồ ngầm chứa nước mưa, chống ngập ngay khu vực Đường Thành, Chợ Hàng Da.

11

Vị trí Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội đề xuất xây hồ ngầm ở khu vực Đường Thành, chợ Hàng Da (quận Hoàn Kiếm)

25 tỷ đồng xây hồ ngầm chống ngập

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Võ Tiến Hùng, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cho biết, vừa gửi văn bản kiến nghị UBND TP xem xét, cho ý kiến về đề xuất xây hồ ngầm khoảng 25 tỷ đồng có thể chứa 2.000m3 nước mưa để chống ngập ở khu vực Đường Thành, chợ Hàng Da (quận Hoàn Kiếm). Hồ điều tiết ngầm sử dụng công nghệ Cross-wave của Nhật Bản, có thể trữ tới 90% lượng nước mưa trong hồ, thời gian thi công ngắn, sau đó trải thảm bê tông nhựa, các phương tiện có thể qua lại bình thường.

Theo ông Hùng, phương án đề xuất hồ ngầm sẽ được xây dựng ngay dưới lòng đường thuộc ngã 5 khu vực Đường Thành và Hàng Da. “Nếu được chấp thuận, đây sẽ là giải pháp thí điểm điều tiết nước mưa, chống ngập cho khu vực phố cổ. Lượng nước mưa ở dưới hồ ngầm có thể được sử dụng làm nước cứu hỏa, tưới cây, rửa đường khi cần thiết”, ông Hùng nói.

Mới đây, tại buổi giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội, ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, dù đã có nhiều nỗ lực, xây dựng các trạm bơm để “giải cứu” cho khu vực nội đô mỗi mùa mưa về, tuy nhiên, hiện nay TP vẫn chưa thể thoát khỏi tình trạng ngập lụt nếu gặp những trận mưa to. Ông Mỹ cho biết thêm, nếu mưa từ khoảng 50 - 100mm trong 2 giờ liên tiếp, trên địa bàn TP sẽ có khoảng 15 điểm bị ngập.

Ông Hoàng Cao Thắng, Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, đây chỉ là đề xuất của phía Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội nhằm hạn chế tình trạng giảm ngập úng, thoát được nước trong khu vực phố cổ khi có mưa to. Sở Xây dựng với vai trò là cơ quan kiểm tra, giám sát, đôn đốc sẽ nghiên cứu kỹ đề xuất này để đánh giá mức độ phù hợp.

Ghi nhận của PV Báo Giao thông sáng 11/6 trên khu vực Đường Thành, người dân ở khu vực này khi được hỏi đa phần cho biết có nghe đến đề xuất này. Ông Nguyễn Ngọc Nam, chủ cửa hàng kinh doanh ở phố Đường Thành (Cửa Đông, Hoàn Kiếm) bộc bạch, địa bàn quận Hoàn Kiếm là khu vực có nền thấp nên mỗi khi mưa, mực nước thường dâng cao, khoảng hơn tiếng là ngập đến bụng người lớn. “Nhà tôi ở đây chứng kiến không biết bao nhiêu vụ xe chết máy do mưa ngập sâu, các hộ gia đình kinh doanh ở đây phải dùng mọi biện pháp thủ công để ngăn không cho nước ngập vào nhà nhưng do nền trũng nên vẫn thường xuyên phải chịu cảnh ngập khi mùa mưa. Mong rằng, thành phố sớm có giải pháp chống ngập ở khu vực này”, ông Nam chia sẻ.

Bà Vũ Thị Bích cũng có nhà trên phố Đường Thành cho hay, hiện trạng của khu vực cứ mưa là ngập nặng nên cơ quan chức năng cần cân nhắc xem giải pháp xây hồ chống ngập có khả thi. Nếu được thì triển khai sớm để giải quyết dứt điểm tình trạng úng ngập khu vực phố cổ.

Khó giải quyết dứt điểm ngập khi mưa lớn

Tuy nhiên, đề xuất xây hồ chống ngập nhận được nhiều ý kiến không đồng thuận từ phía các chuyên gia. Trao đổi với Báo Giao thông, GS.TS. Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT thẳng thắn: “Đề xuất này không khả thi”. Theo GS.TS. Hồng, một công trình nằm giữa chợ Hàng Da, tức là giữa phố cổ thì phải xem xét nhiều mặt. Phương án đề xuất xây dựng hồ ngầm với dung tích 2.000m3 là tương đối nhỏ, chỉ có thể giải quyết ngập cục bộ tại khu vực hẹp và trong điều kiện mưa nhỏ. Trong khi đó, hiện nay do biến đổi khí hậu, lượng mưa thường lớn hơn so với dự báo. Hồ điều tiết ngầm cũng chỉ dùng để chứa nước lúc trời mưa, đến khi hết mưa, phải cho thoát nước đi để có không gian trữ các đợt mưa tiếp theo.

“Vì hồ để chứa nước mưa nên phải tính xem hồ chịu được cơn mưa bao nhiêu mm theo giờ. Nếu mưa to hơn nữa, hồ đầy, không chứa được nữa, nước thoát đi đâu hay lại gây úng ngập? Chống ngập không phải là trữ nước mà phải đưa nước đi”, GS.TS. Vũ Trọng Hồng nói và cho rằng, điều mọi người lo nhất khi đặt một hồ chứa ngầm là nền đất ở nơi đó có ổn định không? Nếu nền phía dưới không ổn định sẽ bị lún, ảnh hưởng đến khối công trình trên mặt đất. Do vậy, phải có khảo sát thật kỹ để có hướng xử lý phù hợp. Mặt khác, nếu xây dựng hồ điều tiết ngầm mà không có công trình để ngăn, kiểm soát không cho lượng nước chảy vào hồ khi hồ đầy hay việc không kịp tiêu thoát, giữ lại nước quá nhiều giờ có thể làm cho nền đất khu vực xung quanh chứa thêm nước, yếu thêm", ông Hồng nhận định.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.