Công khai tên người bỏ cọc sau khi trúng đấu giá đất vẫn là nội dung được dư luận quan tâm, bởi đây là một trong những giải pháp được cho là hạn chế tình trạng lướt cọc, thổi giá gây nhiễu loạn thị trường đấu giá đất thu ngân sách nhà nước.
Hà Nội mới đây yêu cầu các quận, huyện lập danh sách các trường hợp trả giá cao hơn thị trường, trúng đấu giá nhưng không nộp tiền để công khai trên trang thông tin của các huyện, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội. Tuy nhiên, đến nay chưa có thông tin mới, chính thức về thực hiện biện pháp này.
Dưới góc nhìn riêng, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, Nhà nước cần có chính sách mạnh tay và thiết thực hơn nữa. Chuyên gia Đinh Trọng Thịnh cho rằng, pháp luật quy định không nộp tiền trúng đấu giá sau thời hạn sẽ bị mất tiền cọc, ngoài ra không có các chế tài khác đi kèm.
Cơ quan chức năng còn lúng túng trong xây dựng các quy định về đấu giá đất. "Ngoài vụ đấu giá đất ở Thủ Thiêm (TP.HCM), hiện nay có nhiều vụ diễn ra tương tự. Qua đó bộc lộ một số quy định của pháp luật trong đấu giá đất chưa chặt chẽ. Tuy nhiên cơ quan chức năng điều chỉnh rất chậm và có phần lúng túng", ông Thịnh nói.
Ông Thịnh cho rằng, để "siết" tình trạng thổi giá, bỏ cọc, cần áp dụng thêm một số biện pháp như người trúng đấu giá phải đứng tên chính chủ (không cho bán lướt, người nộp tiền thay theo ủy quyền) điều này sẽ hạn chế việc mới đấu xong đất đã mang ra "chợ" rao bán suất trúng đấu giá. Bên cạnh đó, quy định tối thiểu sau 5 năm thì mới được chuyển nhượng và yêu cầu phải xây dựng trong thời hạn nhất định sau khi được bàn giao đất.
GS Đặng Hùng Võ cũng cho rằng, cần hạn chế sự tham gia của các nhà đầu cơ bằng cách siết chặt ngay từ đầu vào như yêu cầu người tham gia đấu giá chứng minh khả năng tài chính, mục đích sử dụng đất trước khi tham gia đấu giá. Việc này sẽ giúp ngăn chặn tình trạng giá đất bị đẩy lên cao bởi các nhóm đầu cơ không có nhu cầu thực.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh chia sẻ quan điểm rằng, "bêu tên" người này, họ sẽ nhờ người khác đăng ký tham gia đấu giá. "Bêu tên" không hiệu quả bằng việc tăng cường biện pháp giám sát cũng như có khung pháp lý đủ mạnh để giúp cho thị trường đấu giá đất phát triển bền vững.
Trước đó, hàng ngàn bộ hồ sơ đăng ký tham gia đấu giá 68 lô đất xã Thanh Cao, huyện Thanh Oai, Hà Nội. Tuy nhiên, chỉ có chủ nhân 12/68 lô đất trúng đấu giá nộp tiền, còn lại bỏ cọc.
Tương tự, Hoài Đức đấu giá 19 thửa đất khu Lòng Khúc (xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức). Kết quả là, trong số 13 khách hàng trúng đấu giá 19 thửa đất, hiện mới có 6 người trúng đấu giá 11 thửa nộp đầy đủ tiền sử dụng đất theo quy định. Điều này dấy lên lo ngại mượn đấu giá để "thổi" giá đất, khiến người có nhu cầu ở thực không mua được nhà. Những khu vực đấu giá bỏ hoang, hình thành những dự án "ma".
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận