Rõ trách nhiệm doanh nghiệp vận tải trong sử dụng lái xe
Vụ tai nạn giao thông của xe khách nhà xe Thành Bưởi và ô tô 16 chỗ xảy ra cách đây 7 tháng làm 5 người tử vong và 4 người bị thương nặng là sự cảnh tỉnh đối với các doanh nghiệp vận tải trong việc điều hành lái xe.
Tài xế xe khách BKS 50F - 004.83 trong vụ tai nạn là ông Hoàng Văn Tính (37 tuổi, quê Thừa Thiên - Huế) được ký hợp đồng không xác định thời hạn với Công ty Thành Bưởi.
Ông Tính có giấy phép lái xe hạng E, nhưng thời điểm điều khiển xe gây tai nạn, giấy phép lái xe đang bị Phòng CSGT Công an tỉnh Lâm Đồng tạm giữ ba tháng. Thời hạn tạm giữ từ 5/8-5/11/2023.
Dù đang bị tạm giữ giấy phép lái xe nhưng ông Tính vẫn được Công ty Thành Bưởi giao điều khiển phương tiện BKS 50F-004 83 vào các ngày 4/9 và 25/9.
Và đến lần thứ ba, khi Công ty Thành Bưởi tiếp tục giao tài xế Tính điều khiển phương tiện này để chở khách từ TP.HCM đi Đà Lạt ngày 30/9 thì gây ra tai nạn.
Sau khi khởi tố tài xế Tính về hành vi "Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ", Cơ quan CSĐT Công an huyện Định Quán (tỉnh Đồng Nai) cũng ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Lê Dương (32 tuổi, Phó giám đốc Công ty TNHH Thành Bưởi) về hành vi "Điều động người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ".
Cơ quan điều tra xác định ngày 30/9, Lê Dương đã ký lệnh vận chuyển, thể hiện việc điều động Hoàng Văn Tính điều khiển ô tô BKS 50F - 004.83 chạy hành trình từ TP.HCM - TP Đà Lạt.
Tại Luật Giao thông đường bộ 2008, Điều 67 quy định về điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô đã chỉ rõ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô không được sử dụng người lái xe đang trong thời kỳ bị cấm hành nghề theo quy định của pháp luật.
Do đó, hành vi của lãnh đạo Công ty Thành Bưởi đã vi phạm nghiêm trọng quy định này, dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, cướp đi mạng sống của 5 hành khách và khiến 4 người khác mang thương tật.
Một thành viên trong ban soạn thảo dự án Luật Đường bộ cho biết, quy định này tiếp tục được tiếp thu, đưa vào dự thảo Luật Đường bộ đang được Quốc hội thảo luận nhưng được tách riêng thành một khoản trong quy định về nghĩa vụ của doanh nghiệp vận tải hành khách, theo hướng chi tiết hoá một cách rõ ràng, cụ thể hơn.
Theo đó, doanh nghiệp vận tải không được sử dụng người không có giấy phép lái xe hoặc có giấy phép lái xe nhưng không phù hợp với loại xe, người đang bị tước hoặc bị thu hồi giấy phép lái xe để điều khiển phương tiện vận tải hành khách.
Bên cạnh đó, dự án Luật Đường bộ cũng siết trách nhiệm của doanh nghiệp vận tải trong việc sắp xếp người điều hành vận tải.
Nếu như Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định một trong những điều kiện hoạt động của doanh nghiệp vận tải hành khách là người trực tiếp điều hành hoạt động vận tải của doanh nghiệp, hợp tác xã phải có trình độ chuyên môn về vận tải thì tại dự án Luật Đường bộ, quy định này được đưa vào nghĩa vụ của doanh nghiệp vận tải và được chỉnh sửa lại với cách diễn đạt mạnh mẽ hơn, nội dung chi tiết hơn, thể hiện rõ các hoạt động trong công tác điều hành vận tải. Đó là việc điều hành phương tiện, người lái xe và giá cước vận tải.
Theo đó, dự án Luật Đường bộ quy định: Doanh nghiệp vận tải không được để tổ chức, cá nhân không có giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô loại hình vận tải hành khách thực hiện điều hành phương tiện và lái xe hoặc quyết định giá cước để vận tải hành khách.
Tăng trách nhiệm của doanh nghiệp trong quản lý lái xe
Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng VP luật sư Tinh thông luật cho biết, theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, nếu tài xế của doanh nghiệp vận tải gây tai nạn, doanh nghiệp phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trước, sau đó, có quyền yêu cầu tài xế hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật.
Quy định về bồi thường thiệt hại trong quá trình vận tải cũng được luật hoá tại quy định về nghĩa vụ của đơn vị kinh doanh vận tải hành khách trong dự thảo Luật Đường bộ.
Theo đó, đơn vị vận tải hành khách có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do người lao động, người đại diện gây ra trong quá trình vận tải theo quy định của pháp luật.
Đồng nghĩa với việc tăng trách nhiệm của doanh nghiệp vận tải trong việc quản lý lái xe sao cho đảm bảo an toàn, tuân thủ đúng quy định pháp luật, không gây ra hậu quả để phải bồi thường thiệt hại.
"Đây là quy định cần thiết để các doanh nghiệp vận tải có trách nhiệm, ý thức hơn khi quản lý lái xe, người lao động. Song, không đồng nghĩa với việc giảm nhẹ trách nhiệm của tài xế. Để tài xế, người lao động có ý thức trong việc chủ động tuân thủ quy định pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, có trách nhiệm trong việc đảm bảo an toàn cho phương tiện, hành khách và người tham gia giao thông khác, các doanh nghiệp cũng cần có quy chế, điều khoản ràng buộc trong hợp đồng lao động với tài xế về trách nhiệm bồi thường khi để xảy ra vụ việc gây hậu quả, thiệt hại", ông Khúc Hữu Thanh Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hải Phòng chia sẻ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận